Đây là bài viết được trích trên trang web của http://www.rfa.org/vietnamese/news ngày 26/12/2017 vì ý nghĩa to lớn của bài viết đối với những người yêu môi trường tại Việt Nam, do vậy tôi xin phép được đăng lên đây để cùng độc giả đón đọc.
Bảo vệ hành tinh
Sự phát triển công bằng, ổn định về sinh thái và một nền hòa bình cho toàn cầu là mục tiêu chính của Liên Hiệp Quốc. Tổ chức quốc tế này hoạt động vì một thế giới phát triển với mong muốn đem lại cho tất cả mọi người cuộc sống khỏe mạnh và an toàn.
Với mục đích đó Liên Hiệp Quốc đã phát động Ngày Môi trường Thế giới, được tổ chức hằng năm tại những thành phố, quốc gia khác nhau để nhắc mọi người bảo vệ hành tinh mà mình đang sống.
Ngày Môi trường Thế giới đầu tiên bắt đầu vào năm 1973. Năm nay Ủy Ban Môi trường của Liên Hiệp Quốc đã chọn Thành phố Pittsburgh của Hoa Kỳ để tổ chức, để đánh dấu những tiến bộ lớn đạt được trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Trong những thập niên gần đây, sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã mang lại thay đổi đáng kể trong nền kinh tế với quy mô lớn. Tuy nhiên sự phát triển này cũng gây ra những ảnh hưởng sâu sắc lên sức khỏe của con người.
Do khai thác quá mức, các nguồn tài nguyên thiên nhiên của thế giới đang dần dần cạn kiệt, trong đó có nguồn nước sạch. Hậu quả của sự xuống cấp của môi trường đang đe dọa sức khoẻ của con người, đặc biệt là người nghèo. Một tỉ lệ lớn dân số trên thế giới vẫn còn sống trong tình trạng thiếu thốn lương thực, nước sạch, đất đai, cũng như chưa được tiếp cận đầy đủ tới các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và xã hội khác.
Bác sĩ Trương Thìn, Giám đốc Trung tâm Y học cổ truyền hiện đại Thành phố Hồ Chí Minh nhận định:
Môi trường tốt sẽ đem lại sức khỏe cho con người, còn nếu môi trường không tốt thì sức khỏe báo động.
BS Trương Thìn
“Con người sống trong môi trường, và ảnh hưởng của môi trường là rất lớn. Nên môi trường tốt sẽ đem lại sức khỏe cho con người, còn nếu môi trường không tốt thì sức khỏe báo động. Ngày nay vấn đề môi trường là vấn đề lớn. Chúng ta có thể bị môi trường ô nhiễm rất lớn do khói, do xe hơi, do các nhà máy đưa ra. Thành ra bầu không khí của chúng ta, vì bị ô nhiễm, có thể gây rất nhiều bệnh về đường hô hấp. Rồi môi trường nước. Biết bao nhiêu bệnh gây ra do nước không được vệ sinh; nước không sạch sẽ kéo theo rất nhiều bệnh, đặc biệt là bệnh về đường tiêu hóa. Rồi đến thực phẩm, nhất là những lọai thực phẩm có chứa nhiều phân bón, hoặc những hóa chất không sạch, sẽ gây nhiễm độc mãn tính trong người chúng ta, và có thể đưa tới rất nhiều bệnh tật.”
Sống đơn giản
Không những chỉ có các yếu tố vật chất, mà các giá trị tinh thần cũng ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống của chúng ta. Bác sĩ Trương Thìn giải thích thêm:
“Rồi đến môi trường về tinh thần, một môi trường văn hoá và lành mạnh sẽ đem tới cho con người sự yên vui. Còn môi trường văn hóa không lành mạnh vì bị nhiều stress quá thì sẽ khiến con người bị suy sụp về tinh thần. Ngày nay những bệnh về đường hô hấp, đường tiêu hóa, rồi bệnh về tinh thần rất nhiều. Tất cả những điều này phải nghĩ đến nguồn gốc từ môi trường.”
Người thầy thuốc Tây Y kiêm Đông Y này cũng đưa ra lời khuyên:
“Nếu như mình ham muốn nhiều quá thì sẽ có nhiều stress tới với mình. Cho nên những người sống đơn giản, bớt ham muốn đi thì tinh thần sẽ khỏe hơn. Người có những tư duy tích cực, lạc quan thì ít bệnh tật hơn.
Ngày nay thì nhiều lý do này lý do khác làm cho con người suy nghĩ nhiều quá, làm cho người ta tính toán nhiều quá, làm người ta ham muốn nhiều quá. Và từ đó thì bệnh tâm thể diễn ra, tức là bệnh từ tinh thần tác động vào làm cho thể chất bệnh.”
Hiện nay, chúng ta đang đứng trước những thách thức lớn về môi trường. Những vấn đề như: sự thay đổi khí hậu nhanh chóng, sự mỏng dần của tầng ozone, rác thải, các loại thuốc trừ sâu, và những hóa chất độc hại đã làm mất đi sự đa dạng sinh học. Cộng thêm vào đó, là nạn phá rừng khiến đất bị xói mòn. Tất cả những yếu tố đó đã ảnh hưởng sâu sắc lên sức khỏe của con người. Và quan trọng hơn cả là sự ô nhiễm nước và không khí.
Nguyên nhân gốc rễ của sự huỷ diệt này chính là sự khai thác quá mức các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhằm thu lợi nhuận tối đa, nhưng lại thiếu một tầm nhìn dài hạn, công thêm với sự tiêu dùng xa xỉ của con người.
Vậy làm thế nào đẩy lùi sự hủy diệt này một cách hiệu quả, để giải quyết được cuộc khủng hoảng sức khỏe trên toàn cầu?
Tổ chức Y tế của Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi mọi người cần nhanh chóng ra tay hành động ở mọi cấp độ – từ cá nhân, cộng đồng, Quốc gia, khu vực đến toàn cầu – và trên mọi lĩnh vực.
Các Tổ chức Bảo vệ Môi trường yêu cầu tất cả mọi dự án phải có phần đánh giá tác động đến sức khỏe con người và tính đến tiêu chuẩn môi trường. Các chính phủ phải hết sức cẩn trọng và có những biện pháp kiềm chế đối với các công nghệ đe dọa tiềm tàng đến sức khỏe và môi trường. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng lên án ý đồ chuyển các ngành công nghiệp và các loại rác thải độc hại, kể cả các nhà máy phóng xạ nguyên tử đến các nước nghèo hay vùng cư ngụ của các cộng đồng thiểu số. Đồng thời, họ khuyến khích đưa ra các giải pháp giảm thiểu rác thải từ sản xuất công nghiệp.
Môi trường nước, biết bao nhiêu bệnh gây ra do nước không được vệ sinh; nước không sạch sẽ kéo theo rất nhiều bệnh, đặc biệt là bệnh về đường tiêu hóa.
BS Trương Thìn
Theo Tạp chí Y khoa Lancet, các nhà khoa học cũng khuyến khích nên cắt giảm mức tiêu thụ và sản xuất thịt động vật để bảo vệ môi trường. Theo ước tính nếu giảm khoảng 30% mức tiêu thụ và sản xuất thịt sẽ giúp giảm bớt mức phóng thải chất carbon và cải thiện sức khỏe tại những nước tiêu thụ thịt động vật. Điều này sẽ mang lại những lợi ích đáng kể cho môi trường, và cho sức khỏe của cộng đồng.
Cắt giảm khí thải
Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (UNFAO) cho biết, 18% lượng khí thải nhà kính xuất phát từ việc sản xuất thịt. Các chuyên gia cho rằng nhu cầu gia tăng về thịt, đặc biệt tại những nước kinh tế đang phát triển, có thể khiến việc sản xuất gia súc tăng khoảng 85% vào năm 2030, so với mức của những năm 2000. Do vậy các chuyên gia môi trường cũng kêu gọi cần tích cực hành động trong việc cắt giảm mức tiêu thụ và sản xuất thịt trên toàn cầu.
Đồng thời để giảm mức khí thải từ xe cộ và các phương tiện vận chuyển gây ra, các nhà khoa học cũng khuyên rằng nên ít đi xe hơi. Gia tăng đi bộ, cũng như đi xe đạp sẽ mang lại những lợi ích lớn lao cho sức khỏe song song với góp phần giảm thiểu lượng khí thải vào môi trường.
Một vấn đề khác cũng không kém phần quan trọng là sức khỏe nghề nghiệp. Đó cũng là một mặt của sức khỏe môi trường, vì trong thực tế, các chất độc hại vốn hiện diện ở trong hãng xưởng có thể thóat ra ngoài và gây tác hại cho sức khỏe cộng đồng. Các báo cáo Y khoa cho thấy, không có một bệnh mãn tính nào lại không có sự tham gia của các yếu tố môi trường, hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp.
Các bệnh tim mạch như: cao huyết áp, bệnh động mạch vành, nhồi máu cơ tim đều có liên quan đến môi trường sống và làm việc. Mặc dù vai trò của môi trường như một yếu tố gây bệnh tim mạch còn chưa rõ ràng, nhưng theo các nghiên cứu mới đây thì mối liên quan đang ngày càng rõ dần. Một nhóm đặc nhiệm của Hội Tim Mạch Hoa Kỳ năm 1981 đã công bố một phúc trình với tựa đề: “Tác động của môi trường đối với bệnh tim mạch,” trong đó xác định một số yếu tố môi trường gây ảnh hưởng tiềm tàng đối với sức khỏe tim mạch. Những yếu tố đó là: các nguyên tố vi lượng, các chất khí, ôxýt Carbon (CO), tiếng ồn, tần số radio, các stress về thể chất và tâm lý. Do vậy nên việc làm giảm bớt những mối nguy cơ ấy sẽ hữu ích cho rất nhiều nguời và đem lại kết quả lớn đến sức khỏe cộng đồng.
Các thầy thuốc gia đình cần có sự hiểu biết về sức khỏe nghề nghiệp, và sức khỏe môi trường, vì họ sẽ gặp những bệnh liên quan đến nghề nghiệp và môi trường trong khi hành nghề.
Ở Việt Nam các làng nghề sản xuất đan xen với các khu nhà ở, và hầu hết dân cư trong làng tham gia vào quá trình sản xuất nên nguy cơ ảnh hưởng của điều kiện lao động và chất thải sản xuất lên sức khỏe của người dân là rất lớn.
Do môi trường không khí, nguồn nước, và mặt đất đều bị ô nhiễm nên hầu hết người dân sống quanh khu vực làng nghề dễ dàng mắc các bệnh về đường hô hấp, đau mắt, bệnh ngoài da, bệnh về tiêu hóa, bệnh phụ khoa.
Để khắc phục tình trạng đó, chính quyền địa phương cần quy hoạch khu sản xuất, tách riêng khu dân cư và áp dụng các biện pháp xử lý chất thải và cải tạo môi trường lao động. Phải xây dựng quy chế làm việc, quy chế vệ sinh môi trường trong khu làng nghề, đồng thời khuyến khích các cơ sở sản xuất áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ và các giải pháp kỹ thuật để xử lý ô nhiễm và cải thiện môi trường lao động, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Ngày Môi trường Thế giới hằng năm là một tiếng chuông cảnh báo, đồng thời gởi đến cho tất cả chúng ta thông điệp của các nhà nghiên cứu về môi trường, là hãy giữ cho hành tinh của chúng ta mãi xanh tươi, vì cuộc sống của chúng ta và của các thế hệ mai sau.
Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/news