Chính sách môi trường trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ. Không những ở thành thị mà cả ở nông thôn. Quá trình này đã đem lại những thành tựu to lớn cho đất nước. Song chúng ta cũng đã thấy rõ vấn đề môi trường tự nhiên đang bị ô nhiễm nặng, gây tác động xấu đến sản xuất và đời sống. Những khu công nghiệp, cụm điểm công nghiệp ngày càng nhiều, những khu đô thị mới hiện đại mọc lên, và sản xuất hàng hóa, chế biến nông sản, thực phẩm ở nông thôn ngày càng trở nên sôi động. Do đó, việc giải quyết vấn đề môi trường thông qua các chính sách phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường đang là vấn đề cấp thiết được Nhà nước đặt ra hiện nay.

Ngày 9/6/2014, Thủ tướng CP đã ký quyết định số 879/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035. Trong đó liên quan đến môi trường thì quan điểm phát triển đã nêu rõ: phát triển công nghiệp trên cơ sở tăng trưởng xanh, phát triển bền vững bảo vệ môi trường.

Nước nào cũng vậy, phát triển công nghiệp thường kèm theo nguy cơ gây ra ô nhiễm môi trường. Nếu không quan tâm phòng, chống ngay từ đầu thì hiểm họa sẽ khôn lường. Trên thực tế đã có những quốc gia phát triển công nghiệp quá nhanh đã phải trả giá đắt cho vấn đề này. Quá trình công nghiệp hóa thường kèm theo tốc độ đô thị hóa nhanh, mức độ phát thải lớn, tốc độ khai thác tài nguyên thiên nhiên cũng tăng đến mức tối đa và kết cục là môi trường bị hủy hoại do ô nhiễm mạnh, tài nguyên thì cạn kiệt ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và đe dọa toàn bộ hệ sinh thái. Sau gần 30 năm đổi mới, công nghiệp Việt Nam có tốc độ tăng trưởng trung bình trên 10%/năm, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Song, công nghiệp cũng là một những ngành tạo ra nhiều chất thải nhất, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái. Những ngành công nghiệp có mức độ gây ô nhiễm cao như  khai thác than và khoáng sản; công nghiệp sản xuất điện; công nghiệp hóa chất; công nghiệp luyện kim; công nghiệp thực phẩm, dệt may, da giầy… khiến cho Chính phủ phải đặt ra những bài toán kèm theo lời giải mang tính hiệu quả cao. Chính sách cho bảo vệ môi trường trong quá trình công nghiệp hóa hiện nay thực sự là một vấn đề hết sức cấp thiết và đòi hỏi những chính sách đó phải vừa đảm bảo cho mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đạt được thành công vừa đảm bảo cho môi trường sinh thái đạt ngưỡng an toàn.

Phát triển công nghiệp phải đảm bảo phát triển bền vững

Cụm từ “Phát triển bền vững” đã và đang trở thành tuyên ngôn và chiến lược hành động của nhiều quốc gia trên thế giới. Kể từ Hội nghị Stockhom năm 1987 đến Hội nghị Rio de Janeiro năm 1992 và Johanesbour năm 2002 thì trên 200 quốc gia tham gia đã xác định vấn đề môi trường là yếu tố quyết định cho phát triển bền vững. Ngày nay, bên cạnh những thành tựu kinh tế thì thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức về đói nghèo, thiên tai, thiếu năng lượng và nguyên liệu, bệnh tật và suy thoái môi trường. Các nước ngày càng nhận thức rõ hơn các nguy cơ tiềm ẩn đe dọa đến sự phát triển bền vững, hệ quả của quá trình công nghiệp hóa thiếu cân nhắc về môi trường. Các chính phát triển bền vững sẽ giúp cho các ngành kinh tế có sự cân nhắc sử dụng các nguồn lực sao cho tiết kiệm và hiệu quả nhất. Các chính sách phát triển bền vững là công cụ điều chỉnh hướng tới những tư duy cân bằng hơn trong cách thức giải quyết và đáp ứng các mục tiêu kinh tế – xã hội và môi trường, nhằm tạo ra những tiền đề phát triển trong tương lai.

Việt Nam là một trong những quốc gia sớm ký tuyên bố chung về thực hiện phát triển bền vững từ năm 1992. Cuối năm 1993, luật Bảo vệ môi trường được ban hành cùng với sự tích cực chuẩn bị Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam đã thể hiện quyết tâm đối với các cam kết quốc tế. Những nỗ lực đó của Việt nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, đó chỉ là những bước khởi đầu của phát triển bền vững, vì Việt nam vẫn đang là nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp, nên nỗi lo toàn về kinh tế đang bao trùm, chi phối các lĩnh vực đời sinh – xã hội và đặc biệt là sản xuất công nghiệp.

Bước vào thời kỳ công nghiệp hóa với sự tăng trưởng nhanh của công nghiệp, những vấn đề môi trường cũng đang tích tụ và tăng nhanh làm cộng đồng lo ngại. Quá trình hội nhập kinh tế cũng có những tác động làm thay đổi nhận thức của doanh nghiệp về hệ quả môi trường và cạnh tảnh, và nhiều nguy cơ tiềm ẩn khác như khủng hoảng năng lượng, thiếu hút nguyên liệu, mất cân bằng sinh thái và biến đổi khí hậu toàn cầu. Trước đòi hỏi bức xúc về môi trường trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, từ năm 2004, Bộ Chính trị đã kịp thời ra chỉ thị về công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong đó xác định rõ: bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; bảo vệ  môi trường là một nội dung cơ bản không thể tách rời trong đường lối, chủ trương và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tất cả các cấp, các ngành, là cơ sở quan trọng đảm bảo phát triển bền vững, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; coi phòng ngừa và ngăn chặn ô nhiễm là nguyên tắc chủ đạo kết hợp với xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường và bảo tồn thiên nhiên. Cũng đầu năm 2004, chiến lược quốc gia về bảo vệ môi trường và tiếp theo là Định hướng chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam đã được Chính phủ thông qua.

Phát triển công nghiệp xanh – giải pháp tích cực ứng phó với biến đổi khí hậu

Hiện nay, biến đổi khí hậu toàn cầu không còn là dự báo mà đã trở thành mối đe dọa gây ra nhiều thảm họa và tai biến thiên nhiên trên toàn thế giới. Việt Nam là một trong những quốc gia được dự báo sẽ bị tác động nghiêm trọng nhất do biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng. Việt nam không thuộc nhóm nước phải cam kết cắt giảm khí nhà kính. Nhưng xét về lợi ích toàn cầu và của quốc gia, Việt Nam cần chủ động phát triển công nghiệp xanh phù hợp với mục tiêu chung về phát triển kinh tế – xã hội, nhằm đạt 3 mục tiêu: xóa đói, giảm nghèo, giảm phát khí thải nhà kính và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Công nghiệp xanh đang được ứng dụng và phát triển mạnh mẽ ở Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… Công nghiệp Xanh là một chiến lược hoạt động mà các ngành công nghiệp tại các quốc gia ở tất cả các giai đoạn phát triển có thể sử dụng để đạt được phát triển bền vững bằng cách tách tăng trưởng kinh tế ra khỏi việc sử dụng quá mức tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường. Các ngành công nghiệp xanh sẽ giảm thiểu lượng chất thải phát thải, sử dụng năng lượng một cách hiệu quả và triển khai sử dụng các nguồn tài nguyên có thể tái tạo làm nguyên liệu cũng như năng lượng đầu vào. Ngoài ra, các ngành công nghiệp xanh còn cung cấp hàng hóa và dịch vụ môi trường, như quản lý chất thải, năng lượng tái tạo, v.v… theo cách có thể dự đoán được để đảm bảo rằng môi trường làm việc, cộng đồng địa phương và thiên nhiên nói chung được an toàn trước những rủi ro nguy hiểm về môi trường. Công nghiệp Xanh là một cách tiếp cận toàn diện có tác động lan tỏa rộng rãi, bắt đầu và tập trung vào công nghiệp, nhưng có liên quan đến tất cả mọi mặt của xã hội. Sáng tạo và đổi mới kỹ thuật là động lực cho các ngành công nghiệp xanh của tương lai, sẽ là tác nhân xúc tiến việc làm xanh, tăng trưởng trong tương lai, và phát triển bền vững hơn.

Phát triển ngành công nghiệp môi trường – bảo vệ môi trường trong quá trình công nghiệp hóa

Hiện nay tại Việt Nam, ngành công nghiệp môi trường có thể nói còn khá mới mẻ và đang tìm hướng phát triển phù hợp. Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng khung khổ pháp lý phù hợp cho các hoạt động bảo vệ môi trường. Các quy định về đánh giá tác động môi trường, kiểm soát ô nhiễm, xử lý nước thải, quản lý chất thải rắn, chất thái nguy hại, kế hoạch xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng .v.v. ngày càng rõ và cụ thể hơn. Công tác kiểm tra, thành tra, xử lý vi phạm pháp luật kèm theo các chế tài hành chính, hình sự và các biện pháp bổ sung khác cũng ngày càng được quan tâm hoan. Việc thực hiện nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả” thông qua các quy định về thuế, phí, lệ phí môi trường như phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, chất thải rắn, khai thác khoáng sản, phí xăng dầu, v.v., cơ chế ký quỹ phục hồi môi trường, cơ chế bồi thường thiệt hại cũng dần hình thành và đi vào thực hiện. Đến năm 2009, Chính phủ đã phê duyệt một đề án gọi là Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2025. Mục tiêu của đề án này là phát triển ngành công nghiệp môi trường thành ngành công nghiệp có khả năng cung cấp các công nghệ, thiết bị, dịch vụ sản phẩm môi trường nhằm xử lý, kiểm soát ô nhiễm, khắc phục suy thoái, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường.

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa với môi trường là hai vấn đề có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Nếu chúng ta chỉ chú ý đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa để đem lại hiệu quả kinh tế thuần túy, mà quên vấn đề môi trường thì hiệu quả kinh tế thu được chắc gì đã đủ để giải quyết hậu quả do ô nhiễm môi trường gây ra. Chính vì vậy, dù ở bất kỳ cơ sở sản xuất nào, khu công nghiệp nào, thành thị hay nông thôn, cũng phải gắn liền với vấn đề môi trường xanh, sạch, đẹp để phát triển nền kinh tế-xã hội một cách bền vững. Chính sách nhất quán của Việt Nam là phát triển công nghiệp trên cơ sở phát triển bền vững, chuyển dần sang phát triển công nghiệp xanh nhằm bảo vệ môi trường, môi sinh và cân bằng sinh thái.

Tài liệu tham khảo:

  • Towards Green Growth Through Green Industry Development in Viet Nam/http://www.un.org.vn

  • Tham luận của TS. Đỗ Hữu Hào – Tạp chí Khu công nghiệp Việt Nam 7/2015

Tác giả: Lê Ninh (tổng hợp)

Nguồn: http://veia.com.vn/207-1804-Chinh-sach-moi-truong-trong-qua-trinh-cong-nghiep-hoa,-hien-dai-hoa.html