Lê Trọng Cúc
Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội
Lời giới thiệu
Miền núi Việt Nam chiếm 2/3 diện tích đất đai trong cả nước, là nơi cư trú của hơn 50 tộc người, cũng là nơi tập trung nhiều tài nguyên sinh học, khoáng sản và năng lượng có giá trị. Miền núi có vai trò quan trọng trong an ninh quốc phòng và chiếm một vị trí đặc biệt trong chiến lược phát triển của đất nước.
Các nghiên cứu phát triển bền vững miền núi Việt Nam đã được Nhóm nghiên cứu miền núi, tiền thân của Tổ công tác miền núi (UWG), Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện từ những năm 1980, trong chương trình cấp Nhà nước “nghiên cứu sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường – 5202 (1981-1985) và 52D (1986-1990)“. Năm 1990, Tổ Công tác Miền núi (UWG) thực sự phát triển trong sự hợp tác với Mạng lưới nghiên cứu các Hệ sinh thái Nông nghiệp các trường Đại học Đông Nam á – Southeast Asian Universities Agroecosystem Network (SUAN), Trung tâm Đông-Tây (EWC), Đại học Berkeley, Hoa kỳ, v.v. khi lý thuyết Sinh thái nhân văn (Human Ecology) được đưa vào áp dụng cho các nghiên cứu miền núi, bắt đầu bằng một Hội thảo tập huấn nhận thức về lý thuyết Sinh thái nhân văn và nghiên cứu phối hợp giữa Trung tâm và các tổ chức nói trên tại huyện Thanh Hoà, Đoan Hùng và Lập Thạch tỉnh Vĩnh Phú cũ. Sản phẩm đầu tiên đó đã được xuất bản bằng hai thứ tiếng “Agroecosystems of the Midlands of Northern Vietnam, A report on a Preliminary Human Ecology Field Study of Three Districts in Vinh Phu Province – Hệ sinh thái nông nghiệp Trung du Miền Bắc Việt Nam – Báo cáo bước đầu về Nghiên cứu Sinh thái nhân văn ở ba huyện, tỉnh Vĩnh Phú“ (Lê Trọng Cúc, Kathleen Gillogly và A.T.Rambo,1990).
Từ đó đến nay Tổ Công tác Miền núi đã tiến hành nhiều nghiên cứu và hội thảo khoa học phát triển bền vững Miền núi trên cơ sở lý thuyết Sinh thái nhân văn. Nhiều ấn phẩm đã được công bố: Đất chật người đông – Sinh thái nhân văn vùng đồng bằng Sông Hồng (1992); Nghiên cứu Sinh thái nhân văn Hệ sinh thái nương rẫy tổng hợp bản Tát, Hoà Bình (1993); Những vấn đề Sinh thái Nhân văn ở Việt Nam (1994); Sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường Bình-Trị-Thiên (1996); Tiếp cận Sinh thái nhân văn và phát triển bền vững miền núi Tây Nam Nghệ An (1997); Những xu hướng phát triển ở vùng núi phía Bắc Việt Nam (1997); Những khó khăn trong phát triển miền núi phía Bắc Việt Nam (1999); Nghiên cứu phát triển bền vững miền núi Việt Nam (1999); Nghiên cứu phát triển bền vững vùng núi khu vực miền trung Việt Nam (2000); Vùng núi phía Bắc Việt Nam, một số vấn đề môi trường và kinh tế – xã hội (2001).
Báo cáo “Phát triển bền vững miền núi Việt Nam – mười năm nhìn lại và các vấn đề đặt ra“ là tập hợp kết quả nghiên cứu mười năm phát triển miền núi Việt Nam do Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường (CRES), Đại học quốc gia Hà Nội chủ trì, phối hợp với Trung tâm Thông tin Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với sự đóng góp của hơn 30 nhà khoa học và quản lý danh tiếng thuộc nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hoá và môi trường. Các vấn đề trong báo cáo đã được thảo luận, đối thoại cởi mở trên một cuộc toạ đàm ngày 11-12/4/2002, tại Hà Nội với sự tham gia của hơn 70 đại biểu là các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý… ở trung ương và địa phương có liên quan đến miền núi.
Báo cáo bao gồm 2 phần chính:
Phần I. Tổng quan chung bao gồm các bài viết có tính tổng hợp: Mười năm phát triển miền núi Việt Nam, các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hoá và môi trường; Phát triển kinh tế, xã hội miền núi 10 năm qua và các vấn đề đặt ra; Môi trường miền núi Việt Nam 10 năm qua: biến đổi và các vấn đề cần quan tâm; Văn hoá các dân tộc thiểu số miền núi Việt Nam: 10 năm nhìn lại và các vấn đề thảo luận.
Phần II. Các báo cáo chuyên đề bao gồm các lĩnh vực nghiên cứu: dân số, phát triển nông lâm nghiệp, kết cấu hạ tầng, phát triển công nghiệp và đô thị hoá, thương mại và thị trường miền núi, chính sách đầu tư và phát triển miền núi, các thành phần kinh tế, định canh định cư, xoá đói giảm nghèo, an toàn lương thực, y tế, giáo dục, giới. Các vấn đề về môi trường, bảo vệ thiên nhiên, đa dạng sinh học, phát triển lâm nghiệp, quản lý rừng cộng đồng. Các báo cáo Phát huy đổi mới bản sắc văn hoá các tộc người thiểu số, Văn hoá dân tộc Tây Nguyên truyền thống và hiện đại, phong tục tập quán, nghi lễ, Văn hoá các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc; truyền thống và biến đổi, biến động về tôn giáo, tín ngưỡng, v.v.
Báo cáo cung cấp sự đánh giá thực trạng phát triển Miền núi trong mười năm qua, phân tích những gì đã làm được, những gì chưa làm được, mức độ tương xứng giữa những gì đã bỏ ra và những gì đã thu lại. Tính phù hợp và khả thi của các chính sách và việc thực hiện các chính sách, xác định các quá trình cơ bản của sự thay đổi về môi trường, kinh tế, xã hội và văn hoá trong bối cảnh toàn cầu hoá, hội nhập khu vực, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Chúng tôi hy vọng, thông qua báo cáo này, nhiều người sẽ được chia sẻ sự hiểu biết về vùng núi Việt Nam một cách toàn diện hơn, hệ thống hơn, nó không những có trong các vấn đề nghiên cứu trả lời, mà còn những vấn đề mới được phát hiện từ các nghiên cứu này.
Lời cảm ơn: Để thực hiện được báo cáo này, Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường, Đại học quốc gia Hà Nội đã nhận được sự giúp đỡ về tài chính từ phía Quỹ Ford. Hơn 30 nhà khoa học đã đóng góp bài viết. Báo cáo này được thực hiện nhờ sự làm việc hăng say, tâm huyết của PGS. Chu Hữu Quý trong việc biên tập, hiệu chỉnh các bài viết. Chúng tôi ghi nhận công lao của các cán bộ Tổ công tác miền núi, Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường, đại học Quốc gia Hà Nội đã nhiệt tình trong việc kết nối cuối cùng bản báo cáo này.