Chi trả dịch vụ môi trường rừng giúp bảo vệ và phát triển rừng

Sau 2 năm thí điểm, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã khuyến khích người dân chuyên tâm trồng rừng và bảo vệ rừng, đồng thời nhận được sự ủng hộ từ các doanh nghiệp.

Số vụ vi phạm lâm luật giảm trên 50% Tại buổi tọa đàm về vấn đề triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (PFES) tại Cổng TTĐT Chính phủ ngày 25/6, ông Nguyễn Tuấn Phú (Vụ trưởng – Vụ Kinh tế ngành – Văn phòng Chính phủ ) cho biết, sau 2 năm triển khai thí điểm tại Lâm Đồng và Sơn La, PFES đã chứng tỏ được tính ưu việt, được cộng đồng đón nhận.

Theo ông Nguyễn Tuấn Phú, để cho ra đời PFES, Chính phủ đã xác định rõ hàng hóa trên thị trường dịch vụ môi trường rừng là các giá trị sử dụng của môi trường rừng (thực vật rừng, động vật rừng, vi sinh vật rừng, nước, đất, không khí và cảnh quan tự nhiên).

Chính sách này (thể hiện tại Quyết định 380/2008/QĐ-TTg về chính sách thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng) là chính sách đầu tiên về lâm nghiệp coi việc bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn các hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học và cảnh quan thiên nhiên của rừng là các dịch vụ.

Mọi cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức được sử dụng và hưởng thụ các dịch vụ này phải trả tiền theo phương thức ủy thác qua quỹ bảo vệ phát triển rừng cho những người cung ứng dịch vụ (các chủ rừng và các hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng).

Nói một cách cụ thể hơn, bên bán hàng hoá dịch vụ môi trường rừng là người lao động trong ngành Lâm nghiệp, người trực tiếp đầu tư vốn và lao động để bảo vệ và phát triển rừng; bên mua dịch vụ môi trường rừng là các nhà máy thuỷ điện, nhà máy sản xuất nước, các công ty du lịch… sử dụng dịch vụ môi trường rừng để sản xuất các sản phẩm: điện, nước sạch, sản phẩm du lịch…

Những người hưởng lợi cuối cùng là khách hàng sử dụng điện, nước, sản phẩm du lịch …phải mua sản phẩm này tức là phải trả tiền cho người cung ứng dịch vụ môi trường rừng.

Thực hiện thí điểm PFES không chỉ tạo cơ sở khung pháp lý khi áp dụng chính sách này trên cả nước, thực hiện xã hội hóa nghề rừng mà còn tạo lập cơ sở kinh tế bền vững cho việc bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, đặc biệt là đảm bảo nguồn nước cho sản xuất điện, nước và các hoạt động kinh doanh du lịch.

Sau 2 năm triển khai thí điểm, những con số sau đây có thể phác họa phần nào thành công của PFES: ước tính tại các vùng rừng thí điểm, không còn xảy ra tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp và số vụ vi phạm về lâm luật (chặt, phá, đốt rừng…) đã giảm trên 50%.

Chia sẻ về mối quan tâm liệu đối tượng phải chi trả dịch vụ môi trường rừng nói chung sẽ phản ứng như thế nào, ông Nguyễn Tuấn Phú cho biết, qua việc thực hiện thí điểm cho thấy các doanh nghiệp trên địa bàn như nhà máy thủy điện Đa Nhim, Đại Minh, các công ty kinh doanh du lịch… đều rất ủng hộ chính sách này.

Trước hết, việc triển khai chính sách thí điểm tới các doanh nghiệp trên hai địa bàn nói trên đi liền với việc giúp họ hiểu rõ về nội dung và đặc biệt là mục đích và hiệu quả của chính sách. Hơn nữa, Chính phủ đã có những cân nhắc hết sức kỹ lưỡng các yếu tố về giá trị kinh tế, tâm lý các đối tượng trong PFES… để có thể đưa được chính sách mới này vào cuộc sống một cách sớm nhất và thuận lợi nhất.

Ông Nguyễn Tuấn Phú lấy ví dụ, phí chi trả dịch vụ môi trường rừng cho một số cơ sở sản xuất thủy điện hiện nay là 20 đồng/1kWh điện thương phẩm, trong khi đó nếu tính toán trên cơ sở khoa học thì mức phí phù hợp phải là 60 đồng.

Khuyến khích người trồng rừng

Trong Quyết định số 380/QĐ-TTg (10/4/2008) về việc ban hành Chính sách thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng có nêu lên một công thức xác định số tiền chi trả cho chủ rừng như sau:

Tổng số tiền chi trả cho người được chi trả dịch vụ trong năm (đồng)  =  Định mức chi trả bình quân cho 1 ha rừng (đồng/ ha)  Diện tích rừng do người được chi trả dịch vụ quản lý, sử dụng (ha) Hệ số K

Trong đó hệ số K phụ thuộc vào từng loại rừng (rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất), tình trạng rừng (rừng giàu, rừng trung bình, rừng nghèo, rừng phục hồi), nguồn gốc hình thành rừng (rừng tự nhiên, rừng trồng) do UBND tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Sơn La quyết định cụ thể trên cơ sở kết quả nghiệm thu rừng được cơ quan có trách nhiệm nghiệm thu xác nhận.

Theo ông Nguyễn Tuấn Phú, hệ số K gắn với lợi ích kinh tế sát sườn chính là động lực khuyến khích người dân được giao khoán rừng chuyên tâm trồng rừng và bảo vệ rừng.

Thực tế, sau 2 năm triển khai thí điểm, nhân dân hai tỉnh Lâm Đồng và Sơn La đã hết sức ủng hộ chính sách này, nhiều hộ dân đã xin được nhận khoán thêm diện tích rừng để bảo vệ, phát triển.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tuấn Phú, cũng cần làm tốt công tác truyền thông để người dân làm rừng (người cung cấp dịch vụ) hiểu rõ về cơ chế chi trả dịch vụ môi trường rừng là cơ chế ủy thác và người trực tiếp chi trả cho dịch vụ môi trường rừng là doanh nghiệp khai thác và người được hưởng lợi từ môi trường rừng, tránh trường hợp nhiều người vẫn hiểu tiền là do Chính phủ chi trả.

Sau khi người dân được giao khoán trồng rừng thông hiểu về cơ chế chi trả thì hệ số K sẽ là vấn đề quan tâm số một của họ. Nắm rõ được việc tính hệ số K, chắc chắn mỗi chủ rừng sẽ tự tin hơn trong định hướng hoạt động của mình.

Sự ủng hộ và quan tâm của các nước

Hội nghị quốc tế về chi trả dịch vụ hệ sinh thái khu vực Đông Nam Á tổ chức tại Hà Nội từ 23 – 24/6 đã thu hút hơn 400 đại biểu đến từ hơn 30 quốc gia bao gồm các nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học, các tổ chức tài chính lớn…

Các đại biểu quốc tế và Việt Nam đã tập trung thảo luận các vấn đề như tiềm năng thị trường dịch vụ hệ sinh thái ở châu Á, chi trả dịch vụ hệ sinh thái rừng – lưu vực, chia sẻ lợi ích và cơ chế chi trả…

Là người trình bày tham luận trong Hội nghị, ông Nguyễn Tuấn Phú cho biết, chính sách về PFES tại Việt Nam đang thu hút đông đảo sự chú ý của bạn bè quốc tế và nhiều nước bạn đã đặt vấn đề mời nhóm tham mưu chính sách này của Việt Nam trình bày và chia sẻ kinh nghiệm triển khai.

Không những thế, nhiều đại biểu còn kỳ vọng, sau khi mô hình dịch vụ hệ sinh thái được triển khai rộng trên thế giới, sẽ thành lập một tổ chức liên minh về dịch vụ hệ sinh thái để cùng phối hợp và chia sẻ kinh nghiệm về một chính sách có ý nghĩa to lớn với ngôi nhà chung Trái Đất.

Đỗ Hương

Nguồn: Chinhphu.vn