Trong những năm gần đây, ở nhiều nơi đất lâm nghiệp đã được giao cho cộng đồng thôn bản các nhóm hộ để sử dụng bền vững lâu dài vào mục đích lâm nghiệp. Đặc biệt, một số tỉnh đã mạnh dạn giao rừng tự nhiên cho các hộ gia đình và cộng đồng nhằm tăng cường khả năng quản lý và sử dụng theo hướng bền vững, hài hoà giữa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của các cộng động địa phương.
Qua đánh giá bước đầu cho thấy nhìn chung quản lý rừng với sự tham gia của cộng đồng đã tỏ ra là một phương thức quản lý có hiệu quả vì có tính khả thi về mặt kinh tế – xã hội, bền vững về sinh thái và phù hợp với các tập tục truyền thống và phương thức sản xuất của nhiều dân tộc thiểu số Việt nam.
Song, do đang trong quá trình thí điểm nên ở mỗi địa phương, việc giao rừng tự nhiên được tiến hành theo các phương pháp và qui trình khác nhau và ở một số nơi rừng tự nhiên sau khi giao vẫn bị chặt phá do nhiều nguyên nhân trong đó nổi cộm nhất là việc bố trí cộng đồng sau khi giao để họ có đầy đủ năng lực, quyền lực và trách nhiệm quản lý, bảo vệ, xây dựng và sử dụng rừng có hiệu quả.
Qua các báo cáo của các địa phương, chúng ta thấy còn nhiều vấn đề về kỹ thuật, về tổ chức, thể chế, pháp lý, và chính sách cần tiếp tục xem xét để thúc đẩy việc giao rừng tự nhiên cho cộng đồng quản lý bảo vệ. Đặc biệt là còn thiếu những mô hình QLRCĐ mang tính toàn diện và đồng bộ các bước tiến hành, từ các thủ tục giao đến việc triển khai tổ chức thực hiện quản lý. Để trả lời những câu hỏi trên đồng thời định hướng cho các hoạt động liên quan đến QLRCĐ cho thời gian tới, cần phải nghiên cứu, thu thập ý kiến của các tổ chức, các chuyên gia có kinh nghiệm trong và ngoài nước. Hội thảo quốc gia về giao rừng tự nhiên và quản lý rừng cộng đồng được tổ chức tại Hà nội ngày 22/5/2003 đã cố gắng làm rõ các vấn đề nêu trên.
Cuốn tài liệu hội thảo này trình bày kết quả đánh giá ban đầu về giao rừng tự nhiên và phân tích các chính sách liên quan nhằm thúc đẩy quản lý rừng cộng đồng do các thành viên của Tổ công tác Quốc gia về Quản lý rừng cộng đồng tiến hành. Đồng thời tài liệu hội thảo cũng khái quát qui trình thiết lập quản lý rừng cộng đồng thí điểm dự kiến sẽ được thực hiện ở Việt nam trong những năm tới.
Hy vọng cuốn sách sẽ giúp các cấp lãnh đạo, các nhà quản lý và các nhà hoạch định chính sách về quản lý rừng cộng đồng ở Việt nam thấy được vị trí quan trọng của quản lý rừng cộng đồng trong hệ thống quản lý rừng ở nước ta hiện nay và là cơ sở để các nhà hoạch định chính sách và chiến lược xem xét các vấn đề về chính sách liên quan nhằm thức đẩy và mở rộng quản lý rừng cộng đồng ở Việt nam.
Cục Lâm nghiệp, Tổ công tác Quốc gia về Quản lý rừng cộng đồng xin giới thiệu Kỷ yếu của hội thảo cùng bạn đọc. Nhân dịp này chúng tôi xin chân thành cảm ơn sự tham gia giúp đỡ của tất cả các cơ quan, dự án, các nhà tài trợ và cảm ơn tất cả các quí vị đại biểu đã dành thời gian để đến tham dự và đóng góp ý kiến cho hội thảo. Trong quá trình biên soạn tài liệu chắc chắn còn nhiều thiếu xót chúng tôi mong nhận được những ý kiến đóng góp.
Xem chi tiết tại đây