Phát thải khí nhà kính (KNK) do hoạt động thay đổi sử dụng đất, đặc biệt là việc chuyển đổi rừng sang các loại hình sử dụng đất phi lâm nghiệp và quản lý rừng không bền vững đóng góp tới 20% tổng phát thải KNK toàn cầu. Việc gia tăng nồng độ KNK trong khí quyển là nguyên nhân cơ bản dẫn đến biến đổi khí hậu toàn cầu. Vì vậy, tại cuộc họp các bên lần thứ 13 (COP 13) tổ chức tại Ba Li, In-đô-nê-xi-a, sáng kiến “Giảm phát thải do mất rừng và suy thoái rừng” (tên gọi tắt bằng tiếng Anh là REDD) ở các nước nhiệt đới được đề xuất và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Thực hiện sáng kiến này, Chương trình REDD của Liên hiệp quốc (viết tắt là UN-REDD) đã được xây dựng và triển khai. Việt Nam là một trong các quốc gia được lựa chọn để thực hiện UN-REDD, trong đó Tổng cục Lâm nghiệp là Cơ quan chủ trì UN-REDD ở ViệtNam, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) và Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP).
Một trong những yêu cầu quan trọng trong thực hiện các hoạt động của REDD là xây dựng Mức phát thải tham chiếu (REL) hoặc Mức tham chiếu (RL) và hệ thống giám sát, lập báo cáo và thẩm định (MRV) làm cơ sở cho việc tính toán và thương mại hóa tín chỉ giảm phát thải do các hoạt động của REDD mang lại.
Nhằm hỗ trợ cho việc xây dựng REL/RL và MRV, trong khuôn khổ hợp tác giữa FAO, UN-REDD Việt Nam và Trung nghiên cứu sinh thái và môi trường rừng thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, nghiên cứu phân vùng sinh thái lâm nghiệp ở Việt Nam được thực hiện với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về các lĩnh vực liên quan (khí hậu, địa chất địa mạo, sinh thái rừng, thổ nhưỡng, GIS, v.v). Mục tiêu của nghiên cứu là phân vùng lãnh thổ Việt Nam thành các vùng sinh thái lâm nghiệp dựa trên các yếu tố sinh thái có ảnh hưởng quyết định đến sự hình thành và phát triển của các kiểu thảm thực vật rừng. Nghiên cứu đã tổng quan các công trình nghiên cứu có liên quan và lựa chọn các yếu tố cho phân vùng sinh thái lâm nghiệp, đó là: Khí hậu, địa chất, địa hình địa mạo và thổ nhưỡng. Dựa trên các yếu tố lựa chọn, tiêu chí phân vùng sinh thái được đề xuất. Hệ thống phân vùng sinh thái lâm nghiệp gồm 3 cấp: Miền, vùng và tiểu vùng. Kết quả phân vùng sinh thái lâm nghiệp đã phân chia lãnh thổ Việt Nam thành 2 miền (miền Bắc và miền Nam), 8 vùng (Đông Bắc, Tây Bắc, Đồng bằng Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ) và 47 tiểu vùng sinh thái (trong đó có 4 tiểu vùng là đảo và quần đảo). Tiểu vùng là đơn vị cơ bản để xác định sự hình thành và năng suất của từng kiểu rừng đặc trưng. Các bản đồ phân vùng sinh thái lâm nghiệp được xây dựng cho các vùng sinh thái và cơ sở dữ liệu chi tiết về khí hậu (đặc trưng khí hậu, lượng mưa, nhiệt độ), địa hình địa mạo, thổ nhưỡng và thảm thực vật rừng đặc trưng cũng được xây dựng cho từng vùng sinh thái và tiểu vùng sinh thái.
Nghiên cứu phân vùng sinh thái lâm nghiệp là công trình nghiên cứu đầu tiên, nhưng đã kế thừa được những thành tựu nghiên cứu về phân vùng của các ngành liên quan và mang tính khách quan. Kết quả phân vùng sinh thái lâm nghiệp không chỉ phục vụ trực tiếp cho việc xây dựng REL/RL và MRV trong thực hiện REDD, mà kết quả này là cơ sở tốt cho việc quản lý và phát triển lâm nghiệp ở Việt Nam. Tuy nhiên, do thời gian ngắn, nên kết quả phân vùng sinh thái lâm nghiệp chưa được kiểm nghiệm, do vậy cần có sự đầu tư và hoàn thiện hệ thống phân vùng này.