Vai trò của khoa học và công nghệ trong công tác bảo vệ môi trường

Nguyễn Duy Hùng, Vũ Hồng Diệp
Vụ Khoa học và công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường

Khoa học và công nghệ trong thời đại ngày nay có vai trò to lớn trong việc hình thành nền “kinh tế tri thức”, phát triển hàm lượng trí tuệ cao trong sản xuất, dịch vụ và quản lý ở tất cả các quốc gia trên thế giới, thể hiện ở vai trò then chốt trong việc phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, bảo vệ tài nguyên và môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tốc độ phát triển và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Vai trò của khoa học và công nghệ là nền tảng để phát triển bền vững kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường là quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta được thể hiện trong mọi chủ trương, chính sách và định hướng phát triển đất nước.

– Đại hội XI của Đảng xác định: “Phát triển mạnh khoa học, công nghệ làm động lực đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế trí thức, góp phần tăng nhanh năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.”.

– Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển 2011) nhấn mạnh: “Phát triển giáo dục và đào tạo cùng với phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư phát triển. Sự phát triển của khoa học và công nghệ ngày càng có ý nghĩa quyết định trong việc làm thay đổi nền sản xuất vật chất của xã hội”.

– Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường cũng xác định một trong năm giải pháp để thực hiện Nghị quyết là “Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”.

KH&CN trong lĩnh vực môi trường giữ một vị trí quan trọng trong việc thiết lập các cơ sở lý luận, khoa học và thực tiễn để xây dựng cơ chế, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật; các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường hoặc các giải pháp quản lý nhà nước, giải pháp công nghệ, kỹ thuật phục vụ công tác BVMT.

  • Về xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống quản lý trong công tác bảo vệ môi trường

Các nghiên cứu đã cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc xây dựng cơ chế, chính sách, hệ thống quản lý, nhằm đảm bảo tính khả thi khi triển khai trên thực tế, đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước về công tác bảo vệ môi trường. Luật BVMT 2014, Luật Đa dạng sinh học 2008, Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Chiến lược Bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030… đều được xây dựng với sự đóng góp tích cực của các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN gắn kết với thực tiễn quản lý.

Khung Bộ luật Môi trường theo hướng xác lập cơ chế quản lý và bảo vệ môi trường đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN được đề xuất là tiền đề quan trọng để hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật, bộ luật về bảo vệ môi trường của Việt Nam

2) Về xây dựng công cụ quản lý

Song song với việc xây dựng hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, trong giai đoạn vừa qua, các nghiên cứu khoa học của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cung cấp cơ sở để xây dựng hệ thống tiêu chuẩn-quy chuẩn kỹ thuật môi trường phù hợp với điều kiện Việt Nam là công cụ quản lý hữu hiệu phục vụ đánh giá, kiểm soát chất lượng hoạt động bảo vệ môi trường; xây dựng các công cụ để hướng dẫn các Bộ, ngành và địa phương triển khai hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường (xây dựng quy trình đánh giá tác động môi trường; cơ chế chi trả dịch vụ môi trường; phương pháp lượng giá thiệt hại môi trường; phương pháp luận tiếp cận hệ sinh thái trong giải quyết các vấn đề môi trường-sức khỏe; quy trình và phương pháp xác định thiệt hại dân sự, giải quyết bồi thường thiệt hại…).

3) Góp phần nâng cao năng lực quan trắc môi trường; dự báo, kiểm soát, phòng ngừa, giảm thiểu, xử lý ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường, khắc phục suy thoái môi trường, phòng chống các sự cố, thảm họa môi trường.

Kết quả nghiên cứu của nhiều chương trình, đề tài, dự án KH&CN các cấp đã được ứng dụng, triển khai trong thực tế, góp phần không nhỏ trong công tác xử lý, phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường:

– Xây dựng hệ số phát thải phục vụ công tác thống kê nguồn thải lưu vực sông ở Việt Nam; hệ số phát thải phục vụ kiểm soát khí thải đối với một số ngành công nghiệp chính ở Việt Nam;

– Hướng dẫn kỹ thuật quản lý về bảo vệ môi trường tại các cơ sở nghiên cứu hóa học, sinh học; các quy trình phân tích thông số môi trường phù hợp với điều kiện Việt Nam;

– Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong công tác bảo vệ môi trường: thiết lập sơ đồ mô hình cảnh báo, điều khiển từ xa phục vụ quan trắc các thông số môi trường; phương án công nghệ xử lý nước thải có tính thân thiện môi trường; xây dựng phương pháp và tiêu chí đánh giá công nghệ; Ứng dụng GIS và ảnh viễn thám quang học Landsat, Quickbird và ảnh Palsar theo dõi sự biến động của một số thành phần môi trường,….

4) Đóng góp quan trọng trong việc sử dụng hợp lý, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học, phát triển bền vững

– Đề xuất thành lập, thiết kế và quản lý hành lang đa dạng sinh học; đề xuất các mô hình làng sinh thái ….

– Xây dựng mô hình thử nghiệm khoanh tạo rừng ngập mặn thành công là cơ sở cho việc nhân rộng rừng ngập mặn, phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn và đóng góp đáng kể vào quá trình bảo tồn đa dạng sinh học;

– Xây dựng được bản đồ hiện trạng đa dạng sinh học Khu Dự trữ sinh quyển Cần Giờ và đề xuất được Danh lục động, thực vật và hệ sinh thái ưu tiên bảo về đến 2015;

– Hệ thống hóa lý luận cơ bản liên quan đến cơ chế thu thập, chia sẻ thông tin, báo cáo về nguồn gen và tri thức truyền thống về nguồn gen; thiết lập mạng lưới chia sẻ thông tin về nguồn gen và tri thức truyền thống về nguồn gen tại Việt Nam. Các vấn đề này hiện nay đang được nghiên cứu để xây dựng cơ sở khoa học cho văn bản quản lý về cơ chế chia sẻ thông tin và hệ thống báo cáo về nguồn gen và tri thức truyền thống về nguồn gen tại Việt Nam;

Đánh giá chung

Trong giai đoạn vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai có hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ. Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp đã có những đóng góp tích cực, tập trung giải quyết các vấn đề ưu tiên theo yêu cầu của thực tiễn công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, đặc biệt là trong công tác xây dựng, hoàn thiện và triển khai hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường cũng như xác lập được các công cụ, giải pháp quản lý, công nghệ, kỹ thuật, phục vụ đắc lực và hiệu quả cho hoạt động quản lý nhà nước về môi truờng. Các nghiên cứu gắn liền với thực tiễn đã góp phần tháo gỡ các vướng mắc, bất cập trong việc thực thi các quy định của pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đề xuất được những giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý môi trường tại Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Văn kiện Đại hội XI

Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển 2011)

Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 Hội nghị Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.

Luật Đa dạng sinh học 2008.

Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Chiến lược Bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Báo cáo công tác ngành tài nguyên và môi trường năm 2014 và phương hướng nhiệm vụ năm 2015.

………………………………………………………………………………………………….

Ngun: Trích dn t k yếu Hi ngh môi trường toàn quc ln th IV, B tài nguyên và Môi trường, Hà Ni, 29/09/2015