Để báo cáo đánh giá tác động môi trường trở thành công cụ quản lý hiệu quả

Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), là một trong những công cụ quan trọng để phân tích, dự báo nhằm đưa ra các biện pháp bảo vệ môi trường (BVMT) khi các dự án đầu tư được triển khai. Tuy nhiên, việc thực hiện báo cáo ĐTM ở nước ta vẫn tồn tại không ít hạn chế khi nhà đầu tư nhìn nhận ĐTM chỉ như một thủ tục hành chính hơn là công cụ để quản lý môi trường; không ít địa phương đặt các ưu tiên tăng trưởng kinh tế hơn là các mục tiêu về BVMT.

Tổng cục trưởng Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Văn Tài cho biết, thời gian qua, công tác báo cáo ĐTM ở nước ta đã có những chuyển biến rõ rệt, chú trọng nâng cao chất lượng để góp phần phòng ngừa ô nhiễm, giảm đến mức thấp nhất các tác động xấu đến môi trường. Nội dung, quy trình, thủ tục thẩm định ĐTM đã được quy định rõ ràng, minh bạch hơn theo hướng cải cách hành chính và bảo đảm yêu cầu về chất lượng của công tác thẩm định. Đáng chú ý, Luật BVMT (năm 2014) đã bổ sung một số điểm mới như: Rà soát lại danh mục các đối tượng phải lập ĐTM; quy định yêu cầu về chứng chỉ tư vấn ĐTM; yêu cầu lồng ghép nội dung về biến đổi khí hậu trong báo cáo ĐTM; đánh giá sức khỏe cộng đồng trong ĐTM.

Theo số liệu thống kê, giai đoạn 2011 – 2015, đã có hơn chín nghìn dự án đầu tư trên cả nước thực hiện báo cáo ĐTM. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) thẩm định, phê duyệt hơn 1.200 báo cáo ĐTM; các bộ, ngành, địa phương thẩm định, phê duyệt hơn 100 báo cáo; các địa phương thẩm định, phê duyệt hơn 8.000 báo cáo. Riêng năm 2016, Bộ TN và MT đã tiếp nhận 477 hồ sơ và đã phê duyệt 230 báo cáo ĐTM của các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền thẩm định của Bộ. Ngoài ra, Bộ cũng đã phê duyệt 81 báo cáo ĐTM và 110 dự án, đề án cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản, ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường, với số tiền hơn 1.571 tỷ đồng.

Các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực môi trường có chung nhận định: Việc thực hiện báo cáo ĐTM còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Trong đó, về lý thuyết, ĐTM được thực hiện nhằm phân tích các tác động từ những dự án phát triển cụ thể, đưa ra các thông tin giúp cơ quan quản lý ra quyết định đối với dự án. ĐTM còn có vai trò xây dựng kế hoạch, giúp nhà đầu tư quản lý tốt các vấn đề môi trường và rủi ro môi trường. Tuy nhiên, không ít nhà đầu tư nhìn nhận ĐTM như một thủ tục hành chính hơn là công cụ để quản lý môi trường, cho nên việc thực hiện ĐTM thông thường được phó mặc cho cơ quan tư vấn.

Trong khi đó, theo phân cấp trong Luật BVMT, Bộ TN và MT có thẩm quyền chủ trì phê duyệt các dự án thuộc thẩm quyền đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, dự án liên tỉnh và một số loại hình dự án nhạy cảm môi trường. Các bộ, ngành khác có thẩm quyền tổ chức thẩm định ĐTM các dự án thuộc thẩm quyền đầu tư của mình và UBND cấp tỉnh chủ trì thẩm định ĐTM cho các dự án thuộc thẩm quyền địa phương. Do đó, cơ quan thẩm định ĐTM cũng là cơ quan ra quyết định đối với chủ trương xây dựng dự án, cho nên thẩm định ĐTM thường thiếu mức độ độc lập và khách quan cần thiết. Nhiều địa phương thường đặt các ưu tiên tăng trưởng kinh tế hơn là các mục tiêu về BVMT.

Ở lĩnh vực cụ thể, TS Lê Hoàng Lan (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) cho biết: Luật BVMT, Đa dạng sinh học (ĐDSH), Bảo vệ và Phát triển rừng… đều quy định các dự án có tiềm năng ảnh hưởng đến ĐDSH phải thực hiện báo cáo ĐTM. Tuy nhiên, không có quy định chi tiết về các nội dung đánh giá tác động ĐDSH và các tiêu chuẩn, tiêu chí ĐDSH để so sánh. Do vậy, các báo cáo ĐTM đã được thẩm định và phê duyệt ở nước ta có nội dung tác động ĐDSH còn rất sơ sài, hầu như chưa đạt yêu cầu cung cấp thông tin làm cơ sở để cân nhắc yếu tố này khi thẩm định, phê duyệt và quản lý các dự án. Đáng lo ngại, các tác động chủ yếu đến ĐDSH hầu như bị bỏ qua trong quy trình đánh giá.

Để việc thực hiện báo cáo ĐTM ở nước ta thật sự trở thành một trong những công cụ quản lý có hiệu quả đối với công tác BVMT thời gian tới, các chuyên gia đề nghị: Các bộ, ngành, địa phương không phê duyệt báo cáo ĐTM đối với các dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu; dự án thuộc loại hình sản xuất gây ô nhiễm môi trường, phát thải hóa chất, các chất độc hại khó phân hủy với chi phí xử lý cao; dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nhất là đất rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, rừng ngập mặn có tác động xấu đến môi trường sinh thái.

Nâng cao vai trò và trách nhiệm của hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM; xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật về ĐTM, nhất là ĐTM tổng hợp, ĐTM xuyên biên giới; thực hiện nghiêm việc kiểm tra, xác nhận các công trình BVMT trong các dự án đầu tư. Tăng cường sự tham gia của cộng đồng bằng việc công bố dự thảo báo cáo ĐTM để lấy ý kiến của người dân, các bên liên quan trước khi phê duyệt các quy hoạch phát triển và dự án cụ thể. Đồng thời, cần xem xét quy định việc đánh giá và xây dựng kế hoạch quản lý rủi ro chi tiết cho một số loại hình dự án như hóa dầu, hóa chất, luyện thép, khai thác khoáng sản…

TRUNG TUYẾN

Nguồn: http://www.nhandan.com.vn/khoahoc/item/33695802-de-bao-cao-danh-gia-tac-dong-moi-truong-tro-thanh-cong-cu-quan-ly-hieu-qua.html

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *