6 nhóm giải pháp lâu dài để bảo vệ môi trường và phát triển bền vững

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ môi trường ngày 24/8 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, Bộ trưởng Tài nguyên& Môi trường Trần Hồng Hà đã kiến nghị nhiều nhóm giải pháp lâu dài nhằm bảo vệ môi trường và phát triển bền vững đất nước.

Các nhóm giải pháp lâu dài gồm:

Thứ nhất: Tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật nói chung, bám sát thực tế và theo kịp tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước, diễn biến nhanh và mức độ phức tạp của các vấn đề môi trường. Thể chế hóa kịp thời và tổ chức thực hiện nghiêm các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường; chú trọng nâng cao nhận thức và đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành; tăng cường sự phối hợp, chặt chẽ, đồng bộ giữa các ngành, giữa Trung ương và địa phương. Có các giải pháp phát huy hiệu quả hoạt động của lực lượng cảnh sát môi trường. Bộ TN&MT chịu trách nhiệm tổng thể về kiểm tra, giám sát, bảo đảm thực hiện đúng trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương.

Thứ hai, tăng cường năng lực của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ Trung ương đến địa phương đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ môi trường ngày càng lớn, phức tạp. Rà soát, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ quản lý, sắp xếp tổ chức bộ máy, tăng cường năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ quản lý môi trường các cấp, nhất là ở các địa phương, ưu tiên cấp huyện, xã, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, xuyên suốt từ Trung ương đến cơ sở. Xây dựng cơ chế tham vấn, phối hợp trong công tác bổ nhiệm, đề bạt, đào tạo, bồi dưỡng lãnh đạo cơ quan chuyên môn về tài nguyên và môi trường ở địa phương.

Thứ ba: Tăng cường và đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường, nhất là đầu tư xử lý chất thải; xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường các khu vực đã bị ô nhiễm, suy thoái. Tăng chi ngân sách cho sự nghiệp bảo vệ môi trường, tập trung giải quyết vấn đề môi trường bức xúc, tồn đọng kéo dài. Tăng cường vai trò điều phối, phân bổ nguồn lực đầu tư, chi ngân sách cho hoạt động bảo vệ môi trường của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Các nguồn thu từ thuế, phí bảo vệ môi trường phải được đầu tư trở lại cho các hoạt động bảo vệ môi trường. Có cơ chế thực hiện ký quỹ bảo vệ môi trường trước khi dự án đi vào vận hành thử nghiệm đối với các dự án đầu tư lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; thu hút mạnh đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài vào phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ bảo vệ môi trường trên nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, “người hưởng lợi từ môi trường phải chi trả”. Cần xem xét, điều chỉnh cơ cấu đầu tư cho bảo vệ môi trường ngay trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020, tập trung ưu tiên cho các dự án tiết kiệm năng lượng, xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, các dự án theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Thứ tư: Rà soát, chấn chỉnh, tăng cường chất lượng, hiệu lực, hiệu quả các công cụ, biện pháp quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; sớm đưa các chế tài hình sự về môi trường vào áp dụng; hoàn thành kế hoạch xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trước năm 2020. Tổ chức đánh giá, xếp hạng công tác bảo vệ môi trường của các địa phương từ năm 2017.

Thứ năm: Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, phát triển khoa học công nghệ về bảo vệ môi trường. Tiếp tục quan tâm xây dựng các dự án ưu tiên về bảo vệ môi trường nhằm kêu gọi hỗ trợ từ nguồn vốn ODA. Nghiên cứu, kiến nghị cơ chế cử cán bộ đại diện ngoại giao về môi trường tại các nước nhằm tăng cường cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường.

Thứ sáu: Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế xanh theo hướng đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, các vùng miền; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động đào tạo, truyền thông về môi trường.

Nguồn: http://tietkiemnangluong.vn/d6/news/6-nhom-giai-phap-lau-dai-de-bao-ve-moi-truong-va-phat-trien-ben-vung-115-109-8516.aspx

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *