Phát triển cao su vùng miền núi Nghệ An: Dự án chưa vào lòng dân!

Như NNVN nhiều lần thông tin, tỉnh Nghệ An có chủ trương đẩy mạnh phát triển cao su lên các vùng miền núi, chủ lực là huyện Anh Sơn, Thanh Chương… Tuy nhiên trên thực tế, việc phát triển cao su các vùng miền núi xứ Nghệ đang gặp khó.

 Tại Anh Sơn, tỉnh Nghệ An chủ trương thu hồi trên 6.000 ha đất (rừng) của Cty Lâm nghiệp Anh Sơn để giao Cty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An (RUBENA) thuê trồng cao su. Theo thông tin chúng tôi nhận được thì hiện RUBENA mới nhận được khoảng 2.500 ha, chủ yếu của Cty Lâm nghiệp Anh Sơn đang quản lý. Còn hàng ngàn ha đất rừng đã giao khoán lâu dài cho dân đang rất khó thu hồi vì mức đền bù quá thấp!

Đất thu hồi, hỗ trợ 350 đồng/m2

Như đã nói, đất của Cty Lâm nghiệp Anh Sơn phần lớn đã được giao lâu dài cho một số tổ chức và hộ dân theo quy định của Chính phủ để quản lý bảo vệ và trồng rừng. Nay thu hồi, buộc phải đền bù. Ông Nguyễn Văn Phúc (nguyên công nhân Lâm trường Anh Sơn, nay chuyển đổi thành Cty lâm nghiệp), một chủ hộ bị thu hồi đất, cho biết: Gia đình tôi hợp đồng nhận khoán lâu dài với Cty Lâm nghiệp Anh Sơn 25,08 ha đất lâm nghiệp. Thời hạn sử dụng từ 30/11/2008 đến 30/11/2043, mục đích trồng rừng kinh tế và chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo tinh thần Nghị định 135/2005/NĐ-CP của Chính phủ. Từ khi được giao đất, gia đình đầu tư rất nhiều công sức, tiền của để quy hoạch, xây dựng lán trại, đã trồng mới được 6 ha rừng keo và bồ đề, khoanh nuôi bảo vệ rừng tốt. Nay chúng tôi được thông báo là đất bị thu hồi để giao cho công ty cao su mà không được bàn bạc.

Tổn thương hơn khi người dân buộc phải nhận hỗ trợ đền bù với mức quá thấp, không thể đủ chi phí mấy năm đã đầu tư trồng rừng. Cụ thể đất rừng sản xuất thu hồi được Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng huyện thông báo hỗ trợ 3,2 triệu đồng/ha (350 đồng m2); keo, xoan trồng mới chỉ 5.000 đồng/cây… Đó là mức hỗ trợ đền bù mà với những người như ông Phúc khó chấp thuận được.

Ông Phúc cho rằng, Cty Lâm nghiệp Anh Sơn đại diện cho Nhà nước giao khoán đất lâu dài cho nhân dân, thực tế nhân dân đã đầu tư trồng mới cũng như chăm sóc rừng hiệu quả, nay muốn thu hồi đất phải có sự đền bù thỏa đáng. Cụ thể rừng trồng cây nguyên liệu cần bồi thường theo chu kỳ cây trồng, như keo, mỡ, bồ đề cần đền bù 140 triệu/ha/chu kỳ; tiền công khai hoang tối thiểu 120 triệu đồng/ha/chu kỳ; cây trồng lâu năm như xà cừ, lát hoa, xoan đào là 50.000 đồng/cây; công bảo vệ rừng 3,5 triệu đồng/tháng (42 triệu đồng/năm); rừng khoanh nuôi tự nhiên phải được kiểm đếm bồi thường theo lượng tăng trưởng của rừng…

Hàng trăm hộ dân nhận đất trồng rừng ở đây, nguồn sống chủ yếu dựa vào diện tích rừng đã được giao khoán, nay bị phá vỡ hợp đồng họ cần được hỗ trợ đời sống, việc làm. Căn cứ Điều 3, mục 2 và Điều 4 trong hợp đồng giao khoán giữa 2 bên, cam kết: Bên nào đơn phương chấm dứt hợp đồng trước hạn bên đó phải bồi thường thiệt hại toàn bộ cho bên kia. Đáng tiếc các hộ dân chỉ nhận được bản thông báo với mức đền bù quá bèo bọt, như 1 m2 đất chỉ hỗ trợ 350 đồng, không mua nổi cái bánh xèo ở quê, vì thế khó có hộ nào chấp thuận!

Hậu quả duy ý chí?

Tháng 8/2010, trong một buổi làm việc với Cty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An, một lãnh đạo tỉnh Nghệ An mong muốn công ty trồng mới ngay 1.000 ha cao su trong năm 2010, lấy thành tích chào mừng Đại hội tỉnh Đảng bộ Nghệ An lần thứ XVII. Tuy nhiên, kết quả không được như mong muốn, đến nay dù đã mấy đợt ra quân rầm rộ trồng cao su nhưng RUBENA cũng chỉ trồng mới được khoảng vài trăm ha cao su tập trung ở 2 huyện miền núi Thanh Chương và Anh Sơn, thậm chí, điều buồn hơn, đến phân nửa cây cao su trồng mới nay… đã chết!

Thực chứng những đồi cao su mới trồng ở Anh Sơn, cây đã chết rét, cây sống thì ngắc ngoải lọt thỏm giữa mênh mông rừng âm u chót vót chúng tôi hiểu cảm nhận của người dân rằng đưa cây cao su lên vùng miền núi này quả là mạo hiểm. Phải nói dự án này chưa đi vào lòng dân…

Có mặt tại Anh Sơn (nơi đã trồng mới được khoảng 110 ha cao su) vừa mới đây, chúng tôi chỉ nhận được những lời than thở về cao su chết. Một cán bộ (xin giấu tên) ở đội 1 Cty Lâm nghiệp Anh Sơn cho biết: Khảo sát thực địa thì cao su trồng mới bị chết rét hàng loạt, nơi nhiều tỷ lệ chết lên tới 80%, ít cũng 30-40%. Ông dẫn chúng tôi đi thực địa tại những đồi cao su mới trồng trên những quả đồi cao vút thấy quả đúng vậy. Nhiều cây chết khô trụi đến tận gốc, cây không chết hẳn thì cành ghép cũng đã rũ. Nguyên nhân chắc chắn do đợt rét.

Nhưng sâu xa hơn, theo những cán bộ lâm nghiệp kỳ cựu ở đây, giả sử cây cao su có qua được các đợt rét thì cũng khó có thể đứng vững trên đất rừng rú Anh Sơn bởi: Điều kiện tự nhiên ở Anh Sơn (cũng như Thanh Chương) có nhiều yếu tố không phù hợp với cây cao su, đó là: Hay bị lốc xoáy, bão, sương muối nặng; độ dốc cao, mạch nước ngầm nhiều có hiện tượng sạt lở đất… Đây là đất rừng, tầng canh tác mỏng, chỉ có thể phù hợp trồng cây nguyên liệu như keo, mét, trám, mỡ; nếu ồ ạt trồng cây cao su, loại cây khó tính, chịu rét và sương muối kém mà không qua thử nghiệm, hậu quả sẽ rất khó lường.

Các bài liên quan

Nghệ An: Nông dân ngập ngùi nhỏ bỏ dưa hấu  

 

Rừng phòng hộ ở Nghệ An bị chặt phá nghiêm trọng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

<

p align=”justify”>