Lê Trọng Cúc
Đạt vấn đề
Hội thảo về môi trường và phát triển của Liên hợp quốc tổ chức tại Rio de Janairo vào năm 1992, được coi như “cuộc họp thượng đỉnh của Trái đất”, đã công bố Công ước Đa dạng sinh học (ĐDSH). Hơn 180 chính phủ ký vào công ước này, nhận trách nhiệm bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng tài nguyên sinh học một cách bền vững và cùng chia sẻ công bằng lợi ích thu được từ đó.
Đa dạng sinh học là sự giàu có, phong phú các nguồn gen, các loài và các hệ sinh thái trên bề mặt trái đất, là tài nguyên tái tạo, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển tiến hoá của sinh giới và đặc biệt là đối với đời sống của con người. Công ước ĐDSH ghi nhận giá trị kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục, mỹ học, giải trí, sinh thái và môi trường, và cũng nhấn mạnh vai trò của nó đối với sự sống của con người hiện tại và tương lai.
Vấn đề ĐDSH trọng tâm hiện nay là điều tra, nghiên cứu, xem xét để nhận biết ngày càng đầy đủ hơn sự phong phú và đa dạng các nguồn gen, các loài và các hệ sinh thái trên bề mặt trái đất, giá trị của nó đối với cuộc sống của con người, thấu hiểu hơn tình trạng mất đa dạng sinh học đang ngày càng gia tăng, sử dụng công nghệ sinh học, công nghệ gen làm giàu thêm ĐDSH, mà sự hiểu biết đó hiện nay đang còn quá ít ỏi. Đặc biệt ở vùng nhiệt đới trong đó có Việt Nam, nơi chứa đựng phần lớn ĐDSH của hành tinh chúng ta và cũng là nơi dân số đang tăng nhanh, tác động mạnh mẽ vào ĐDSH. Hiểu biết về ĐDSH là rất cần thiết để trên cơ sở đó đề ra các giải pháp thích hợp cho việc bảo tồn và phát triển bền vững để có một cuộc sống phồn thịnh.
Hiện trạng đa dạng sinh học
Đa dạng sinh học được nhìn nhận ở ba mức độ: gen, loài và hệ sinh thái. Tuy nhiên, thế giới của sự sống được chấp nhận rộng rãi là loài. Loài là nhân tố có tính nguyên tắc trong việc điều khiển đa dạng sinh học trên hầu hết các sinh cảnh. Loài cũng là đối tượng được chú ý đầu tiên của cơ chế tiến hoá. Các dẫn liệu đề cập dưới đây chủ yếu tập trung vào đa dạng loài và vai trò của nó đối với đờ sống của con người. Loài là tập hợp những sinh vật được cách ly về mặt sinh học trong quá trình tiến hoá, giao phối tự do với nhau để cho thế hệ con cái hoàn toàn hữu thụ, cách ly với các loài khác bởi sự khó kết hợp với nhau về mặt sinh sản hữu tính. Cho đến nay trên thế giới ước tính có khoảng 1,4 (1,7) triệu loài đã được mô tả. Trong đó có khoảng 750.000 loài côn trùng, 41.000 loài động vật có xương sống và 250.000 loài thực vật. Phần còn lại là các loài động vật không xương sống, nấm, tảo và vi sinh vật. Phần lớn các nhà phân loại học cho rằng những con số trên đây là chưa đầy đủ, trừ một số nhóm đã được nghiên cứu kỹ như động vật có xương sống và thực vật có hoa. Nếu như tính tất cả các loài côn trùng thì con số đó có thể lên đến 5 triệu loài. Những nghiên cứu gần đây ở vùng rừng mưa nhiệt đới Amazon Peru và các vùng rừng mưa nhiệt đới khác trên thế giới thì thậm chí con số đó ước tính còn lên tới 30 triệu loài (Wilson, 1985).
Việt Nam nằm trong điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa, địa hình phức tạp, từ vùng thấp ven biển, đến vùng đồng bằng châu thổ, vùng trung du, đồi núi, vùng núi cao mây mù, với 54 tộc người cư trú trên khắp các vùng cảnh quan. Do điều kiện địa lý tự nhiên và nhân văn đa dạng như vậy đã tạo nên các điều kiện môi trường và văn hoá khác nhau, hình thành nên các hệ sinh thái nhân văn phong phú, chứa đựng nhiều loài động vật và thực vật, trong đó có nhiều loài quý hiếm, đặc hữu bản địa làm cho tính đa dạng sinh học cao.
Mặc dù đã trải qua các thời kỳ chiến tranh khốc liệt, các hệ sinh thái bị tàn phá nặng nề, cộng thêm các hình thức sản xuất nông nghiệp nương rẫy, khai thác tài nguyên không hợp lý, các hệ sinh thái tự nhiên đã bị thu hẹp một cách đáng kể, đa dạng sinh học ở Việt Nam vẫn còn phong phú về nguồn gen, số lượng loài và các hệ sinh thái, được xem là một trong 10 trung tâm có mức đa dạng sinh học (ĐDSH) cao nhất thế giới.
Về thực vật, cho đến nay đã kiểm kê được 9.607 loài thuộc 2.010 chi và 291 họ thực vật bậc cao có mạch, chiếm gần 80% tổng số loài dự đoán có ở Việt Nam (12.000 loài). Thêm nữa, còn có 733 loài nhập nội từ nước ngoài vào, trong trồng trọt, đưa tổng số loài thực vật bậc cao có mạch ở Việt Nam lên đến 10.340 loài , thuộc 2.256 chi và 305 họ. Ngoài ra, có 368 loài vi khuẩn lam, 2.200 loài nấm, 2.176 loài tảo, 481 loài rêu, 691 loài dương xỉ, 69 loài hạt trần (Danh lục các loài thực vật Việt Nam, Tập I, 2001; Tập II, 2003; Tập III, 2005). Trong số các loài kiểm kê được có khoảng 6.000 loài cây có ích đã được nhân dân dùng làm lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thức ăn cho gia súc, lấy gỗ, lấy tinh dầu và nhiều nguyên vật liệu khác.
Đa dạng loài của hệ động vật Việt Nam cũng rất phong phú. Hiện nay đã thống kê được 275 loài thú, 832 loài chim, 180 loài bò sát, 80 loài ếch nhái, 472 loài cá nước ngọt, khoảng 2.000 loài cá biển. Rất nhiều loài có giá trị kinh tế và có ý nghĩa khoa hoc. Đặc biệt trong những năm gần đây đã phát hiện được 6 loài thú lớn, mới cho khoa học như Sao La (Pseudoryx nghetinhensis), Mang lớn (Megamuntiacus vuquangensis), Bò sừng xoắn (Pseudonovibos spiralis), Mang Trường sơn (Caninmuntiacus truongsonensis), Chà vá chân xám (Pygatrix cinerea), Thỏ vằn (Negolagus temminsi). Gần đây cũng đã phát hiện được một số loài chim mới cho khoa học như: Gà lam đuôi trăng (Lophura hatinhensis), Khướu Ngọc linh (Garrulax ngoclinhensis), Khướu vằn đầu đen (Actinodura sodangorum), và loài Khướu Kông ka kinh (Garrulax kongkakingensis). Tin chắc rằng ở Việt Nam còn nhiều loài động vật, thực vật đang tồn tại trong các hệ sinh thái mà các nhà khoa học chưa biết đến. Mặc dù chúng ta đang có một nguồn tài nguyên đa dạng sinh học phong phú như thế, nhưng sự suy giảm đa dạng sinh học cũng đang ngày càng gia tăng.
Đa dạng sinh học và sự thịnh vương
Đối với đời sống của con người, ĐDSH là nguyên liệu cho việc cải thiện các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp và y dược, cải thiện các điều kiện sinh thái, điều hoà khí hậu. ĐDSH còn là nguồn cảm hứng sáng tạo trong văn học, nghệ thuật, hội hoạ, ổn định chính trị, xã hội, là cơ sở của sự giàu có, thịnh vượng.
1. Đa dạng sinh học duy trì các dịch vụ sinh thái quan trọng
Vai trò của sự đa dạng các loài thực vật chứa diệp lục có giá trị như những sinh vật sản xuất sơ cấp, là nguồn sống của các sinh vật khác trong xích thức ăn. Thông qua quá trình quang hợp, cây xanh chuyển CO2 từ khí quyển sang Oxy cho hô hấp ở người và động, thực vật. Phù du thực vật trong các đại dương là nguồn thức ăn cơ sở cho chuỗi thức ăn trong biển và giúp cho sự điều chỉnh chu trình khí quyển toàn cầu. Sự đa dạng các vi sinh vật, vi khuẩn cố định ni tơ, làm tăng năng suất các cây trồng. Các chất hữu cơ chết, mùn bã được tái sử dụng nhờ sự phân hủy của vô vàn các vi sinh vật, nấm và vi khuẩn phân huỷ. Đa dạng các loài cây trong các vùng rừng đầu nguồn điều hoà chế độ thuỷ văn, cải thiện sự sụt lở, xói mòn, hạn hán, lũ lụt. Các hệ sinh thái lớn trên thế giới như rừng, savan, đồng cỏ, đất ngập nước đóng vai trò vô cùng quan trọng trong các chu trình thủy văn. Nếu các hệ sinh thái này bị phá vỡ làm cho đất bị xói mòn, bồi lắng, axit hoá. Ước tính có khoảng 2-3 triệu ha đất hàng năm bị xói mòn. Như vậy khoảng 1/5 đất canh tác trên thế giới có xu hướng sa mạc hoá. Giá trị của đa dạng sinh học trong dịch vụ sinh thái là vô cùng to lớn.
2. Đa dạng sinh học là nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm, tăng năng suất và tính bền vững nông nghiệp
Hiện nay, có khoảng 3.000 loài thực vật được coi là nguồn thức ăn và 75.000 loài khác là có thể ăn được. 75% chất dinh dưỡng cho con người lấy từ lúa, mỳ, ngô, khoai tây, khoai lang, sắn, mạch và các sản phẩm động vật khác là nguồn cung cấp protein quan trọng cho con người. Trong vòng một thiên niên kỷ qua con người đã thuần hoá được hơn 12.000 loài thực vật hoang dại và từ 20 đến 30 loài động vật trước hết là cho nông nghiệp. Trong nông, lâm nghiệp, thủy sản đang còn phụ thuộc rất nhiều đến các loài hoang dã, họ hàng của các loài đã thuần hoá được như là các nguyên liệu di truyền cung cấp khả năng kháng bệnh, nâng cao năng suất, cải thiện sự thích nghi đến các điều kiện môi trường.
Đa dạng của các vi khuẩn cố định đạm trong nông nghiệp, làm tăng năng suất cây trồng, đồng cỏ, rừng và các thảm thực vật khác, có giá trị kinh tế ước tính khoảng 50 tỷ USD hàng năm. Ong, bướm, chim, dơi, các động vật có vú và các côn trùng khác đã thụ phấn cho hơn 70% cây trồng chủ yếu trên thế giới và 90% thực vật có hoa. Nông dân trên toàn thế giới đã chi phí khoảng 25 tỷ USD hàng năm cho thuốc bảo vệ thực vật. Trong lúc đó các sinh vật ký sinh và thiên địch trong các hệ sinh thái trên thế giới đã bảo vệ khoảng 5 đến 10 lần nhiều hơn số đó. Nếu không có các loài này sẽ là một thảm hoạ ghê gớm.
Việt Nam là một trong những cái nôi của nền văn minh nông nghiệp sớm, nghề trồng trọt đã xuất hiện từ khoảng 7.000 năm trước và cho đến nay vẫn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Theo số liệu thống kê của Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam, cho đến nay các cơ quan nghiên cứu tài nguyên di truyền cây trồng trong mạng lưới nông nghiệp đã thu thập và bảo quản tại Ngân hàng gen (NHG) cây trồng quốc gia 12.300 mẫu giống của 115 loài cây trồng nông nghiệp, bao gồm cây lương thực, cây thực phẩm, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây thức ăn gia súc và cây cải tạo đất. Đã có hơn 40 giống lúa trong nước được đưa vào sản xuất có tổ hợp nguồn gen các giống lúa địa phương. Hàng năm có hàng ngàn mẫu giống lúa từ các tập đoàn được huy động sử dụng trong các chương trình cải thiện giống và các nghiên cứu khoa học khác (Plant Genetic Resources in Vietnam, 1995).
3. Đa dạng sinh học cung cấp cơ sở cho sức khoẻ con người
Đa dạng sinh học đóng góp vào việc bảo vệ sức khoẻ cho con người. Các cây thuốc và động vật làm thuốc truyền thống là nguồn gốc cho việc bảo vệ sức khoẻ của hơn 80% dân số thế giới – gần 4,5 tỷ người. Người ta đã điều tra và cho thấy rằng 57% của hơn 150 phương thuốc điều trị có nguồn gốc từ đa dạng sinh học. Sư thích nghi sinh học của các sinh vật cung cấp cho con người nhận biết khả năng chữa bệnh. Ví dụ, gấu trong suốt thời kì nghỉ đông dài không bị hao tổn về khối lượng xương và người ta đã học được từ đó đem sử dụng nó cho việc chữa bệnh còi xương có giá trị khoảng 10 tỷ USD cho việc chăm sóc sức khoẻ hàng năm. Nếu đa dạng sinh học, các hệ sinh thái bị suy thoái sẽ ảnh hưởng đến việc cung cấp thức ăn, chất lượng nước hay vệ sinh, làm giảm khả năng kháng bệnh và gây nguy cơ dịch bệnh. Sự suy thoái của các hệ sinh thái làm thay đổi số lượng và quan hệ giữa các loài trong hệ thống, bao gồm các loài gây bệnh ở người. Đa dạng sinh học tác động lên cảm xúc và tinh thần của con người.
Việt Nam có một nền y học cổ truyền, phát triển sớm. Dân ta từ bao đời đã biết dùng các thực vật hoang dại và một số cây trồng để làm dược liệu chữa và phòng nhiều thứ bệnh, bồi bổ cơ thể. Các hoạt động trên đây đã gìn giữ và không ngừng phát triển tính đa dạng sinh học về cây thuốc. Theo số liệu điều tra của Viện Dược liệu Việt Nam (2001) thì ở nước ta hiện nay có 3.800 loài cây thuốc. Trong đó có khoảng 200 loài là cây thuốc thông dụng, được dùng hầu khắp các địa phương, tự túc trong các gia đình, một số loài đưa vào chế biến trong công nghiệp dược và một số loài xuất khẩu. Các loài cây thuốc Việt Nam được sử dụng chữa các bệnh thông thường, nhưng nhiều loài cây thuốc cũng đã được nghiên cứu các hoạt chất hữu cơ có triển vọng chữa các bệnh hiểm nghèo như ung thư, siêu vi trùng.
4. Đa dạng sinh học cơ sở cho sự ổn định kinh tế và sự giàu có
Như đã thảo luận ở trên, đa dạng sinh học là cơ sở cho việc duy trì dịch vụ sinh thái, lương thực, thực phẩm, tăng năng suất cây trồng nông nghiệp và sức khoẻ con người. Mất đa dạng sinh học làm cho dịch vụ sinh thái bị đình trễ, suy giảm năng suất cây trồng vật nuôi, giá phải trả cho sức khoẻ con người và gia súc sẽ ảnh hưởng đến tất cả các mặt kinh tế khác. Ví dụ, ở vùng nhiệt đới, hệ sinh thái rừng bị suy thoái dẫn đến xói mòn và lũ lụt; muỗi sinh sản nhanh gây ra dịch sốt rét. Giá phải trả ở đây không chỉ tiền chữa sốt rét mà ảnh hưởng đến cả sản xuất và năng suất lao động. Hy sinh các tài nguyên không hồi phục cho lợi ích tức thời tác động tiêu cực đến năng suất lâu dài. Robert Repetto thử tính toán tổng giá trị xói mòn hàng năm khoảng 481 triệu USD, hoặc khoảng 40 cent lợi nhuận nông nghiệp cho một USD lợi nhuận. Trong áp lực của dân số, môi trường suy thoái, tài nguyên cạn kiệt gây nên sư di cư mãnh liệt, không chỉ từ nông thôn ra thành thị, đồng bằng lên miền núi, mà thậm chí qua biên giới. Hiện tượng đó đã xẩy ra, tất cả chúng ta đều thấy, điều đó làm phá vỡ thị trường lao động, xói mòn tài chính và suy yếu chính trị.
5. Đa dạng sinh học giúp cho sự ổn định các hệ thống chính trị, xã hội
Con người cần lương thực, nước sạch, thuốc và các tài nguyên khác cung cấp từ đa dạng sinh học. ở một số vùng, đặc biệt là ở một số nước đang phát triển, mất đa dạng sinh học làm mất khả năng cung cấp các tài nguyên nói trên và một số tài nguyên khác cho người dân bản địa. Mất đa dạng sinh học thường liên quan đến các hệ thống sở hữu đất đai, sử dụng không bền vững nguồn tài nguyên này. Ví dụ như dân ở những vùng nghèo thường di cư đến các vùng xa xôi, có điều kiện sinh thái mong manh hoặc vào thành phố, nơi mà vấn đề môi trường đang ngày càng bức bách. Mất đa dạng sinh học ảnh hưởng đến an toàn xã hội, đưa đến sự nghèo đói, tệ nạn xã hội, di cư thậm chí chiến tranh. Tất cả đó sẽ làm mất sự ổn định chính trị và xã hội.
6. Đa dạng sinh học làm giàu chất lượng cuộc sống của chúng ta
Đa dạng sinh học đối với con người như một nguồn thông tin đến các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, thẩm mĩ và tinh thần, sáng tạo trong văn học, hội họa, thơ ca và thần thoại, các món ăn đặc sản dân tộc, mỹ nghệ, trang trí, hội hè. Đa dạng sinh học làm giàu kinh nghiệm ngoài thiên nhiên của chúng ta, là điều kiện cho các hoạt động giải trí, thể thao, cắm trại, săn bắn, câu cá, leo núi, quan sát chim thú, sưu tập, chụp ảnh, v.v. Các hoạt động trong nhà như nuôi giữ các bể nuôi cá, trồng hoa, cây cảnh, làm đẹp cuộc sống. Sự ham muốn trí tuệ của loài người phát triển trong sự đa dạng của thế giới và chúng ta trở lại với thế giới tự nhiên để nhận thức một cách sâu sắc. Các gen, các loài và các hệ sinh thái là kho tàng chứa đựng các thông tin về sự sống để thích nghi với môi trường thay đổi trong quá khứ. Tiến hóa sinh học, di truyền học, dân tộc học, nhân chủng học, tâm lý học, kỹ thuật và triết học cho ta hiểu biết thiên nhiên của thế giới và vị trí của chúng ta trong đó để đạt được những cảm hứng sáng tạo. Truyền thống của niềm tin mạnh mẽ về thế giới còn được thể hiện qua đa dạng sinh học trong các hình tượng thần thoại.
Bảo tồn đa dạng sinh học
Đa dạng sinh học là sản phẩm của một quá trình tiến hoá lâu dài. Trong quá trình đó, mỗi loài đã tích luỹ cho mình những gen chống chịu được bệnh tật, thích nghi được với các điều kiện sinh thái đặc thù. Mỗi loài có một vai trò nhất định trong hệ sinh thái, là một mắt xích khép kín trong chu trình vật chất của hệ. Mất đi một loài là làm giảm đi độ bền vững của hệ. Vì vậy, đa dạng sinh học cần được bảo tồn bằng một loạt các biện pháp nhằm đảm bảo sự an toàn cho các loài, gen và hệ sinh thái. Những hành động bảo tồn đa dạng sinh học đã được nêu ra trong Chiến lược về đa dạng sinh học và Chương trình hành động của Liên đoàn bảo vệ thiên nhiên thế giới (IUCN), Chương trình bảo vệ môi trường của Liên hợp quốc (UNEP), Viện Tài nguyên thế giới (WRI). Bảo tồn đa dạng sinh học đòi hỏi sự hợp tác của nhiều quốc gia, của nhiều nhà khoa học từ nhiều lĩnh vực khác nhau như các nhà hoạch định chính sách, các nhà kinh tế, các nhà quản lý tài nguyên, các nhà giáo dục, các cộng đồng dân tộc, v.v. để đề xuất và phát triển các mô hình thực tế bảo tồn đa dạng sinh học.
Bảo tồn đa dạng sinh học ở tất cả các mức độ là duy trì một cách cơ bản các quần thể loài có thể thực hiện được hoặc các quần thể xác định được. Để bảo tồn các loài đang bị suy giảm ở các mức dộ khác nhau, kỹ thuật bảo tồn có thể là: bảo tồn nguyên vị ( nội vi) hoặc bảo tồn chuyển vị (ngoại vi).
– Bảo tồn nguyên vị (In situ) là bảo tồn trong hiện trạng tự nhiên hoang dại của chúng. Cách bảo tồn này hiệu quả hơn vì nó cho phép các quần thể tiếp tục thích nghi trong các điều kiện có được bằng các quá trình tiến hoá tự nhiên. Vì vậy, bảo tồn nguyên vị đang chiếm một tỷ lệ lớn hiện nay trên thế giới.
– Bảo tồn chuyển vị (Ex situ) là bảo tồn nằm ngoài điều kiện tự nhiên của chúng bằng cách nuôi trồng hay nuôi nhốt trong chuồng. Cây cỏ cũng có thể bảo tồn trong các ngân hàng hạt giống và các sưu tập germplasm. Đối với động vật cũng bằng kỹ thuật tương tự (bảo quản phôi, trứng, tinh trùng) nhưng phức tạp hơn. Bảo tồn chuyển vị hiện nay chỉ có thể thực hiện với một tỷ lệ nhỏ vì rất tốn kém.
Bảo tồn chuyển vị và bảo tồn nguyên vị bổ sung cho nhau. Những cá thể từ các quần thể được bảo tồn chuyển vị sẽ được thả định kỳ ra ngoài thiên nhiên để tăng cường cho các quần thể được bảo tồn nguyên vị. Bảo tồn chuyển vị cho ta biết sâu sắc hơn các đặc tính sinh học của loài, gợi ra những chiến lược bảo tồn mới cho các quần thể bảo tồn nguyên vị. Việc nuôi nhốt, trưng bày trong bảo tồn chuyển vị sẽ góp phần giáo dục quần chúng về ý thức bảo vệ các loài trong thiên nhiên.
Bảo tồn đa dạng sinh học là vấn đề toàn cầu. Hợp tác quốc tế trong bảo tồn đa dạng sinh học là điều kiện tiên quyết đối với những loài di chuyển như chim di cư, buôn bán quốc tế các sản phẩm sinh học. Hiệp ước quan trọng nhất trong việc bảo vệ các loài ở quy mô quốc tế là “Công ước buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), được ký ngày 3 tháng 3 năm 1973 cùng lúc với Chương trình Môi trường của Liên Hiệp Quốc (UNEP) và chính thức có hiệu lực ngày 1 tháng 7 năm 1975. Mục đích của CITES là làm thế nào giữ được mối cân bằng giữa việc bảo tồn và sử dụng tài nguyên thiên nhiên thông qua một hệ thống giấy phép và chứng chỉ đặc biệt nhằm giới hạn sự khai thác, sử dụng tài nguyên bền vững thông qua buôn bán quốc tế. Ngoài công ước CITES còn nhiều công ước cụ thể khác nhằm bảo vệ các loài sinh vật như: Công ước bảo tồn các loài sinh vật biển vùng Nam cực; Công ước quốc tế về kiếm soát cá voi; Công ước quốc tế bảo vệ các loài chim, v.v.
Tài liệu tham khảo
E.O. Wilson 1988. Biodiversity. National Academy Press. Washington D.C.
WRI, UNEP, IUCN 1995. National Biological Planning.
Plant Genetic Resources in Vietnam 1995. Procceding of Genetic Resources Programme in Vietnam, 28-30 March. Agriculture Publishing House, Hanoi.
Lê Trọng Cúc 2002. Đa dạng sinh học và bảo tồn thiên nhiên. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
Danh lục các loài thực vật Việt Nam. Tập I (2000), II (2002), III (2005). NXB Nông nghiệp.