Tóm tắt
Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2016 – Chuyên đề “Môi trường đô thị”
Chương 1. Tổng quan phát triển đô thị Việt Nam
Với lịch sử phát triển từ nhiều thập kỷ trước, cùng với tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, các đô thị nước ta vẫn đang tiếp tục gia tăng cả về số lượng và quy mô đô thị. Tính đến tháng 12/2016, cả nước đã có 795 đô thị, với tỷ lệ đô thị hoá đạt 35,2%, gồm: 02 đô thị đặc biệt (Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh), 17 đô thị loại I trong đó có 03 đô thị loại I trực thuộc trung ương (Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ), 25 đô thị loại II, 41 đô thị loại III, 84 đô thị loại IV và 626 đô thị loại V.
Phát triển và tăng trưởng đô thị ở nước ta nhìn chung là chậm hơn so với một số nước trong khu vực. Đô thị có sự phát triển không đồng đều giữa các vùng và chênh lệch nhiều giữa các khu vực khác nhau về đặc điểm địa lý. Các khu vực đồng bằng, duyên hải phát triển nhanh hơn vùng núi, vùng cao. Thực trạng chung hiện nay là các đô thị đều bị quá tải, tăng sức ép ở tất cả các mặt hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Phần lớn các đô thị đều có hệ thống thoát nước chung cho cả nước mặt và nước thải, thiếu hệ thống thu gom và các trạm xử lý nước thải tập trung. Tỷ lệ đất cây xanh, công viên đạt rất thấp so với tiêu chuẩn quy định, chủ yếu tập trung ở các đô thị lớn. Dân số đô thị tăng nhanh, đặc biệt là vấn đề di cư từ nông thôn ra thành thị đang là sức ép lớn gây ra tình trạng quá tải trong sử dụng hạ tầng.
Sự tăng trưởng các ngành kinh tế ở khu vực đô thị như xây dựng, công nghiệp, giao thông vận tải, y tế, thương mại – dịch vụ cũng như quá trình sử dụng và tiêu thụ năng lượng đã và đang tạo ra nhiều sức ép đối với môi trường ở khu vực đô thị. Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế khu vực đô thị gấp 1,5-2 lần cả nước, trong đó các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch ở các thành phố lớn chiếm tỷ lệ khá cao trong cơ cấu tổng sản phẩm trong nước. Việc xây mới, cải tạo, nâng cấp đô thị làm phát sinh lượng bụi lớn vào môi trường. Giao thông phát triển nhanh song hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng được nhu cầu; mật độ phương tiện giao thông cá nhân quá cao gây ra tình trạng ùn tắc giao thông; chất lượng phương tiện kém, nhiều phương tiện cũ đã quá hạn sử dụng làm gia tăng lượng phát thải bụi và khí thải. Hiện có khoảng 13.500 cơ sở y tế công và tư tập trung ở khu vực đô thị, cùng với đó là một lượng lớn nước thải và chất thải y tế. Số lượng trung tâm thương mại, chợ dân sinh tại các đô thị ngày càng nhiều. Hoạt động du lịch vẫn duy trì tăng trưởng ổn định qua các năm, số lượng lớn du khách tập trung tại các khu vực có danh thắng, các đô thị ven biển… tạo áp lực không nhỏ đối với môi trường. Bên cạnh đó, hoạt động của các cơ sở công nghiệp đơn lẻ nằm xen trong các khu đô thị với công nghệ lạc hậu đã và đang tiếp tục đưa một lượng lớn chất thải chưa được xử lý triệt để vào môi trường.
Chương 2. Môi trường không khí
Đối với môi trường không khí tại các đô thị, áp lực ô nhiễm chủ yếu do hoạt động giao thông vận tải, xây dựng, từ các cơ sở sản xuất công nghiệp nội đô, hoạt động đun nấu, sinh hoạt của dân cư, quá trình xử lý rác thải và các nguồn ô nhiễm từ ngoại thành chuyển vào.
Hầu hết các đô thị lớn của nước ta đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng. Mức độ ô nhiễm giữa các đô thị rất khác biệt phụ thuộc vào quy mô đô thị, mật độ dân số, đặc biệt là mật độ giao thông và tốc độ xây dựng. Các đô thị nhỏ, các đô thị ở khu vực miền núi có môi trường không khí còn khá trong lành.
Ô nhiễm không khí do bụi vẫn là vấn đề nổi cộm nhất ở các đô thị. Nồng độ bụi trong không khí ở đô thị thay đổi qua các tháng trong năm, theo diễn biến mùa, thể hiện rõ ở khu vực miền Bắc; khu vực miền Nam có sự khác biệt đáng kể giữa mùa khô và mùa mưa. Nồng độ bụi thay đổi theo quy luật trong ngày, đặc biệt là các khu vực gần trục giao thông.
Các chất khí SO2, CO về cơ bản vẫn có giá trị đạt quy chuẩn cho phép, riêng khí O3, NO2 đã có dấu hiệu ô nhiễm trong một số năm gần đây. Ghi nhận cục bộ tại một số thời điểm, ô nhiễm NO2 xuất hiện tại khu vực giao thông trong một số đô thị lớn như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Hạ Long và có xu hướng tăng.
Chương 3. Môi trường nước
Trong những năm qua, hoạt động cấp nước tại các đô thị đã có chuyển biến tích cực, hệ thống cấp nước ngày càng được cải thiện, hầu hết các thành phố, thị xã đã có hệ thống cấp nước. Tính đến tháng 6/2015, cả nước có gần 100 doanh nghiệp cấp nước, quản lý trên 500 hệ thống cấp nước lớn, nhỏ tại các đô thị toàn quốc. Tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch là 81%, mức sử dụng nước sinh hoạt bình quân đạt 105 lít/người/ngày đêm. Tuy nhiên, tình hình cấp nước đô thị vẫn còn nhiều bất cập do tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, cộng với sự gia tăng dân số, nên việc đầu tư phát triển cấp nước chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu, phạm vi bao phủ dịch vụ cấp nước còn thấp, chất lượng dịch vụ cấp nước cũng chưa ổn định. Tỷ lệ thất thoát nước trong hệ thống cấp nước đô thị của nước ta còn cao, trung bình khoảng 26-29%. Chất lượng nước của một số trạm cấp nước còn chưa đáp ứng tiêu chuẩn quy định.
Môi trường nước tại các sông, hồ khu vực đô thị đang chịu sức ép rất lớn từ các nguồn thải từ các hoạt động sinh hoạt của người dân và các hoạt động phát triển kinh tế. Tỷ lệ phần trăm lượng nước thải được xử lý còn khá thấp đã ảnh hưởng lớn đến hiện trạng chất lượng môi trường nước sông, hồ đô thị. Tại các sông chảy qua khu vực đô thị, chất lượng nước một số đoạn sông đã bị suy giảm. Đối với những sông có lưu lượng nước lớn, như sông Hồng, sông Thái Bình, sông Đồng Nai có khả năng tự làm sạch tốt, chất lượng nước sông vẫn còn khá ổn định. Đối với những sông có lưu lượng nước nhỏ hơn, khả năng phục hồi hạn chế, chất lượng nước bị suy giảm đáng kể ở các khu vực chảy qua nội thành, nội thị, điển hình như sông Nhuệ, sông Cầu, sông Sài Gòn… Trên cùng một lưu vực sông, những đoạn chảy qua các đô thị lớn có chất lượng nước bị suy giảm rõ rệt so với các đoạn sông chảy qua các đô thị nhỏ. Nước mặt ở các hồ, kênh, mương nội thành, nội thị hầu hết đã bị ô nhiễm. Mặc dù đã có những nỗ lực cải thiện thông qua các dự án cải tạo nhưng ô nhiễm nước mặt tại các khu vực này vẫn đang là vấn đề nổi cộm tại hầu hết các đô thị hiện nay. Tại nhiều đô thị, các kênh, mương, hồ nội thành đã trở thành nơi chứa nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất, điển hình như tại Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh. Ô nhiễm nước mặt trong khu vực nội thành xảy ra không chỉ ở các thành phố lớn mà còn xảy ra ở cả các đô thị nhỏ. Vấn đề ô nhiễm chủ yếu là ô nhiễm hữu cơ, chất dinh dưỡng và vi sinh. Cục bộ tại một số khu vực, mức độ ô nhiễm đã khá nghiêm trọng.
Phần lớn chất lượng nước dưới đất khu vực đô thị còn tương đối tốt. Tuy nhiên tại một số khu vực đô thị, thành phố lớn, ghi nhận nước dưới đất đã bị ô nhiễm. Điển hình như ô nhiễm Amoni, kim loại nặng (Mn, As, Pb) ở một số khu vực của đồng bằng Bắc Bộ; vấn đề nhiễm mặn ở một số khu vực thuộc duyên hải miền Trung, hạ lưu sông Đồng Nai, các tỉnh ven biển ĐBSCL.
Nước biển ven bờ tại một số đô thị ven biển đã có hiện tượng ô nhiễm chất hữu cơ, TSS, dầu mỡ khoáng như Quảng Ninh, Đà Nẵng… Đặc biệt, việc tập trung phát triển các khu kinh tế ven biển trong thời gian gần đây đã dẫn đến nguy cơ xảy ra ô nhiễm và sự cố môi trường do hoạt động kiểm soát, xử lý chất thải không được quản lý chặt chẽ.
Chương 4. Môi trường đất
Quỹ đất đô thị tăng trong thời gian qua đã góp phần hình thành hệ thống mạng lưới đô thị phân bố tương đối hợp lý trên các vùng lãnh thổ cả nước, thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Tuy nhiên, tỷ lệ đất dành cho xây dựng cơ sở hạ tầng còn thấp (chiếm khoảng 29,78%), nhiều đô thị chỉ chiếm khoảng 10 – 15% diện tích đất đô thị. Phần lớn diện tích đất dành cho công trình nhà ở, khu văn phòng. Bên cạnh đó, diện tích đất dành cho đất cây xanh, diện tích mặt nước (ao, hồ), diện tích đất sân chơi và các công trình công cộng khác còn thiếu, chưa đáp ứng các yêu cầu về phát triển đô thị bền vững. Chuyển đổi mục đích sử dụng ở khu vực đô thị đáng chú ý là sự gia tăng diện tích của nhóm đất phi nông nghiệp do nhu cầu mở rộng diện tích đất đô thị từ các loại đất nông nghiệp. Bên cạnh đó, trong các đô thị còn xảy ra thực trạng nhiều diện tích mặt nước, cây xanh bị san lấp, chuyển đổi; nhiều dự án quy hoạch diện tích dành cho công trình công cộng bị sử dụng sai mục đích.
Môi trường đất tại các khu đô thị có nguy cơ bị ô nhiễm do chịu tác động từ nước thải sinh hoạt, các chất thải của hoạt động công nghiệp, xây dựng, sinh hoạt và các bãi chôn lấp rác thải, đặc biệt là các đô thị lớn như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng.
Chương 5. Phát sinh và xử lý chất thải rắn
Tình hình phát sinh và xử lý CTR ở khu vực đô thị vẫn là một trong những vấn đề môi trường nổi cộm trong nhiều năm qua. Theo thống kê, lượng CTR sinh hoạt phát sinh ở khu vực đô thị khoảng 38.000 tấn/ngày với mức gia tăng trung bình 12% mỗi năm. Chất thải rắn sinh hoạt đô thị có tỷ lệ hữu cơ vào khoảng 54 – 77%, chất thải có thể tái chế (thành phần nhựa và kim loại) chiếm khoảng 8 – 18%. Chất thải nguy hại (CTNH) còn bị thải lẫn vào chất thải sinh hoạt mang đến bãi chôn lấp là 0,02 ÷ 0,82%. Chất thải rắn y tế phát sinh là 600 tấn/ngày với mức độ gia tăng khoảng 7,6% mỗi năm. Đối với CTR công nghiệp khu vực đô thị, hiện chưa có thống kê con số cụ thể nhưng ước tính khối lượng CTR công nghiệp phát sinh trong các khu vực đô thị khá cao, tập trung ở các ngành cơ khí, dệt may, da giầy và thực phẩm. Ước tính lượng CTNH trong CTR công nghiệp chiếm tỷ lệ khoảng 20 – 30%.
Công tác phân loại, thu gom và xử lý CTR đã đạt được những kết quả nhất định. Tỷ lệ thu gom và xử lý CTR sinh hoạt trung bình đạt khoảng 85% vào năm 2014 và tăng lên 85,3% trong năm 2015. Công nghệ xử lý CTR sinh hoạt phổ biến là chôn lấp, ủ phân hữu cơ và đốt. Tại khu vực đô thị, tỷ lệ CTR sinh hoạt được chôn lấp trực tiếp khoảng 34%, tỷ lệ CTR sinh hoạt được tái chế tại các cơ sở xử lý đạt khoảng 42% và lượng CTR còn lại là bã thải của quá trình xử lý được chôn lấp chiếm khoảng 24%. Phần lớn CTR sinh hoạt đô thị chưa phân loại tại nguồn, tại một số đô thị lớn, hoạt động này mới chỉ được triển khai thí điểm tại một số phường, quận. Theo số liệu báo cáo của Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) về tình hình quản lý đối với CTR y tế, có khoảng hơn 90% bệnh viện thực hiện thu gom hàng ngày và có thực hiện phân loại chất thải từ nguồn. Năm 2015, tỷ lệ CTR y tế được thu gom đạt trên 75%. Tuy nhiên, phương tiện thu gom còn thiếu và chưa đồng bộ, hầu hết chưa đạt tiêu chuẩn, không có các trang thiết bị đảm bảo cho quá trình vận chuyển được an toàn. Công nghệ xử lý CTR y tế chủ yếu bằng các lò đốt. Hiện nay, một số công nghệ xử lý chất thải y tế bằng phương pháp không đốt được khuyến khích và ưu tiên phát triển. Đối với CTR công nghiệp, lượng thu gom, xử lý CTR thông thường gia tăng qua các năm. Một số loại CTR được chính cơ sở tận dụng tái sử dụng, tái chế. Một phần được xử lý thông qua hợp đồng với Công ty môi trường đô thị. Đối với chất thải công nghiệp nguy hại, được thu gom, xử lý bởi các đơn vị có chức năng, được cơ quan quản lý cấp phép thực hiện.
Chương 6. Tác động của ô nhiễm môi trường đô thị
Ô nhiễm môi trường gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, thiệt hại về kinh tế cũng như các vấn đề xã hội. Đối với khu vực đô thị, những tác động chủ yếu là do ô nhiễm không khí, nước và CTR.
Ô nhiễm môi trường không khí gây ra những tác động trực tiếp tới sức khỏe cộng đồng. Tỷ lệ người dân ở các đô thị lớn mắc các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí chiếm tỷ lệ khá cao, trong đó, trẻ em là nhóm đối tượng chịu tác động lớn nhất. Theo báo cáo của WHO, ước tính có khoảng 2/3 trường hợp tử vong và giảm tuổi thọ do ô nhiễm không khí xảy ra ở các nước đang phát triển thuộc châu Á. Ở nước ta, tỷ lệ người mắc bệnh hô hấp ở các đô thị lớn như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh cao hơn các đô thị khác. Ô nhiễm không khí cũng gây ra những thiệt hại về kinh tế do những chi phí bỏ ra để chữa trị bệnh tật và các chi phí gián tiếp do mất ngày công lao động của người bệnh và người chăm sóc.
Ô nhiễm môi trường nước tại các đô thị tập trung chủ yếu ở khu vực nội thành nội thị, thường gây mùi hôi thối, ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của người dân, làm mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng tới chất lượng nước của các nguồn tiếp nhận. Ô nhiễm môi trường nước còn gây ra những thiệt hại về kinh tế do những chi phí bỏ ra để khắc phục, cải thiện tình trạng ô nhiễm.
Công tác thu gom, vận chuyển, các trạm trung chuyển CTR không đảm bảo vệ sinh ở nhiều đô thị đã và đang gây ra những tác động xấu tới đời sống sinh hoạt người dân, gây mất mỹ quan đô thị. Tại các khu vực có hoạt động du lịch phát triển, ô nhiễm CTR gây ấn tượng xấu tới du khách, làm giảm lượng khách du lịch tới thăm quan, nghỉ dưỡng. Việc thu gom, xử lý CTR cũng đang là gánh nặng kinh tế cho ngân sách nhà nước do phần kinh phí trả cho các hoạt động này chủ yếu vẫn do nhà nước bao cấp. Phần thu phí vệ sinh tại các hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh mới chỉ đủ hỗ trợ cho hoạt động thu gom tại chỗ.
Chương 7. Quản lý môi trường đô thị
Trong thời gian qua, các quy hoạch phát triển đô thị gắn với BVMT và các kế hoạch, chương trình BVMT khu vực đô thị đã được ban hành cả ở cấp quốc gia và địa phương. Tuy nhiên, công tác triển khai thực hiện quy hoạch còn gặp nhiều khó khăn, thách Thách thức lớn nhất là số lượng đô thị tăng lên nhưng chất lượng của các đô thị chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, hệ thống đô thị Việt Nam cũng đang đối diện với những thách thức mới nảy sinh do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đặc biệt là tại các đô thị ven biển. Nghiên cứu, triển khai quy hoạch và xây dựng đô thị xanh trở thành xu hướng chung của các nước trên thế giới. Tuy nhiên, việc phát triển đô thị xanh ở Việt Nam gặp nhiều trở ngại cả về hạ tầng kỹ thuật và xã hội.
Trong những năm qua, công tác quản lý môi trường nói chung, môi trường đô thị nói riêng đã được quy định khá cụ thể trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, từ các quy định chung về bảo vệ môi trường khu vực đô thị cho đến các quy định về bảo vệ môi trường không khí, nước đất và vấn đề quản lý chất thải rắn. Tuy nhiên, từ việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đến việc triển khai thực thi trong thực tế còn một khoảng cách khá xa. Thực tế cho thấy, vẫn còn những văn bản, quy định triển khai chưa hiệu quả hoặc việc các đơn vị thi hành chưa nghiêm túc. Nguồn đầu tư cho các dự án, chương trình về BVMT đô thị đã nhận được nhiều sự quan tâm của Đảng và Chính phủ song vẫn chưa đủ để đáp ứng với những diễn biến ngày càng phức tạp của các vấn đề môi trường.
Hoạt động quan trắc, công bố thông tin cũng như công tác nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia của cộng đồng trong BVMT đô thị cũng đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý môi trường cũng cho thấy còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc. Những phân tích, đánh giá về những khó khăn, hạn chế trong công tác quản lý môi trường đô thị sẽ là cơ sở để nhìn nhận về những thách thức trong công tác quản lý và BVMT đặt ra, từ đó có những định hướng BVMT đô thị và đề xuất giải pháp cho giai đoạn tiếp theo.
Chương 8. Những vấn đề môi trường đô thị nổi cộm và đề xuất giải pháp
Một số vấn đề môi trường đô thị nổi cộm được nhận định bao gồm: Ô nhiễm bụi tại các khu vực đô thị vẫn tiếp tục duy trì ở ngưỡng cao; Ô nhiễm môi trường nước tại các sông hồ, kênh rạch nội thành, nội thị vẫn diễn biến phức tạp; Vấn đề úng ngập tại các đô thị có xu hướng mở rộng và gia tăng; Suy giảm mực nước dưới đất tại các đô thị khu vực đồng bằng và xâm nhập mặn tại các đô thị ven biển đang trở nên phổ biến; Tỷ lệ CTR đô thị được xử lý đúng kỹ thuật, hợp vệ sinh môi trường còn thấp, công nghệ xử lý còn lạc hậu và chưa phù hợp với điều kiện thực tế; Vấn đề quy hoạch phát triển đô thị theo hướng phát triển bền vững, gắn với BVMT vẫn đang đứng trước nhiều thách thức.
Để giải quyết, khắc phục các vấn đề về môi trường đô thị, trước tiên cần ưu tiên các giải pháp nhằm từng bước khắc phục, giải quyết các vấn đề môi trường nổi cộm. Tiếp theo đó, trên cơ sở những định hướng, nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2016 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường, báo cáo đã đề xuất các nhóm giải pháp tổng thể đối với công tác bảo vệ môi trường đô thị bao gồm: hoàn thiện các chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường đô thị và quy hoạch đô thị gắn với phát triển bền vững; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm; nâng cao năng lực quản lý nhà nước và huy động nguồn lực cho bảo vệ môi trường đô thị; tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn đầu tư tài chính đối với công tác bảo vệ môi trường đô thị và đẩy mạnh huy động sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ môi trường đô thị.
Kiến nghị
Từ các kết quả và nhận định về hiện trạng môi trường đô thị, Báo cáo đưa ra một số kiến nghị:
– Kiến nghị đối với Quốc hội và Chính phủ:
1. Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về BVMT nói chung, trong đó có BVMT đô thị một cách hệ thốn và đồng bộ. Sửa đổi các quy định về BVMT trong các luật về môi trường, tài nguyên, thuế, ngân sách, đầu tư, xây dựng, khoa học và công nghệ, năng lượng… bảo đảm thống nhất, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu BVMT.
2. Tập trung chỉ đạo giải quyết các vấn đề bức xúc về môi trường đô thị.
3. Định hướng các giải pháp ưu tiên đối với nhóm các đô thị lớn cũng như các đô thị đặc trưng như đô thị ven biển, đô thị vùng núi để có những quyết sách phù hợp.
4. Đẩy mạnh các chính sách khuyến khích, hỗ trợ trong công tác quản lý CTR đô thị và xử lý nước thải đô thị; cơ chế hỗ trợ phát triển các tổ chức dịch vụ môi trường đô thị.
5. Tăng tỷ lệ chi cho sự nghiệp BVMT lên mức 1,5% tổng chi ngân sách để đảm bảo yêu cầu trong giai đoạn mới
– Kiến nghị đối với các Bộ ngành và địa phương:
1. Triển khai các chính sách, quy định pháp luật về BVMT đô thị một cách hiệu quả. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW ban hành các quy chuẩn kỹ thuật môi trường của địa phương, tập trung vào các lĩnh vực có nguy cơ gây ô nhiễm cao và các đô thị đông dân cư.
2. Tập trung giải quyết từng bước các vấn đề môi trường nổi cộm tại các đô thị, khoanh vùng các đối tượng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Tập trung xử lý triệt để, di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi khu dân cư, chuyển vào các KCN.
3. Tăng cường triển khai các hoạt động quản lý, kiểm soát và xử lý chất thải khu vực đô thị. Bộ Xây dựng sớm ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành suất đầu tư, giá dịch vụ trong xử lý CTR sinh hoạt. Các địa phương hoàn thành việc phê duyệt, rà soát phê duyệt lại thep thẩm quyền quy hoạch quản lý CTR.
4. Đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị; quy hoạch đô thị theo hướng phát triển đô thị xanh, bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế và BVMT. Xây dựng các mô hình điểm về quản lý và BVMT đô thị để phát huy và nhân rộng trên phạm vi cả nước.
5. Khuyến khích, xây dựng quy chế quản lý nhằm huy động sự tham gia của cộng đồng trong BVMT đô thị; tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia BVMT, phân loại rác tại nguồn và thu gom rác thải; tạo điều kiện thuận lợi để MTTQ và các tổ chức thành viên phối hợp, phản biện, giám sát hoạt động BVMT; chủ động cung cấp thông tin, phát huy vai trò của báo chí trong công tác BVMT.
6. Bộ KH&ĐT tham mưu cân đối, bố trí vốn đầu tư cho các dự án xử lý nước thải, CTR đô thị theo quy hoạch đã được phê duyệt. Bộ Tài chính xây dựng phương án bảo đảm kinh phí cho BVMT nói chung, trọng tâm cho môi trường đô thị, đảm bảo tăng dần tỷ lệ chi ngân sách cho BVMT theo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; tính đúng, tính đủ giá dịch vụ môi trường.
Phụ chương. Sự cố môi trường nổi cộm trong năm 2016 và một số bài học kinh nghiệm
Trong thời gian qua, ở một số nơi, đã xảy ra các vụ việc, sự cố về môi trường. Một số vụ có phạm vi tác động ở quy mô lớn và gây thiệt hại nghiêm trọng cho môi trường. Điển hình như sự cố ô nhiễm môi trường biển 4 tỉnh miền Trung do nước thải của Công ty Formosa Hà Tĩnh. Sự cố này đã gây ra những thiệt hại về kinh tế, xã hội và môi trường. Đến nay, sau 01 năm kể từ khi xảy ra sự cố, Chính phủ và các địa phương vẫn đang tiếp tục thực hiện giám sát chất lượng môi trường biển, hoạt động xả thải và việc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm của Công ty Formosa, thực hiện giám sát định kỳ đối với các hải sản được khai thác tại 4 tỉnh nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm và sức khỏe cho nhân dân, hướng dẫn cho người dân trong các hoạt động nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ bình thường đối với tất cả các phương thức nuôi; khai thác hải sản trên các vùng biển…
Bên cạnh sự cố ô nhiễm môi trường biển miền Trung, trong năm 2016, ở một số nơi trên cả nước đã xảy ra các vụ việc, sự cố về môi trường mà nguyên nhân phần lớn do công tác bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa tuân thủ quy định.
Qua hàng loạt sự cố môi trường đã xảy ra trong thời gian qua, vấn đề kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm nhằm giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự số môi trường hay tăng cường năng lực phòng ngừa, ứng phó đối với các sự cố môi trường là vấn đề cần được ưu tiên triển khai đúng mức và kịp thời. Bắt đầu từ việc giám sát, đánh giá đúng tác động tới môi trường của các dự án ngay từ khi xây dựng, phê duyệt các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án có nguy cơ tác động xấu tới môi trường, cho đến việc đầu tư, tăng cường năng lực cho hệ thống giám sát, cảnh báo ô nhiễm và ứng phó với các sự cố môi trường đáp ứng yêu cầu thực tế.