Đây là ý kiến của các chuyên gia tại tọa đàm “Thị trường tín chỉ carbon: Góc nhìn từ kinh tế, môi trường và khuôn khổ pháp lý” do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức ngày 12.6.
Theo kế hoạch, việc thí điểm thị trường tín chỉ carbon bắt đầu từ năm 2025, việc hoàn thiện khung pháp lý được dự kiến vào năm 2027 và sàn giao dịch tín chỉ carbon sẽ chính thức đi vào hoạt động từ năm 2028.
GS-TS Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh (ĐH Kinh tế TP.HCM) cho biết Việt Nam có 1.912 cơ sở đang thực hiện kiểm kê phát thải khí nhà kính, là những đối tượng tiềm năng cho thị trường tín chỉ carbon. Bên cạnh đó, có 276 dự án với gần 30 triệu tín chỉ carbon đã được chứng nhận từ các dự án theo Cơ chế phát triển sạch (CDM). Tính đến nay, hơn 300 chương trình, dự án đã thực hiện các giao dịch mua, bán tín chỉ carbon tự nguyện. Với hơn 14 triệu ha rừng, tiềm năng tạo ra tín chỉ carbon của Việt Nam còn rất lớn.
Ngoài ra, Chính phủ nên khuyến khích đầu tư vào công nghệ xanh và các dự án giảm phát thải thông qua các chính sách hỗ trợ tài chính và ưu đãi thuế. Việc này còn nâng cao hiệu quả sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp. Các dự án năng lượng tái tạo, công nghệ tiết kiệm năng lượng và cải thiện quy trình sản xuất sạch là những lĩnh vực cần được ưu tiên đầu tư để đạt được mục tiêu phát triển bền vững…