Thị trường tín chỉ carbon: ‘Bữa tiệc lớn’ Vingroup, Vinamilk, Masan cùng chờ đợi

Việt Nam sẽ thí điểm thị trường carbon từ năm 2025 (Ảnh: Bộ Tài nguyên và Môi trường)

Kể từ năm 2025, Việt Nam sẽ thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon, đây là thị trường rất nhiều doanh nghiệp muốn tham gia vào vì tiềm năng vô cùng lớn.

Xuất khẩu gỗ thu 17,3 tỷ USD, đẩy mạnh phát triển thị trường tín chỉ carbon rừng

Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định cụ thể về lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước. Đây được xem là văn bản pháp quy đầu tiên thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực góp phần chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Theo đó, kể từ năm 2025, Việt Nam sẽ thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon. Đến hết năm 2027, Việt Nam sẽ xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Từ năm 2028, Việt Nam sẽ chính thức tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon trên phạm vi toàn cầu.

Tín chỉ carbon (carbon credit) là thuật ngữ dùng để chỉ chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một lượng khí CO2 hoặc một lượng giảm/hấp thụ phát thải khí nhà kính quy đổi sang CO2 tương đương.

Một cách khái quát nhất, tín chỉ carbon có thể coi là 1 loại “giấy phép”, cho phép chủ sở hữu nó được quyền phát thải khí carbon dioxide (CO2) hoặc các loại khí thải nhà kính khác được quy đổi tương đương ra CO2, với số lượng phát thải bằng đúng số lượng tín chỉ mà họ sở hữu. Một tín chỉ carbon bằng 1 tấn carbon dioxide (CO2) hoặc 1 tấn khí nhà kính khác quy đổi ra 1 tấn CO2 tương đương.

Tiềm năng thị trường tín chỉ Carbon

Đầu năm 2024, Việt Nam đã nhận được toàn bộ khoản thanh toán trị giá hơn 51 triệu USD, tương đương 1.200 tỷ đồng từ việc bán tín chỉ carbon rừng, theo Thỏa thuận thực hiện giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ mà Việt Nam ký với Ngân hàng Thế giới (WB). Cũng theo WB, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Á – Thái Bình Dương nhận được khoản thanh toán dựa trên kết quả giảm phát thải này.

Theo Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, khoản chi trả mang tính bước ngoặt này đánh dấu một bước tiếp theo để Việt Nam tham gia thị trường tín chỉ carbon toàn cầu. Sau Bắc Trung Bộ, Việt Nam đang chuyển nhượng tiếp hơn 5,1 triệu tín chỉ carbon rừng tại vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên trong giai đoạn 2022 – 2026, với giá tối thiểu 10 USD/tín chỉ.

Thị trường tín chỉ carbon: ‘Bữa tiệc lớn’ Vingroup, Vinamilk, Masan cùng chờ đợiThị trường tín chỉ Carbon có tiềm năng vô cùng lớn (Ảnh minh họa)

Theo tính toán, chỉ riêng ngành nông nghiệp Việt Nam, tiềm năng có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm. Nếu thực hiện được các giao dịch tương xứng, nước ta có thể bán tín chỉ carbon với giá trị khoảng 300 triệu USD/năm.

Tại hội thảo “Phát huy giá trị nguồn lợi từ rừng gắn với mục tiêu NET – Zero và phát triển bền vững” tháng 9/2024, ông Hà Công Tuấn – Chủ tịch Hội Khoa học Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh: “Hiện nay, thị trường tín chỉ carbon toàn cầu đang diễn ra rất sôi động, với tín chỉ carbon được coi là một loại hàng hóa có thể giao dịch. Giá 1 tín chỉ carbon dao động từ 1-2 USD, thậm chí đến gần 200 USD”.

‘Bữa tiệc lớn’ Vingroup, Vinamilk, Masan cùng chờ đợi

Ông Phan Chiến Thắng, Giám đốc Truyền thông, Cộng đồng và Quan hệ Đối ngoại, Công ty Masan High-Tech Materials (MSR – công ty con của Tập đoàn Masan) chia sẻ: “Theo lộ trình Chính phủ Việt Nam thì thị trường carbon sẽ vận hành chính thức vào năm 2028, từ trước đến nay chúng tôi luôn thực hiện hình thức tiết kiệm năng lượng, trồng cây xanh, tái chế chất thải và có thể nói đến thời điểm này chúng tôi đã sẵn sàng về kỹ thuật và tài chính để sẵn sàng tham gia việc mua bán, trao đổi tín chỉ carbon trong tương lai, ngay khi thị trường chính thức đi vào vận hành”.

Thị trường tín chỉ carbon: ‘Bữa tiệc lớn’ Vingroup, Vinamilk, Masan cùng chờ đợiHình ảnh cây năng lượng trồng tại mỏ Núi Pháo của MSR từ năm 2021 (Nguồn: Báo Tiền Phong)

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc Điều hành Nghiên cứu & Phát triển (R&D) Vinamilk (HoSE: VNM) cho biết thời gian qua công ty đã thực hiện nhiều giải pháp để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

“Trong tương lai, chúng tôi có thể tính đến việc bán tín chỉ carbon nếu việc hấp thụ khí thải nhà kính lớn hơn so với lượng thải ra”, ông Khánh nói.

Ông Khánh cho biết có dự án thì phải tính chi phí đầu tư và tỷ suất lợi nhuận thu lại, nhưng kinh nghiệm của Vinamilk nếu đầu tư từ sớm thì chi phí sẽ thấp hơn và lợi ích thu lại lớn hơn rất nhiều. “Nếu nhiều năm trước chúng tôi không tiến hành chương trình 1 triệu cây xanh thì bây giờ chúng tôi không thể tự trung hòa lượng phát thải phát ra”, ông Khánh chia sẻ và cho biết trang trại và nhà máy cân bằng khoảng 17.500 tấn CO2/năm. Điều này tương đương 1,7 triệu cây xanh 5 tuổi. Chi phí là có nhưng hiệu ích lớn hơn.

Thị trường tín chỉ carbon: ‘Bữa tiệc lớn’ Vingroup, Vinamilk, Masan cùng chờ đợi

Robot LGV hiện đại của Vinamilk giúp giảm 62% khí thải phát ra so với xe nâng truyền thống (Ảnh: Báo Tuổi Trẻ)

Năm 2023, ông Morgan Donovan Carroll, Giám đốc ESG của VinFast cho biết công ty sẽ tập trung năng lượng xanh, không “đương đầu” với Tesla Về mục tiêu tương lai và khả năng bán tín chỉ carbon.

“Chúng tôi chưa có lợi thế để bán tín chỉ carbon. Chúng tôi đã nỗ lực đầu tư về xe điện và thị trường carbon sẽ là cơ hội lớn. Đầu năm 2019, chúng tôi đã có báo cáo về ESG trong đó carbon rất khó để tích trữ. Chúng tôi tập trung vào năng lượng xanh và có trách nhiệm với môi trường, giảm hiệu ứng nhà kính”, ông Donovan Carroll cho biết.

Tuy nhiên, tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 của Tập đoàn Vingroup (VIC), ở phiên thảo luận, một cổ đông đã đặt câu hỏi: “VinFast hiện thu chủ yếu từ việc bán xe, nhưng theo tôi được biết thì chứng chỉ carbon cũng tạo ra nguồn thu. VinFast giảm thải được rất nhiều carbon, hiện VinFast đã làm hồ sơ pháp lý gì để phát hành chứng chỉ carbon trong thời gian tới?”.

Giải đáp vấn đề này, ông Phạm Nhật Vượng thông tin: “Chúng tôi đã thành lập tổ công tác để thúc đẩy việc bán chứng chỉ carbon không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước khác”.

Thị trường tín chỉ carbon đang mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong hành trình hướng tới phát triển bền vững và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Với tiềm năng hàng trăm triệu USD mỗi năm, tín chỉ carbon không chỉ là công cụ góp phần bảo vệ môi trường mà còn trở thành nguồn thu hấp dẫn trong tương lai.

> VinFast và kế hoạch bán một mặt hàng đặc biệt, tiềm năng hàng tỷ USD sẽ được Chính phủ triển khai từ năm 2025

Nguồn: nguoiquansat.vn