Tôi có thắc mắc phát thải là gì? Phát thải ròng bằng 0 là gì? Lộ trình giảm nhẹ phát thải khí nhà kính như thế nào? (Câu hỏi của chị Trang – Thái Bình)
Phát thải là gì? Phát thải ròng bằng 0 là gì?
Phát thải là hoạt động thải ra môi trường các chất có hại, gây ô nhiễm môi trường. Phát thải có thể xảy ra ở nhiều dạng khác nhau, bao gồm:
– Phát thải khí thải: Đây là dạng phát thải phổ biến nhất, bao gồm các khí thải từ các hoạt động sản xuất, vận tải, sinh hoạt,… gây ô nhiễm không khí, biến đổi khí hậu,…
– Phát thải chất thải rắn: Đây là dạng phát thải bao gồm các chất thải rắn từ các hoạt động sản xuất, sinh hoạt,… gây ô nhiễm đất, nguồn nước,…
– Phát thải chất thải lỏng: Đây là dạng phát thải bao gồm các chất thải lỏng từ các hoạt động sản xuất, sinh hoạt,… gây ô nhiễm nguồn nước, đất,…
– Phát thải chất thải phóng xạ: Đây là dạng phát thải bao gồm các chất thải phóng xạ từ các hoạt động nghiên cứu, sản xuất, y tế,….gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người và sinh vật.
Phát thải ròng bằng 0 là việc trung hòa carbon, là trạng thái mà lượng khí thải khí nhà kính do con người gây ra được cân bằng bởi lượng khí thải được loại bỏ khỏi khí quyển. Điều này có thể được thực hiện bằng cách giảm phát thải hoặc bằng cách loại bỏ carbon dioxide khỏi khí quyển.
Phát thải là gì? Phát thải ròng bằng 0 là gì? Lộ trình giảm nhẹ phát thải nhà kính như thế nào? (Hình từ Internet)
Lộ trình giảm nhẹ phát thải khí nhà kính như thế nào?
Theo quy định Điều 7 Nghị định 06/2022/NĐ-CP, lộ trình giảm nhẹ phát thải khí nhà kính được thực hiện như sau:
[1] Đối với Các bộ quản lý lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, sử dụng đất và lâm nghiệp, quản lý chất thải, các quá trình công nghiệp là các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng.
– Tổ chức xây dựng, ban hành kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý cho giai đoạn đến hết năm 2030, phân kỳ thực hiện đến năm 2025.
– Thực hiện các biện pháp quản lý để đạt được mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính quy định tại Đóng góp do quốc gia tự quyết định.
[2] Đối với các cơ sở thuộc danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
– Cung cấp thông tin, số liệu hoạt động phục vụ kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở, xây dựng và thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện cụ thể của cơ sở;
– Giai đoạn từ năm 2026 đến hết năm 2030, thực hiện kiểm kê khí nhà kính, xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo hạn ngạch do Bộ Tài nguyên và Môi trường phân bổ phù hợp với mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; được phép trao đổi, mua bán hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon trên sàn giao dịch tín chỉ các-bon.
Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phải đảm bảo các nguyên tắc nào?
Căn cứ tại Điều 4 Nghị định 06/2022/NĐ-CP, việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phải đảm bảo các nguyên tắc như sau:
Thứ nhất: Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ô-dôn phải phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội, pháp luật hiện hành và các quy định, điều ước quốc tế có liên quan với mục đích phát triển nền kinh tế các-bon thấp và tăng trưởng xanh gắn liền với phát triển bền vững.
Thứ hai: Quản lý hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phải tuân theo nguyên tắc trách nhiệm, thống nhất, công bằng, minh bạch; mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính được Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh theo ưu tiên phát triển quốc gia và các điều ước quốc tế mà nước Việt Nam là thành viên.
Thứ ba: Hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ các-bon đảm bảo công khai, hài hòa lợi ích của các chủ thể trên thị trường các-bon. Các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường các-bon trên cơ sở tự nguyện.
Thứ tư: Nhập khẩu, xuất khẩu các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát chỉ được thực hiện với các nước là thành viên của Nghị định thư Montreal theo lộ trình thời gian do Nghị định 06/2022/NĐ-CP.
Trân trọng!