Rừng có vai trò cực kỳ quan trọng đối với đời sống con người và sự phát triển của mỗi quốc gia. Rừng đã và đang là nơi cung cấp các sản phẩm trực tiếp như gỗ, củi,lâm sản ngoài gỗ, v v…, đặc biệt là cung cấp và duy trì chức năng “sinh thái” nhằm bảo vệ sự sống trên trái đất. Tuy nhiên, hiện nay giá trị của rừng hiện mới chỉ được biết như là nơi cung cấp các sản phẩm sử dụng trực tiếp trong khi các giá trị về môi trường và dịch vụ môi trường của rừng vẫn chưa được hiểu một cách đúng đắn. Các giá trị sử dụng gián tiếp dịch vụ môi trường rừng mà chủ yếu là bảo vệ đất chống xói mòn, điều tiết dòng chảy nhằm hạn chế lũ lụt về mùa mưa duy trì nguồn nước về mùa khô, hấp thụ các bon, du lịch sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học v.v…, những giá trị này ở Việt nam hầu như chưa được đề cập và nghiên cứu một cách có hệ thống. Thực tế đối với một xã hội phát triển, trong nhiều trường hợp giá trị sử dụng gián tiếp của một khu rừng còn lớn hơn nhiều so với giá trị sử dụng trực tiếp, tuy nhiên để nhận dạng và lượng giá chúng làm cho các nhà hoạch định chính sách và xã hội thừa nhận không phải là vấn đề dễ thuyết phục.
Việt Nam mặc dù là một quốc gia đang phát triển, sau hơn 20 năm đổi mới, đặc biệt là những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ XX cho đến nay tăng trưởng kinh tế nhanh ở mức trung bình 7-8%/năm, kèm theo đó là nguy cơ về các vấn đề tài nguyên và môi trường, trong đó có tài nguyên rừng đã bị khai thác quá mức dẫn đến chất lượng rừng suy giảm nghiêm trọng. Sự suy giảm rõ nét tài nguyên rừng là sự giảm nhanh chóng diện tích rừng trong giai đoạn 1943 – 1999 (từ độ che phủ 43% xuống còn 28%) và đa dạng sinh học của tài nguyên sinh vật nước ta đang bị mất đi ở mức nghiêm trọng. Đặc biệt hơn là sự tàn phá rừng đã làm suy giảm đáng kể chức năng sinh thái của rừng trong việc bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai. Hiện tượng biến đổi khí hậu, xói mòn đất, sạt lở đất, lũ quét về mùa mưa, cạn nước về mùa khô trên các lưu vực sông là những minh chứng cho việc cần phải đánh giá đúng đối với những giá trị này, các giá trị đó phải được quy đổi ra bằng tiền tệ.
Lượng giá giá trị kinh tế đối với tài nguyên và môi trường rừng sẽ cho chúng ta biết được giá trị thực của nó, giúp cho các nhà hoạch định chính sách có những biện pháp tốt hơn trong việc khai thác, sử dụng, bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên rừng.
Nét đặc thù là giá trị môi trường và dịch vụ môi trường của rừng thường không được xác định một cách đầy đủ trong các quyết định đầu tư và quản lý có tác động tới môi trường. Nguyên nhân chủ yếu là các hàng hoá và dịch vụ môi trường đã không được trao đổi mua bán trên thị trường, do vậy đã không có được giá cả thị trường. Vì vậy, nhiều hàng hoá và dịch vụ môi trường rừng không được đánh giá đúng mức và đôi khi chưa được coi trọng, đây là nguyên nhân dẫn đến những sai lệch trong quá trình ra quyết định.
Kinh tế học tài nguyên và môi trường là một lĩnh vực khoa học mới được ra đời, nếu so với nhiều lĩnh vực kinh tế khác còn non trẻ. Tuy nhiên, do yêu cầu đáp ứng của thực tiễn, nhất là trong bối cảnh kinh tế thị trường cạnh tranh có tính toàn cầu, những năm gần đây đã xuất hiện một số kỹ thuật tính toán mới nhằm lượng giá các giá trị dịch vụ của hàng hóa môi trường rừng trong trường hợp không có giá thị trường. Những kỹ thuật này hiện nay đang được nhiều quốc gia đưa vào sử dụng nhằm phục vụ cho nghiên cứu và hoạch định chính sách. Trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn đang diễn ra ở Việt nam, với yêu cầu đặt hàng của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, nhằm mục đích đưa ra các cơ sở khoa học và hiểu biết rõ hơn về giá trị của rừng với trọng tâm là giá trị môi trường và dịch vụ môi trường rừng, đề tài “Nghiên cứu lượng giá kinh tế môi trường và dịch vụ môi trường của một số loại rừng chủ yếu ở Việt Nam” đã được Trung tâm nghiên cứu sinh thái và môi trường rừng thuộc Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam thực hiện.
Báo cáo tổng kết đề tài đề cập đến các kết quả nghiên cứu với trọng tâm là giá trị môi trường và DVMT rừng, từ đó đề xuất hướng dẫn đánh giá giá trị môi trường và DVMT một số loại rừng ở Việt Nam. Báo cáo tổng kết đề tài gồm 4 phần chính là:
1) Phần thứ 1: Tổng quan vấn đề nghiên cứu;
2) Phần thứ 2: Mục tiêu, nội dung và đối tượng nghiên cứu;
3) Phần thứ 3: Kết quả nghiên cứu và thảo luận;
4) Phần thứ 4: Kết luận và kiến nghị.