Một số phương pháp hay sử dụng cho lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM)

Phương pháp liệt kê số liệu về thông số môi trường

Theo phương pháp này, người đánh giá tác động môi trường phân tích hoạt động phát triển, chọn ra một thông số liên quan đến môi trường, liệt kê ra và cho các số liệu liên quan đến các thông số đó chuyển tới người ra quyết định xem xét. Bản thân người đánh giá tác động môi trường không đi sâu phân tích, phê phán gì thêm mà dành cho người ra quyết định lựa chọn phương án theo cảm tính sau khi đã được đọc các số liệu liệt kê.

Phương pháp liệt kê số liệu về thông số môi trườngđơn giản, sơ lược, tuy nhiên rất cần thiết và có ích trong bước đánh giá sơ bộ về tác động đến môi trường hoặc trong hoàn cảnh không có đủ điều kiện về chuyên gia, số liệu hoặc kinh phí để thực hiện về đánh giá tác động môi trường một cách đầy đủ.

Phương pháp ma trận môi trường

Nguyên tắc cơ bản của phuơng pháp ma trận là phối hợp sự liệt kê các hoạt động của một dự án với sự liệt kê các nhân tố môi trường có thê bị ảnh huởng trên một ma trận. Ma trận cho phép xem xét quan hệ nhân quả của những tác động. Thông thường việc xem xét này được kèm theo sự đánh giá tổng tác động của toàn bộ dự án.

Có ma trận định tính, ma trận định lượng, ma trận bán định lượng.

Phương pháp mô hình hoá môi trường

Phương pháp này được sử dụng dựa trên nguyên lý cơ bản là: các tác nhân gây tác động môi trường, trong đó phổ biến là tác nhân là chất gây ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường, sự cố môi trường…, khi được phát ra từ nguồn sẽ bị chuyển hoá, biến đổi về chất lượng và khối lượng do tác động của các yếu tố môi trường (các yếu tố vật lý, hoá học, sinh học, địa hình, địa mạo…). Trong nhiều trường hợp, sự chuyển hoá, biến đổi, phân tán của các tác nhân gây tác động theo thời gian và theo không gian có thể được dự báo bằng phương pháp mô hình hoá (mô hình hoá dòng chảy, mô hình hoá sự bồi lắng phù sa, mô hình hoá sự phân tán của các chất gây ô nhiễm trong môi trường nước và môi trường không khí v.v…).

Phương pháp bản đồ chập

Phương pháp này sử dụng những bản đồ về các đặc trưng môi trường trong khu vực nghiên cứu vẽ trên giấy trong suốt. Mỗi bản đồ diễn tả khu vực địa lý đối với từng đặc trưng môi trườngv đã xác định được qua tài liệu điều tra cơ bản. Thuộc tính của đặc trưng môi trường được biểu thị bằng cấp độ. Ví dụ: vùng ô nhiễm vừa tô màu nhạt, vùng ô nhiễm nặng tô mầu sẫm hơn. Độ dốc mặt đất chẳng hạn có thể ghi thành 5 mức đậm nhạt khác nhau. Lượng mưa cũng có thể ghi thành 5 mức khác nhau. Để xét sự thích hợp của việc sử dụng đất đai tại nơi nghiên cứu vào một việc nào đó, ví dụ để trồng một loại cây, ta chập những bản đồ liên quan lại với nhau. Tổ hợp độ đậm nhạt hoặc màu sắc cho phép nhận định một cách tổng hợp và nhanh chóng về sự thích hợp của từng khu vực trên bản đồ.

Phương pháp bản đồ chập đơn giản, dễ hiểu, kết quả xem xét thể hiện trực tiếp thành hình ảnh, thích hợp với việc đánh giá các phương án sử dụng đất. Tuy nhiên phương pháp có nhiều nhược điểm: thể hiện thiên nhiên và môi trường một cách tĩnh tại, độ đo các đặc trưng môi trường trên bản đồ thường quá khát quát, đánh giá cuối cùng về tổng tác động phụ thuộc nhiều vào chủ quan của người đánh giá.

Phương pháp sơ đồ mạng lưới

Phương pháp này có mục đích phân tích các tác động song song và nối tiếp do các hành động của hoạt động gây ra. Sử dụng các phương pháp mạng lưới trước hết phải liệt kê toàn bộ các hành động trong hoạt động và xác định mối quan hệ nhân quả giữa những hành động đó. Các quan hệ đó nối các hành động lại với nhau thành một mạng lưới. Trên mạng lưới có thể phân biệt được các tác động bậc 1 do 1 hành động trực tiếp gây ra, rồi tác động bậc 2 do tác động bậc 1 gây ra và lần lượt tác động bậc 3, bậc 4… Các chuỗi tác động đó cuối cùng dẫn về các tác động cuối cùng, hiểu theo nghĩa là những sự việc có lợi hoặc hại cho tài nguyên và môi trường.

Do nắm được quan hệ nhân quả và liên quan của nhiều hành động và tác động trên mạng lưới ta có thể dùng phương pháp này để xem xét các biện pháp phòng tránh hoặc hạn chế các tác động tiêu cực đến tài nguyên môi trường.

Phương pháp mạng lưới nảy sinh từ những kinh nghiệm nghiên cứu về dòng năng lượng và cân bằng năng lượng trong các hệ sinh thái.

Phương pháp phân tích chi phí – lợi ích mở rộng

Phương pháp này sử dụng các kết quả phân tích, đánh giá mà các phương pháp đánh giá tác động môi trường giới thiệu trên đã đem lại. Từ đó đi sâu về mặt kinh tế, tiến thêm một bước so sánh những lợi ích mà việc thực hiện hoạt động sẽ đem lại, với những chi phí và tổn thất mà việc thực hiện hoạt động sẽ gây ra. Lợi ích chi phí ở đây hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cả chi phí và lợi ích về tài nguyên môi trường, vì vậy nên gọi là phân tích chi phí – lợi ích mở rộng.

Phương pháp này được một số tác giả đánh giá là thích hợp với điều kiện các nước đang phát triển, trong đó khai thác tài nguyên thiên nhiên là biện pháp quan trọng và phổ biến để phát triển kinh tế xã hội.

Ngoài ra, người ta còn sử dụng rất nhiều phương pháp khác nữa, như: phương pháp nội suy và ngoại suy, phương so sánh, phương pháp đánh giá nhanh v.v…

Nguồn: TS. Nguyễn Khắc Kinh – Bộ tài nguyên và Môi trường

GS.TS. Hoàng Xuân Cơ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *