Dao động 5-35 USD nhưng giá mỗi tín chỉ carbon không cứ càng thấp là càng rẻ do phụ thuộc tính chất dự án và hợp đồng, theo chuyên gia.
Cuối 2013, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn bán 10,3 triệu tấn CO2 cho Ngân hàng Thế giới (World Bank), thu về 51,5 triệu USD, tương đương 5 USD một tín chỉ carbon.
Sau thương vụ này, Việt Nam có kế hoạch bán 6 triệu tấn CO2 giá 10 USD mỗi tín chỉ carbon cho chương trình LEAF (Lowering Emissions in Asia’s Forests) của tổ chức phi lợi nhuận Emergent. Dự án chuẩn bị thẩm định bởi bên thứ ba độc lập và dự kiến hoàn thành vào quý I/2025.
Ngoài ra, một dự án khác được hỗ trợ bởi Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) giúp Việt Nam bán tối đa 30 triệu tấn CO2 với giá 150 triệu USD cho quỹ GCF (Green Climate Fund) của Liên Hợp Quốc định nộp đề xuất vào 2025. Với mục tiêu này, giá mỗi tín chỉ carbon sẽ ở mức 5 USD.
Tín chỉ carbon (carbon credit) là chứng nhận quyền phát thải khí CO2 hoặc khí nhà kính khác được quy đổi tương đương sang CO2 (CO2tđ). Một tấn CO2tđ được xem là 1 tín chỉ carbon. CO2tđ là đơn vị mua bán trên thị trường carbon, tín chỉ carbon. Bên bán là bên có khả năng giảm hoặc loại bỏ phát thải được công nhận.
Hai năm gần đây, giá mỗi tín chỉ carbon rừng trên thế giới dao động 8-16 USD. Vì sao cùng là tín chỉ carbon nhưng giá lại biến động lớn và các thương vụ đã và sắp tới của Việt Nam giá không cao nếu nhìn vào con số tuyệt đối?
Tại tọa đàm gần đây do Đại học Nông Lâm TP HCM tổ chức, các chuyên gia cho biết nhận định đắt – rẻ chỉ dựa giá được công bố là không thể và có thể gây hiểu nhầm. Bởi lẽ, giá phụ thuộc lớn và bản chất thương vụ, giá trị dự án, cung – cầu thị trường, khả năng đàm phán và điều kiện ràng buộc.
Đầu tiên là bản chất thương vụ. Các thương vụ hiện của Việt Nam mang tính chất thiên về tài trợ hơn giao dịch thương mại thông thường. Hiện thị trường giao dịch tín chỉ carbon tự nguyện có thể diễn ra giữa các tổ chức hoặc thông qua chính phủ.
Ví dụ, thương vụ 51,5 triệu USD thuộc “Chương trình Giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ” theo cơ chế giao dịch chính phủ, với đại diện bên bán là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và bên mua là World Bank.
Tuy nhiên, chương trình này được tài trợ triển khai bởi sáng kiến FCPF (Forest Carbon Partnership Facility) cũng thuộc Wolrd Bank và cơ chế quốc tế REDD+ chuyên hỗ trợ giảm phát thải từ nạn phá rừng và suy thoái rừng.
Với việc World Bank hỗ trợ triển khai và mua thành quả là tín chỉ carbon, TS Phạm Thu Thủy, chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế (CIFOR), công tác tại Đại học Adelaide (Australia), nói thực tế 5 USD là “lãi ròng”.
Trong khi, nhiều dự án khác bán giá cao hơn nhưng biên lợi nhuận thấp do chi phí đầu tư cao hoặc chịu các điều kiện ràng buộc liên quan. “Để xem thương vụ bán đắt hay rẻ phải xem hợp đồng giao dịch đó điều khoản chi tiết là gì, giá đó là lãi ròng hay tổng chi phí trọn gói mà bên bán phải bỏ vốn ra triển khai”, bà Thủy nói.
Chuyên gia này ví dụ, khi chính phủ Singapore đặt vấn đề mua tín chỉ carbon với chính phủ Peru, giá cũng bị trả thấp chỉ 8 USD nhưng kèm ưu đãi Peru sẽ được đảo quốc này cam kết giảm thuế cho hàng hóa nhập khẩu. “Vì vậy, không đơn giản là giá bao nhiêu mà là điều kiện đi kèm”, bà Thủy lưu ý.
Cũng bình luận về giá 5 USD mà Việt Nam bán được, một chuyên gia lâm nghiệp tại Lâm Đồng nói thương vụ vừa qua về bản chất không phải bán tín chỉ carbon mà được tài trợ và mua lại như khuyến khích.
Thứ hai, trong kịch bản giao dịch sòng phẳng, giá các tín chỉ carbon phụ thuộc chất lượng dự án. Trong nhiều phương thức giảm hoặc hấp thụ carbon, các dự án lâm nghiệp thường tạo ra tín chỉ carbon giá cao hơn vì tác động lớn hơn.
TS. Vũ Tấn Phương, Giám đốc Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững, thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam lý giải vì các dự án tín chỉ carbon rừng có ưu thế về giá trị gia tăng và tính lâu dài.
“Dự án lâm nghiệp có thể tạo ra các lợi ích bổ sung về chống biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học và sinh kế cho cộng đồng địa phương. Tùy vào mức độ tác động mà sẽ ảnh hưởng đến định giá carbon”, ông nói.
Thậm chí, cùng là tín chỉ carbon lâm nghiệp nhưng tùy loại dự án và loại rừng mà giá lại phân chia. Cụ thể, đang có khoảng 194 dự án trên toàn cầu lĩnh vực tín chỉ carbon rừng, giá dao động 5-10 USD mỗi tín chỉ. “Trong đó, dự án trồng rừng trên đất suy thoái có giá trị rất cao vì tạo ra tác động lớn”, ông nói.
Loại rừng cũng ảnh hưởng đến giá. Rừng càng lạnh và càng ướt thì giá tín chỉ càng cao vì khả năng hấp thụ carbon tốt hơn. Điều này dẫn đến thị trường “carbon xanh dương” (Blue Carbon) đang sôi động hàng đầu, được săn đón.
Blue Carbon chỉ hệ sinh thái rừng ngập mặn, cỏ biển và đầm lầy bãi triều. Thống kê của CIFOR cho biết các bên trung gian bán lại trên thị trường thứ cấp từ 10-25 USD mỗi tín chỉ Blue Carbon. “Thậm chí, từng có người mua sẵn sàng trả trên 35 USD cho mỗi tín chỉ này”, bà Thủy nói.
Cồn Chim tại hệ sinh thái rừng ngập mặn ở đầm Thị Nại (Bình Định) vào tháng 3/2024 Ảnh: Dũng Nhân
Thứ ba, giao dịch tín chỉ carbon cũng là mua bán hàng hóa, chịu ảnh hưởng bởi diễn biến cung – cầu, khả năng tìm khách của nhà bán và năng lực đàm phán đôi bên.
Theo thống kê của Đại học Adelaide, 58 quốc gia đang bán tín chỉ carbon, tập trung ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh. Giá bán trung bình toàn cầu mỗi tín chỉ carbon đang 11,2 USD. Tuy nhiên, giá chênh lệch đáng kể giữa các nguồn cung, thấp nhất là châu Phi với trung bình 8,52 USD mỗi tín chỉ và cao nhất là châu Á với trên 14 USD.
Trong khi đó, số lượng người mua lớn đều từ EU và Mỹ. Chiếm thị phần tiêu thụ lớn có thể kể đến Thụy Sĩ (15%), USA (6%), Đức (3%), Hà Lan (3%) và Pháp (3%). Quan trọng hơn, nhiều người mua là nhà đầu tư kiếm lời từ giao dịch hàng hóa. Họ cố gắng “ép giá” người tạo ra tín chỉ carbon và nâng giá khi sang tay.
Ví dụ, trên hệ thống giao dịch tập trung là Plan Vivo, có đến 30% tín chỉ được chuyển nhượng 5 lần. Thậm chí, trên hệ thống khác có tên Verra, thông tin người mua rất khó xác định. Trong 25% lượng giao dịch có thể rà soát thì 1,9% cũng là giao dịch qua nhiều bên trung gian.
“Giá bán khác nhau phụ thuộc vào chênh lệch cung – cầu từng thời điểm, người mua của mình là ai (trung gian cấp nào hay khách hàng đầu cuối) và khả năng đàm phán hợp đồng thương mại”, bà Thủy lưu ý.
Ngoài các dự án được hỗ trợ, Việt Nam vẫn có tiềm năng bán tín chỉ carbon giá tốt trong các giao dịch thương mại sòng phẳng trong tương lai, theo các chuyên gia.
Diện tích rừng Việt Nam bé nhưng thứ 12 thế giới trong bảng xếp hạng đánh giá mức độ hấp dẫn về thu hút đầu tư trong thị trường carbon tự nguyện, theo xếp hạng của hãng cung cấp giải pháp và dịch vụ bù đắp carbon Abatable (Anh).
Theo CIFOR, lợi thế này có được nhờ Việt Nam đứng hạng 16 thế giới về đa dạng sinh học; ngành lâm nghiệp có thể triển khai nhiều loại hình dự án carbon khác nhau như trồng mới và tái trồng rừng hay cải thiện quản lý rừng bền vững.
Đáng lưu ý, Việt Nam sở hữu diện tích rừng ngập mặn và rừng trên cạn có chất lượng, là nền tảng cho các dự án bảo tồn và phát triển rừng. “Rừng ngập mặt và đất ngập nước ven biển có khả năng hấp thụ carbon nhiều nhưng thị trường carbon này chưa được khai thác”, TS Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TP HCM chỉ ra tiềm năng.
Ngoài ra, tương tự với thu hút đầu tư và mở rộng thương mại các mặt hàng khác, triển vọng thị trường tín chỉ carbon một phần nhờ nền chính trị ổn định kết hợp với kinh tế mở, tạo nền tảng cho các hoạt động đầu tư và giao dịch, theo TS Thủy.
Tuy nhiên, còn nhiều thách thức cần vượt qua để thị trường hình thành thật sự. Khảo sát của CIFOR chỉ ra các rào cản lớn thường được nhắc đến khi vận hành thị trường carbon rừng gồm: thiếu thông tin và kiến thức của các bên liên quan, chính sách chưa hoàn thiện, năng lực kỹ thuật đo lường, báo cáo và thẩm định (MRV) cũng như sự tham gia của người dân.
Viễn Thông
Nguồn: vnexpress.net