Hiện trạng và xu hướng phát triển miền núi Việt Nam

 

Lê Trọng Cúc(1)

  Tóm tắt

Miền núi Việt Nam chiếm 3/4 diện tích lãnh thổ với số dân bằng 1/3 dân số cả nước. Trong đó, phần đông các đồng bào dân tộc thiểu số đang phải đương đầu với những khó khăn nghiêm trọng trong quá trình phát triển. Mặc dù chính phủ đã có nhiều chính sách nhằm bảo vệ quyền lợi của các dân tộc, song quá trình phát triển đang rơi vào tình trạng luẩn quẩn, đặc trưng bởi sự nghèo đói, dân số tăng nhanh, môi trường suy thoái, thông tin thị trường nghèo nàn, học vấn thấp, phân hoá xã hội và phụ thuộc kinh tế. Mục đích của tham luận này là sử dụng lý thuyết sinh thái nhân văn để phân tích tương tác giữa các yếu tố trong hệ thống để thấy rõ hiện trạng và xu hướng của quá trình phát triển, đề nghị một số giải pháp nhằm cải thiện phần nào sự nghiêm trọng nói trên. Đồng thời cũng khuyến khích nhiều tranh luận, đặt nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời về các vấn đề phát triển bền vững miền núi.

 Đặt vấn đề

Miền núi Việt Nam cũng như miền núi của nhiều nước khác ở châu á như Nêpal, đông bắc ấn Độ, vùng núi Burma và Thái Lan, Tây Tạng và các vùng núi thuộc tỉnh Vân Nam Trung Quốc, đang ở trong tình trạng khó khăn ngày càng tăng về môi trường, kinh tế và xã hội. Cũng không hẳn chỉ riêng các nước đang phát triển ở châu á mà ngay cả Mỹ, một nước giàu có vào bậc nhất thế giới thì vùng núi rộng lớn Appalachia vẫn còn là điển hình của một nông thôn nghèo đói, mặc dù hơn 30 năm qua là mục tiêu của hàng loạt các dự án phát triển của chính phủ, tiêu tốn hàng tỷ đô la từ các quỹ hỗ trợ phát triển (N.Jamieson, Lê Trọng Cúc, A.T.Rambo, 1998).

Đã từ lâu lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đã giành rất nhiều ưu đãi cho công cuộc phát triển miền núi, luôn luôn chăm lo đến lợi ích của đồng bào các dân tộc thiểu số, không chút lơi là công tác miền núi và dân tộc, mà trái lại ngày càng quan tâm đặc biệt hơn. Điều đó được thể hiện qua hàng loạt các chỉ thị, nghị định đã được ban hành, các chương trình phát triển đã được thực hiện, tài chính đã được đầu tư nhiều tỷ đồng với mục đích tạo mọi điều kiện cho phát triển miền núi, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc đang sinh sống tại đây. Kết quả đạt được cho đến nay không thể là nhỏ bé; hàng đầu là về mặt chính trị, nó đã tạo nên khối đoàn kết toàn dân, sự cố kết dân tộc bền vững làm nền tảng cho mọi thắng lợi. Những thành tựu kinh tế – xuất hiện đều hiện diện ở mọi vùng, với mức độ khác nhau, ảnh hưởng khác nhau (Chu Hữu Quý, 1999). Với những kết quả như vậy chúng ta có nhiều lý do để lạc quan về một xu hướng phát triển ở miền núi.

Tuy nhiên, nhìn lại những gì chúng ta thu được vẫn còn rất xa với những gì cần phải đạt được. Những gì chúng ta có được hôm nay chưa tương xứng với những gì chúng ta bỏ ra! Khó khăn trong công cuộc phát triển miền núi đang chồng chất ở phía trước. Trong tham luận này, bằng những hiểu biết ít ỏi của mình, với lòng thiết tha góp phần nhỏ bé vào việc cải thiện cho một sự phát triển thành công hơn, hiệu quả hơn và bền vững hơn miền núi Việt Nam. Chúng tôi cố gắng phân tích và biện luận một cách ngắn gọn bản chất cũng như nguyên nhân của những khó khăn và sau cùng là đề xuất một số kiến nghị chủ yếu mà theo chúng tôi có thể cải thiện được nhiều lĩnh vực. Chúng tôi cũng mong muốn trong hội thảo này nhận được nhiều ý kiến từ mọi người. Hy vọng tranh luận này không chỉ thu được những câu trả lời cho những giải pháp tốt hơn mà còn gợi ra những câu hỏi mới xác đáng hơn.

 Hệ sinh thái nhân văn miền núi Việt Nam.

Việt Nam có 15 tỉnh miền núi và 25 tỉnh có một số huyện và xã miền núi, với diện tích khoảng 23 triệu hecta, chiếm 3/4 diện tích đất đai trong cả nước. Nằm trong vùng có điều kiện nhiệt đới gió mùa, địa hình phức tạp, núi cao, suối sâu, độ dốc lớn, làm phân hoá môi trường thiên nhiên, tạo nên nguồn tài nguyên đa dạng. Vùng cao là nơi cư trú của hơn 50 nhóm dân tộc có nhiều phong tục tập quán khác nhau, gắn bó với nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng ấy làm thành một hệ thống, trong mối tương tác xã hội – tự nhiên vô cùng phong phú và phức tạp.

Trong mối tương tác giữa các thành phần trong hệ sinh thái – nhân văn vùng núi có thể liệt kê lại thành các yếu tố chính như sau: (1) điều kiện tự nhiên phức tạp; (2) dân cư, dân số đa dạng và tăng nhanh; (3) môi trường suy thoái; (4) cơ sở hạ tầng nghèo nàn; (5) thông tin, thị trường yếu kém; (6) học vấn thấp; (7) nghèo đói; (8) chính sách chưa phù hợp.

Điều kiện tự nhiên

Mặc dù núi non ở Việt Nam không cao lắm (Fan Si Pan, núi cao nhất của Việt Nam, chỉ cao 3.143m, Ngọc Linh 2.598m) nhưng địa hình phần lớn bị chia cắt mạnh, độ dốc lớn, ít đất bằng phẳng để làm lúa nước, buộc nông dân phải làm nương rẫy trên các sườn dốc.

Vùng núi Việt Nam nằm trong điều kiện nhiệt đới mưa mùa, lượng mưa lớn với 1800mm/năm ở miền núi phía Bắc; 3200 đến 3500mm ở A Sầu, A Lưới, Thừa Thiên – Huế, Bảo Lộc, Lâm Đồng. Mưa tập trung vào một thời gian ngắn. Những cơn mưa ác liệt gây nên lũ lụt; nhiều trận lũ quét đã tàn phá tài nguyên thiên nhiên, các công trình xây dựng, đường sá, thuỷ lợi, gây thiệt hại người và của không lường hết được.

Tính đa dạng của các loại đất khá lớn. Đất Faralitic đỏ-vàng là loại đất phổ biến. những diện tích đất rộng lớn, như ở các tỉnh Tây Nguyên, đất mầu mỡ; đặc biệt có 1.358nghìn hình ảnh đất đỏ Bazan rất thích hợp cho các cây công nghiệp như Cao su, Cà phê, Chè, Tiêu… cây nông nghiệp và các cây ăn quả khác, v.v. Tuy nhiên, phần lớn đất miền núi bị phong hoá mạnh, nghèo chất dinh dưỡng, rất dễ bị suy thoái, do xói mòn.

Tính đa dạng của môi trường thiên nhiên tạo nên sự đa dạng các điều kiện sinh thái. Trên các điều kiện  đa dạng sinh thái đó có thể sản xuất ra các loại sản phẩm đa dạng có giá trị kinh tế cao. Đó là những lợi thế. Tuy nhiên, núi cao, suối sâu, địa hình cắt xẻ mạnh là những trở ngị lớn cho việc phát triển thị trường, giao thông, thông tin, tiếp cận với chủ trương chính sách, khoa học kỹ thuật v.v…

Dân cư, dân số

Vùng núi Việt Nam có hơn 50 nhóm dân tộc, phân bố không đều, nhiều vùng có mật độ dân số cao và ngày càng tăng. Có nơi mật độ rất thấp nhưng điều kiện quá khắc nghiệt và mong manh. Sự tăng dâ số ở miền núi đang nhanh và còn tiếp tục nhanh với tốc độ trung bình 3%. Một số nhóm dân tộc cư trú ở vùng sâu, vùng xa vẫn có mức sinh thô xấp xỉ 4% (Khổng Diễn, 1998). Điều đó phần nào do việc thi hành chương trình sinh đẻ có kế hoạch ở vùng cao gặp nhiều khó khăn, giao thông không thuận lợi, trình độ dân trí thấp, chưa nhận thức được hậu quả, cũng như chưa có khả năng tiếp nhận các phương pháp mới, thậm chí những phương pháp tránh thai đơn giản.

Cùng với việc tăng dân số tại chỗ, vùng cao đã và đang tiếp nhận một bộ phận dân cư, hàng triệu người chuyển từ vùng đồng bằng đông đúc lên miền núi để phát triển vùng kinh tế mới, cùng với phong trào di dân tự do những năm gần đây đã đưa tốc độ tăng dân số lên hơn 300%. Một số người từ trước đến nay vẫn còn ảo tưởng rằng vùng cao vẫn còn thưa thớt, nhưng thực tế mật độ dân số trung  bình đã lên đến 75người/km2. Cùng với sự gia tăng dân số, thêm vào đó, sự áp đặt kinh nghiệm canh tác từ vùng đồng bằng vào vùng đất dốc đã làm cho nhiều vấn đề môi trường trở nên trầm trọng hơn. Việc di cư tự do đã tạo nên cạnh tranh về đất đai và đẩy một bộ phận nhân dân lùi sâu vào rừng, do vậy rừng lại tiếp tục bị tàn phá.

Cơ cấu tuổi của đại bộ phận các nhóm dân tộc thiểu số nghiêng nhiều về đám trẻ hơn: 40-50% số dân có độ tuổi dưới 14-15 và tỷ lệ con gái kết hôn trước tuổi 18 ở một số nhóm dân tộc còn chiếm tỷ lệ đáng kể. Do kết hôn sớm, tuổi sinh đẻ kéo dài, nhiều cặp vợ chồng 30-40 tuổi đã có từ 5 con trở lên (Khổng Diễn, 1998). Như vậy chắc chắn tốc độ tăng trưởng vẫn sẽ còn cao trong vài thập kỷ tới, ngay cả khi áp dụng rộng rãi việc kiểm soát sinh đẻ. Vì vậy, tăng dân số là một thức tế khó đảo ngược. Điều đó có nghĩa là dân số miền núi có thể tăng lên gấp đôi mức hiện nay vào năm 2020. Với quy mô dân số cả nước hiện nay 77 triệu người, cơ cấu tuổi dưới 25 là 57% (Phương Anh, Báo Lao động 17/7/1998), thì đó cũng là xu thế chung của cả nước.

Sự suy thoái môi trường

Sự gia tăng dân số, cùng với nạn phá rừng và suy thoái môi trường đã tạo ra một cuộc khủng hoảng thực sự trong nông nghiệp miền núi. Hệ thống nông nghiệp miền núi đang gặp nhiều khó khăn trong sự phát triển bền vững (Đào Thế Tuấn, 1998). Nguồn sống chủ yếu của đồng bào miền núi vẫn là dựa vào rừng, đốt nương làm rẫy. Nương rẫy vẫn là nguồn sống quan trọng của tất cả các dân tộc vùng cao. Theo Đỗ Đình Sâm (1994) thì trong 9 triệu người dân tộc thiểu số có 2.879.685 người thuộc 482.512 hộ sống bằng phương thức canh tác nương rẫy. Hầu như tất cả các nhóm dân tộc ít nhiều đều có canh tác nương rẫy. Năng suất trung bình lúa nương chỉ đạt được 6 đến 8 tạ trên 1 hecta.

Năm 1943 có khoảng 50% diện tích rừng che phủ trong cả nước (Maurand, 1943), hiện nay chỉ còn khoảng 22%. Nhưng nguy hiểm hơn là rừng đầu nguồn như ở miền núi Tây Bắc đã giảm xuống chỉ còn lại chưa tới 10%. Bình quân hàng năm mất đi khoảng 100.000ha rừng. Phần lớn mất rừng là do khai hoang, mở mang diện tích đất nông nghiệp cho người di dân từ miền xuôi lên, đốt nương làm rẫy. Tuy nhiên, các dự án khai thác khoáng sản, các công trình điện và thuỷ điện, hay sự chặt đốn cây của bộ đội làm công sự, làm lán trại và củi đốt cũng có hậu quả rây ra suy thoái môi trường.

Rừng bị tàn phá, nhiều loài động vật mất nơi sinh sống. Vì mất nơi sinh sống mà sự tranh chấp giữa người và thú đã xảy ra ác liệt (trường hợp voi làm chết người ở Bình Thuận). Mấy năm gần đây, vì thiếu kế hoạch hợp lý, hoặc thiếu sự kiểm tra chặt chẽ trong việc khai thác các tài nguyên sinh vật rừng mà nhiều vùng đã dẫn đến sự suy thoái trầm trọng. Các loài động vật như tê giác, hổ, báo, voi, khỉ vượn, vooc; các loài cây như pơmu, trầm hương, gõ đỏ, các loài cây thuốc ngày càng trở nên rất hiếm. Nhiều loài động vật thông thường như tê tê, các loài rùa, rắn, kỳ đà, ếch, ba ba đang được xuất khẩu một cách nhộn nhịp sang Hồng Kông, Thái Lan và nhất là Trung Quốc (Võ Quý 1998). Việc buôn bán động vật phi pháp qua biên giới đã làm cho nhiều loài trở nên khan hiếm và có nguy cơ bị diệt chủng, nguồn gen bị xói mòn trầm trọng.

Nhiều nhà nghiên cứu vẫn cho rằng canh tác nương rẫy vẫn là phương thức có hiệu quả nhất đối với các nước vùng nhiệt đới ẩm. Một đơn vị năng lượng bỏ ra có thể thu được từ 5 đến 15 đơn vị năng lượng sản phẩm (Rappaport, 1871). Một ngày công sản xuất nương rẫy sông Hồng (Nguyễn Quang Hà, 1993). Nhiều tác giả cho rằng khả năng tăng năng suất trong canh tác nương rẫy là thực tế mà không cần xoá bỏ phương thức canh tác truyền thống này và cho rằng sự phát triển nông nghiệp vùng cao có thể lấy hệ canh tác nương rẫy làm khởi điểm và sử dụng khoa học nông nghiệp hiện đại để tăng năng suất cây trồng (Greenland 1975), Revelle 1976, Mtsaers et all 1981, Remakishan 1985a, 1985c). Thực tế canh tác nương rẫy đang được duy trì như một hệ thống nông nghiệp chủ yếu ở vùng nhiệt đới và đóng vai trò quan trọng, bởi vì nó bao trùm một vùng rộng lớn, chứa đựng sự đa dạng về truyền thống, văn hoá và con người.

Tuy nhiên, từ lâu người ta đã nhận ra hình thức nông nghiệp truyền thống này không được duy trì như một hệ thống nông nghiệp chủ yếu ở vùng nhiệt đới và đóng vai trò quan trọng, bởi vì nó bao trùm một vùng rộng lớn, chứa đựng đa dạng về truyền thống, văn hoá và con người.

Tuy nhiên, từ lâu người ta đã nhận ra hình thức nông nghiệp truyền thống này không còn đứng vững được ở phần lớn miền núi Việt Nam. Sự thay đổi không thuận lợi của tỷ lệ người – đất đã buộc phải rút ngắn quá đáng chu kỳ bỏ hoá đến mức các nương trước đây chỉ trồng trong một hai năm rồi để hoang 20 năm, bây giờ được trồng hai, ba năm liền rồi bỏ hoá trong không quá bốn năm. Sự khai thác mạnh mẽ đó đã làm cho sản lượng cây trồng và môi trường đất bị suy giảm liên tục.

Bởi vì vấn đề dân số không phải là vấn đề có thể giải quyết được trong tương lai gần, mà còn có thể trở nên nghiêm trọng hơn trong 20 năm tới. Điều bức xúc là hiện nay chúng ta chưa tìm ra các phương thức lựa chọn nào đúng đắn về kinh tế và bền vững về môi trường cho nền nông nghiệp nương rẫy vùng cao. Đi tìm những lựa chọn, cùng với các kỹ thuật giúp cho việc ổn định các hệ thống nương rẫy vùng cao là một vấn đề ưu tiên hàng đầu đối với sự phát triển bền vững vùng cao. Đáng tiếc là chúng ta có rất ít cơ quan chuyên nghiên cứu vấn đề này, hay cho đến gần đây cũng ít có cơ quan quốc tế nào trong hệ thống tư vấn về nghiên cứu nông nghiệp quốc tế hỗ trợ thể hiện sự cam kết đầy đủ giải quyết các vấn đề canh tác nương rẫy.

Cơ sở hạ tầng

Những điều kiện về tự nhiên khó khăn của miền núi phản ánh trong hệ thống giao thông kém phát triển. Địa hình cao, dốc và bị chia cắt mạnh làm cho việc xây dựng đường sá khó khăn và tốn kém. Việc tắc đường do trượt lở đất là mối đe doạ thường xuyên, nhất là vào mùa mưa. Không phải tất cả các khu vực miền núi đều tới được bằng ô tô. ở Lào Cai chỉ có 56% các xã tới được bằng đường ô tô, còn ở Lai Châu 59% so với trị số trung bình của Miền núi phía bắc là 82,6% (Nguyễn Sinh Cúc 1995:326).

ở những vùng xa hơn của Tây Bắc, xe cộ đi lại rất thưa thớt ngay cả trên các đường liên tỉnh. Với mức vận chuyển giao thông như vậy, hiển nhiên là rất khó sinh lời để trang trải tiền bảo quản, sửa chữa đường sá, chưa nói đến việc hoàn vốn xây dựng. Việc thiếu cơ sở hạ tầng thích hợp đã và đang kìm hãm khả năng hoạt động thương mại ở miền núi, làm cho miền núi luôn ở tình trạng nghèo đói. Để phát triển kinh tế – xã hội ở các khư vực này… cần từng bước phát triển cơ sở hạ tầng gắn với ổn định các khu dân cư, ưu tiên làm đường giao thông đẻ tạo điều kiện phát triển kinh tế hàng hoá… (Nguyễn Công Tạn, 1998). Hy vọng trong tương lai gần, nền quốc phòng, an toàn xã hội và sự hoà nhập quốc gia phải là những lý lẽ biện hộ cho việc phát triển hệ thống đường sá ở những vùng sâu vùng xa.

Tuy nhiên, ở những khu vực khác trong cùng một vùng, tình hình lại khác, phản ánh địa hình thuận lợi hơn và trình độ hoạt động kinh tế cao hơn do ở gần các cửa khẩu trên biên giới với Trung Quốc. Hành lang Lào Cai-Hà Nội được đặc biệt quan tâm để tạo thuận lợi cho các phương tiện vận chuyển. Con sông Hồng chảy qua trung tâm hành lang là một phương tiện chuyên chở hàng cồng kềnh với giá rẻ. Dòng sông Chảy song song với đường sắt dẫn tới biên giới Việt-Trung, tới Côn Minh và song song với đường quốc lộ có thể đi lại thuận tiện trong mọi thời tiết.

Thông tin, Thị trường

Thông tin

Các cơ sở hạ tầng về thông tin, mặc dù còn thô sơ, đã được mở rộng trong những năm gần đây. Việc xây dựng các trạm tiếp sóng vô tuyến truyền hình và tiếp âm đài phát thanh ở các huyện là rất có ý nghĩa, nó phục vụ cho các vùng hẻo lánh trước đây nằm ngoài phạm vi truyền phát của các trạm thu-phát nằm ở trung tâm các tỉnh lỵ. Việc mua sắm radio, vô tuyến truyền hình và các sản phẩm điện tử khác đã trở thành một ưu tiên chính của các hộ vùng cao, gây thêm một sức ép bổ sung lên tài nguyên thiên nhiên để có thể đem bán lấy tiền mặt. Các máy phát điện nhỏ rẻ tiền dùng sức nước được mua từ Trung Quốc dùng để nạp acquy, cho phép sử dụng truyền hình ở ngay những vùng dân cư xa xôi nhất. Việc thiếu những cán bộ khuyến nông thành thạo và thiếu phương tiện chuyên chở họ đến vùng dân cư xa xôi có thể được khắc phục phần nào bởi việc xây dựng chương trình truyền hình khuyến nông, khuyến lâm thích hợp.

Thị trường

Các dân tộc khác nhau của miền núi, mặc dù thường được nói đến trong các tư liệu của Việt Nam là đang cố gắng duy trì một nền kinh tế tự cấp, tự túc. Thực tế, từ nhiều thế kỷ nay họ đã tham gia vào một hệ thống trao đổi phức tạp giữa họ với nhau và với các xã hội lân cận ở miền xuôi. Các sản phẩm rừng phi gỗ là mối quan tâm lớn của người Trung Hoa tới đây từ hàng nghìn năm. Những mối liên hệ buôn bán với Trung Quốc còn đang mở rộng khắp miền núi với các cây, con làm thuốc được chuyên chở đến Côn Minh, thủ phủ của tỉnh Vân Nam để chế biến (Deanna Donovan, ghi chép thực địa).

Có lẽ bởi vì nhiều hàng hoá trao dổi là bất hợp pháp (thuốc phiện, cây thuốc bán sang Trung Quốc), hoặc không nằm trong các hạng mục chuẩn trong việc thu thập số liệu kinh tế (các sản phẩm rừng thứ yếu), cho nên phạm vi mà các dân tộc thiểu số đã dính líu sâu vào mối quan hệ thị trường còn chưa được nhận biết. Đặc biệt là người H’mông, mặc dù người ta vẫn quan niệm họ là dân tộc lạc hậu nhất trong các dân tộc thiểu số miền núi, là dân tộc theo lối sống tự cấp, tự túc cao, trên thực tế đã tiến hành sản xuất hoa màu và trao đổi hàng hoá, như thuốc phiện từ nhiều thế hệ.

Cản trở chính đối với việc mở rộng kinh tế thị trường ở miền núi là sự thiếu vắng các cơ quan, các phương tiện vật tư và các tài nguyên cần thiết để hỗ trợ hoạt động thương mại. Chỉ có 37% các xã có chợ, trong khi con số đó ở các xã của Lai Châu là 11%, ở Sơn La 19%, ở Hoà Bình là 28%, nhưng đạt tới 45% ở yên Bái, 50% ở Tuyên Quang và 56% ở Vĩnh Phú (Nguyễn Sinh Cúc 1995:326-328). mặc dù có chợ nhưng sức mua rất thấp. Những người không cso khả năng sản xuất ra bất kỳ thứ gì để bán hay không thể mang hàng hoá ra chợ sau vụ gặt thì không thể có tiền mặt. Đây là một vòng luẩn quẩn trong đó mọi cố gắng để tăng sản xuất đều gặp khó khăn vì thiếu chợ, nhưng việc phát triển các chợ lại bị hạn chế bởi thiếu sản phẩm để bán. Ngoài việc không có thị trường ổn định hoặc giá cả thu mua còn rẻ không bù đắp được chi phí sản xuất, nên đời sống của nhân dân không được đảm bảo, sản xuất bị đình đốn. Chúng ta đã từng chứng kiến những cảnh đau lòng người dân trồng chè, chặt chè trồng sắn hay những năm thảo quả, hạt rau giống chẳng có người mua!

Như các ví dụ trên đã chỉ rõ, những điều chưa thành công trong sản xuất hàng hoá không phải hoàn toàn là do trạng thái tâm lý tiền-thị trường (permarket) tồn tại dai dẳng trong các dân tộc thiểu số. Trong hoàn cảnh trao đổi ở vùng cao, đó là cách cư xử kinh tế có lý. Trong những hoàn cảnh tương tự, bất kỳ một người nào có lý trí đều cư xử theo cách đó. Việc cải thiện hệ thống thị trường là bức xúc để các nông dân vùng cao có thể phát triển các nguồn thu nhập phụ khác để mua lương thực khi mà ruộng nương của họ đã làm việc quá tải, không còn sản xuất ra đủ để đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của một dân số lớn và đang ngày càng tăng nhanh.

Học vấn

Trình độ học vấn của một vài nhóm dân tộc ở miền núi như Kinh, Tày, Mường khá cao. Các nhóm dân tộc còn lại đang rất thấp chưa đáp ứng được với yêu cầu của sự phát triển, đặc biệt đối với những nhóm ở vùng núi xa xôi, hẻo lánh. Mặc dù nhà nước đã rất quan tâm đến sự nghiệp giáo dục này. Hiện nay, hầu như tỉnh, huyện miền núi nào cũng có các trường nội trú, có đầy đủ điều kiện và phương tiện cho con em các đồng bào dân tộc học tập. Tuy nhiên, các trường học trong thôn bản đang rất nghèo nàn, thiếu thốn. Chương trình học vẫn theo một chương trình chung của Bộ Giáo dục và  Đào tạo, trong khi đó nhiều học sinh của nhiều nhóm dân tộc chưa nói sõi tiếng Việt. Các trường học ở vùng cao chưa cung cấp được cho học sinh những thông tin, kỹ năng phục vụ thiết thực cho cuộc sống hàng ngày của họ. Chưa được học nhiều về phương pháp phân tích, cách giải quyết vấn đề, đặc biệt là những kiến thức để họ có thể đưa ra những giải pháp cụ thể cho những vấn đề cụ thể của địa phương.

Khi so sánh cuộc sống và vị trí của mình trong xã hội với trình độ học vấn thấp kém, những mặc cảm tiêu cực đã xuất hiện và những định kiến về sự lạc hậu, dốt nát đang tồn tại dai dẳng; mà sự định kiến chính nó có thể làm cho con người ta trở thành chính con người mà định kiến đó đặt ra.

Sự nghèo đói

ở một số địa phương miền núi đã có tình hình 10-15% số hộ nông dân nghèo không có ruộng đất canh tác (Nguyễn Thị Hằng, 1998). Có tới 30-40% hộ gia đình vùng cao phía Bắc bị xếp vào loại các hộ nghèo và rất nghèo với mức thu nhập chưa được 50.000đồng/người/tháng và con số này ở các tỉnh Tây nguyên là 56%. Trong lúc đó cả nước có 1.300 xã, 2,6 triệu hộ nghèo chiếm 17,7% tổng số hộ trong cả nước. Tuy vậy, vẫn chưa đủ để diễn tả hết mức độ đói nghèo của miền núi. Nó không chỉ đơn giản là mức thu nhập thấp mà còn là sự thiếu thốn trong việc tiếp cận các dịch vụ như giáo dục, thuốc men. Họ không chỉ thiếu tiền mặt, thiếu những điều kiện tốt hơn cho cuộc sống, mà họ đang trong tình trạng đe doạ bị mất những phẩm chất quý giá: đó là lòng tin và tính tự trọng.

Những nguyên nhân liên quan đến sự nghèo đói được biểu hiện dưới nhiều dạng, bao gồm sự biệt lập về mặt địa lý, ngôn ngữ, không có lợi thế tiếp nhận thông tin, thiếu vốn, bệnh tật, có quá nhiều con cái, không có lao động, thiếu sự tham gia năng động, sử dụng không hợp lý tài nguyên thiên nhiên. Đối với những nhóm người này kinh tế gia đình nghèo nàn đến mức sự can thiệp của tín dụng trở thành nguy cơ chứ không phải là cơ may (H.M.Grady 1998).

Tuy nhiên, tình trạng nghèo đói này không phải là hoàn toàn như nhau. Một số tỉnh giáp danh với các thành phố lớn, có hệ thống giao thông tốt hơn, dịch vụ tốt hơn thì có thu nhập cao hơn các vùng khác.

Chính sách và các chương trình hỗ trợ

Đây là yếu tố vô cùng quan trọng đối với sự phát triển thành công của miền núi. Như đã đề cập ở trên, chính phủ Việt Nam đã có rất nhiều chính sách và chương trình hỗ trợ miền núi. Nhưng cho đến nay những kết quả là những gì chúng ta thu được thường không như những gì chúng ta mong đợi. Ngày nay, hầu như các nhà quan sát của Việt Nam cũng như nước ngoài, đều nhận xét về sự chậm trễ trong việc tìm ra một chiến lược phát triển phù hợp và các mẫu được gọt giũa riêng để thích ứng với các điều kiện đặc biệt của miền núi là lý do chính tại sao nhiều chương trình phát triển không đạt được các mục tiêu đã đặt ra. Như năm 1991 khi giải thích về thời kỳ kinh tế ngừng trệ kéo dài ở miền núi trước khi có chính sách đổi mới, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã chỉ rõ: Thời gian qua kinh tế phát triển chậm đã ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, có nguyên nhân khách quan là nhiều nơi bị thiên tai dịch hoạ, cơ sở vật chất yếu kém, điều kiện giao thông vận tải khó khăn, trình độ kỹ thuật và tay nghề lao động còn thấp… Nhưng chủ yếu do chúng ta chưa có nhận thức và có quan điểm đúng về vai trò, vị trí và tiềm năng to lớn về nhiều mặt của miền núi, chậm đề ra chiến lược phát triển kinh tế – xã hội. (Báo Nhân dân, số ra ngày 14/11/1991).

Như vậy, các nhà làm chính sách đã không hiểu một cách đúng đắn các điều kiện đặc thù của vùng cao, trong khi đó bản thân các điều kiện khách quan ấy đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong quyết định thành công hay thất bại của các dự án phát triển. Đáng tiếc trong những năm sau, nhận thứ của các nhà làm chính sách về miền núi vẫn chưa chú ý đúng mức đến các đặc điểm riêng cũng như các khó khăn của miền núi. Hiện còn có xu hướng cố áp dụng những chính sách phát triển quốc gia đồng đều vào miền núi và còn đi tìm những giải pháp toàn diện đơn độc, những “thần dược” cho mọi vấn đề phát triển. Nhiều nhân tố đã góp phần vào tính không khả thi trong việc hoạch định các chính sách phù hợp cho sự phát triển miền núi. Đó là khuynh hướng nghiêng về quy hoạch ở  trung ương trước đây, loại trừ các kiến thức địa phương, không chú ý đúng mức đến tính đa dạng cao của các điều kiện đặc trưng cho từng vùng của miền núi.

Đi kèm với khuynh hướng kế hoạch hoá tập trung trước đây là xu hướng xem nhẹ kiến thức địa phương. Đây là một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng đối với miền núi, bởi vì các nhà làm chính sách phát triển thường có ít kinh nghiệm sống thực tế ở miền núi, và đã không đề ra được những chính sách phù hợp. Miền núi là một bức khảm phức tạp về sinh thái nhân văn. Bất kỳ một tiểu vùng, một tỉnh, một làng xã, và thậm chí một cánh đồng đều có cái gì đó khác với các nơi khác. Trong những điều kiện của tính đa dạng cao như vậy, không thể có một kế hoạch phát triển nào có thể áp dụng được một cách rộng rãi và không thể có một mô hình đơn lẻ nào tỏ ra thành công cho mọi nơi. Kiến thức và sự hiểu biết có không đủ để đáp ứng nhiệm vụ thiết kế những mô hình đó. Và bởi vì mọi thứ ở đó đang thay đổi với tốc độ ngày càng tăng, sẽ không bao giờ có một cơ sở thông tin thoả đáng cho phép quy hoạch phát triển theo kiểu kế hoạch hoá tập trung có thể thành công. Do đó, nên chăng là thay vào việc cố gắng soạn thảo một mô hình duy nhất, các nhà làm quy hoạch phát triển phải quan tâm đến việc xây dựng cơ chế khuyến khích và giúp đỡ nhân dân vùng cao tự vạch ra chiến lược phát triển thích hợp ở địa phương của họ. Nếu thành công, cách làm đó sẽ không là một mà là rất nhiều mô hình, mỗi mô hình phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng của các hệ thống sinh thái và xã hội của địa phương sinh ra mô hình đó.

Vấn đề khó khăn nhất là làm thế nào để chuyển tải được những ý tưởng “phát triển nông thôn có sự tham gia của nôgn dân” hoặc “các quá trình quy hoạch phi tập trung hoá” sang các cơ quan có thể thực thi trên thực tế. Việc sáng tạo ra những tổ chức và quá trình mới đúng đắn cho việc quy hoạch phát triển thường bao giờ cũng gặp một vài rắc rối. Một chiến lược như thế phải bắt đầu bằng việc đánh giá một cách hiện thực tiềm năng phát triển thực sự của miền núi.

 Thảo luận

 Những cuộc thảo luận đang diễn ra hiện nay về công cuộc phát triển miền núi phần lớn tập trung vào việc mô tả những vấn đề hiện tại chứ ít đi sâu vào phân tích các quá trình nguyên nhân đưa đến tốc độ và phương hướng của sự phát triển đó. Trọng tâm thảo luận mới chỉ tập trung vào các vấn đề mang tính  chuyên ngành, cục bộ và các giải pháp cũng mang tính chuyên ngành. Giải pháp cho việc phá rừng là phát động các chiến dịch trồng cây, hay giải pháp cho xoá đói giảm nghèo mới chỉ dừng lại ở việc thành lập các chương trình tín dụng, giải pháp cho vấn đề dân số là giảm tỷ lệ tăng. Tất nhiên, các vấn đề mang tính chuyên ngành là quan trọng, nhưng đó chỉ mới là triệu chứng của các nguyên nhân. Quan trọng hơn chính là sự tác động qua lại giữa các thành phần để tạo nên hệ thống phản hồi (tích cực). Trong hệ thống này sự xấu đi của yếu tố này kéo theo sự xấu đi của yếu tố khác. Một tập hợp các yếu tố khách quan như điều kiện tự nhiên khó khăn, dân cư đa dạng, dân số tăng, cơ sở hạ tầng, thông tin, thị trường yếu kém, môi trường suy thoái, trình độ học vấn thấp, chính sách chưa phù hợp tác động với nhau và tự khuyếch đại làm thành cái gọi là “vòng xoáy trôn ốc đi xuống”. Chính là hệ thống này chứ không phải bất kỳ yếu tố cục bộ đơn lẻ nào khác đã quyết định bản chất của những khó khăn ở miền núi (N.Jamieson, Lê Trọng Cúc, A.T.Rambo 1999).

Về nhận thức, theo quan điểm chung hiện nay người ta thường cho rằng sự chậm tiến của miền núi cũng như không đảm bảo việc phát triển theo kế hoạch nhà nước là do người dân miền núi văn hoá lạc hậu, mê tín dị đoan và bảo thủ, ít có khả năng phát triển bởi vì trí tuệ họ thấp kém, tuy điều đó ít khi được nói thẳng ra, nhưng nó tồn tại trong tiềm thức của nhiều người. Với cách nhìn đó, người ra cho rằng, việc từ bỏ các tập quán truyền thống là đương nhiên hợp với đạo lý. Thông điệp này dường như xuyên suốt một cách công khai trong khi xây dựng và thực hiện các công trình nhà nước cũng như các dự án hỗ trợ của nước ngoài.

Trong thế giới qua này cho rằng một vài nhóm tiến nhanh hơn các nhóm khác trên con đường tiến hoá. Việc tiến lên trên thang tiến hoá tương đương với sự “tiến bộ”. Các nhóm bị đánh giá là đang ở mức độ thấp hơn của sự tiến hoá bị coi là “lạc hậu”. Do đó, tiến hoá được xem như là hành động có kế hoạch để tiến lên trên con đường đã được định sẵn. Những người tiến hoá chậm là “lạc hậu” và phải đuổi theo những người đã tiến hoá hơn.

Văn hoá của những cộng đồng thiểu số bị đánh giá là “lạc hậu” và những nhóm đã tiến hoá hơn (như người Kinh) có quyền và có trách nhiệm chuyển hoá họ cho phù hợp với trật tự tự nhiên của sự tiến hoá ở giai đoạn cao hơn.

Những thành phần của văn hoá thiểu số bị coi là “lạc hậu” (như du canh) hay hệ mẫu hệ hoặc mê tín (như tín ngưỡng tôn giáo tin vào thuyết thần linh) sẽ bị loại ra như những vật cản của sự tiến bộ. Nhưng vì việc xác định đâu là lạc hậu, đâu là mê tín lại xuất phát từ ưu thế của những người tự coi mình là “tiến bộ hơn” và “có nhận thức hơn”, nên thay đổi văn hoá đã bị áp đặt trong các nhóm thiểu số từ trên xuống theo tiêu chuẩn và nhận thức của miền xuôi. Thành viên của các nhóm văn hoá thiểu số chỉ giữ vai trò thụ động trong quá trình này. Họ chỉ là đối tượng chứ không phải là chủ thể của sự phát triển.

Cái thế giới quan này thậm chí ngay trong những chi tiết cụ thể của nó về phân loại và tính toán sử dụng con người và cảnh quan là không thực tế. Những nền tảng của thế giới quan này là lý tưởng văn hoá và theo chủ nghĩa lấy dân tộc mình làm trung tâm. Sự phản hồi thụ động được coi là không ổn định khuynh hướng từ trên xuống dưới trong dòng thông tin đã nhấn mạnh việc phát huy các cấp độ thấp hoạt động theo kế hoạch từ cấp trên chuyển xuống.

Quan niệm cho rằng dân tộc này có nền văn hoá lạc hậu hơn, hay tiến bộ hơn dân tộc kia là làm lu mờ bản chất thích ứng của văn hoá. Họ đã không thấy được rằng văn hoá của một tập đoàn người nào đó chính là sự thích ứng với những điều kiện xã hội và sinh thái đặc thù. Là cả một quá trình tích luỹ qua kinh nghiệm to lớn nhờ tiếp xúc chặt chẽ với tự nhiên, dưới áp lực chọn lọc trong quá trình tiến hoá của sinh quyển. Mọi nền văn hoá đều là tổng thể của các bp ít nhiều được hoà nhập. Các bộ phận phải cùng thích ứng với nhau để làm thành một chính thể hoà nhập.

Tri thức địa phương hay còn gọi là tri thức bản địa của các cộng đồng dân bản được hình thành trong quá trình lịch sử lâu dài, qua kinh nghiệm ứng xử với môi trường và xã hội, đã được hình thành dưới nhiều dạng thức khác nhau, được truyền từ đời này qua đời khác qua trí nhớ, qua thực tiễn sản xuất và thực hành xã hội. Nó hướng đến việc hướng dẫn và điều hoà các quan hệ xã hội, quan hệ giữa con người và thiên nhiên.

Tri thức địa phương là nguồn tài nguyên quốc gia quan trọng, có thể giúp ích rất nhiều cho quá trình phát triển theo những phương sách ít tốn kém nhất, có sự tham gia của người dân và đạt được sự bền vững (Vanek 1989, Hanen và Ebaugh 1987).

Các dự án phát triển trên cơ sở tri thức địa phương sẽ lôi kéo được nhiều người dân tham gia, vì nó hợp với lòng dân. Chính đó là cơ sở của sự thành công. Loại kiến thức này co ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với các nhà khoa học và các nhà lập kế hoạch. Nó có thể được xem xét và so sánh với hệ thống kiến thức quốc tế, từ đó xác định những khía cạnh bổ ích của hệ thống, cũng như các khía cạnh còn có thể cải tiến thông qua các kỹ thụât, công nghệ dựa trên cơ sở khoa học hiện đại.

Gần đây Viện nghiên cứu Văn hoá Dân gian và Sở Văn hoá Thông tin Đắc Lắc đã phối hợp sưu tầm, dịch và in ra luật tục (tập quán pháp) của người Ê Đê và người M’nông ở tỉnh Đắc Lắc. Trung tâm Nghiên cứu Sinh thái Rừng và Môi trường sưu tầm và nghiên cứu “Kiến thức bản địa” (Hoàng Xuân Tý, Lê Trọng Cúc 1998). Trung tâm Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Trung tâm Đông – Tây Mỹ điều tra nghiên cứu nương rẫy kết hợp của người Tày ở Đà Bắc (Lê Trọng Cúc, A.T.Rambo 1997). Đó là những hoạt động bước đầu trong việc tìm hiểu văn hoá truyền thống và kiến thức bản địa.

Rõ ràng, kiến thức bản địa hay tri thức địa phương đóng vai trò rất quan trọng trong việc xác định các vấn đề, các hạn chế ảnh hưởng đến việc quản lý hệ sinh thái. Nó cũng có giá trị như một nguồn thông tin có xu hướng lâu dài cũng như những sự cố bất thường.

Văn hoá và tri thức địa phương chính là sức mạnh nội lực của nhân dân ta, của đất nước ta nó cần phải được trân trọng và phát huy và là cơ sở của sự thành công trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Khi nhận thức được bản chất văn hoá của dân tộc, hiểu được giá trị của tri thức địa phương, thì con người nghiễm nhiên là chủ thể chứ không còn là đối tượng đơn thuần của sự phát triển. Con người của địa phương đó phải được trao quyền và họ phải là người quyết định mọi việc.

Kiến nghị

Đưa ra kiến nghị là việc làm rất khó, đặc biệt đối với miền núi nơi mà sự đa dạng về môi trường và xã hội đang cản trở việc áp dụng các giải pháp đơn giản và đồng loạt. Thực vậy, khó có thể có những hành động đơn chiếc nhằm vào các triệu chứng đơn chiếc lại có thể ngăn chặn được một cách hiệu quả xu hướng phát triển đang đi xuống của toàn hệ thống. Không có một “Viên đạn thần kỳ” nào có thể làm được một cuộc cách mạng trong quá trình phát triển này.

Do đó, các kiến nghị của chúng tôi tập trung vào việc nâng cao nhận thức về bản chất của tiến trình phát triển miền núi và phát triển nguồn nhân lực cần thiếtt để đối phó với những khó khăn. Chúng tôi chưa sẵn sàng đưa ra kiến nghị cho một chiến lược phát triển cụ thể, mặc dù thế, chúng tôi cũng đề nghị một chiến lược chung, nghĩ là cần được áp dụng:

1. Thay đổi cơ cu nhận thức (thế giới quan) là vấn đề cốt yếu. Một chương trình dài hạn và tập trung vào các lĩnh vực nghiên cứu, giáo dục, đào tạo và phổ biến thông tin là yếu tố chủ chốt trong việc giải quyết các nguyên nhân của các khó khăn. Đây đòi hỏi một sự cố gắng cao độ và lâu dài. Cơ sở của sự cố gắng này là để kiểm nghiệm một loạt các giả thiết trước đây chưa được kiểm tra và để phát hiện ra các nguyên nhân của các khó khăn. Việt Nam may mắn có được đội ngũ các nhà khoa học giỏi, song do nhiều năm thiếu tài trợ và ít được tiếp xúc với giới khoa học bên ngoài, ít có điều kiện nghiên cứu thực địa dài hạn để giải quyết các vấn đề phát triển miền núi. Hợp tác với các nhà khoa học nước ngoài d dể chia sẻ những kinh nghiệm sẵn có học được trong khi phải đối phó với những vấn đề tương tự trên thế giới.

2. Đối thoại về các vấn đề phát triển miền núi cần phải được phát huy và mở rộng. Các kết quả nghiên cứu phải được thảo luận rộng rãi trong các cuộc đối thoại cởi mở ở cả mức độ cộng đồng và cá nhân. Đưa ra các giả thuyết, đặt câu hỏi nghi vấn về tính hợp lệ và lợi ích của những phạm trù đang tồn tại, chống lại những định kiến và khuôn mẫu là phương pháp cần được thực hiện.

3. Cần triển khai hệ thống mới về quản lý tài nguyên thiên nhiên. Miền núi không thể phát triển hợp lý và bền vững bằng những chương trình mang tính cục bộ chỉ hoàn toàn tập trung vào chuyển giao công nghệ trọn gói mà phải học cách làm thế nào để giúp đỡ người dân thích nghi được với sự biến đổi môi trường nhanh chóng và phức tạp. Cần phải nuôi dưỡng và phát triển hệ thống quản lý địa phương tìm cách cho nó ăn khớp với hệ thống quản lý quốc gia. Các luật tục của các tộc người phải kết hợp được với các luật của nhà nước. Bên cạnh các hoạt động trên, một vấn đề rất quan trọng như là một phần của tiến trình phát triển  lâu dài, đó là việc làm đa dạng kinh tế miền núi với mọi biện pháp có thể.

4. Nguồn lực con người ở miền núi phải được phát triển và trao quyền. Bất cứ sự biến đổi thành công nào cũng phải phụ thộc vào các nguồn lực con người. Nhưng hiện nay nguồn con người lại đang bị rơi vào tình trạng thiếu rất nhiều so với yêu cầu, mặc dù chính phủ đã đầu tư đáng  kể và cố gắng rất lớn của các cá nhân. Hệ thống giáo dục còn yếu cả về số lượng lẫn chất lượng. Phương pháp giảng dạy, các hoạt động chính khoá và ngoại khoá đều phải được nghiên cứu cẩn thận. Hàng ngũ giáo viên và sinh viên cần được có cơ hội tham gia vào các hoạt động đem lại kỹ năng và thông tin thích ứng cho cuộc sống miền núi.

 Tài liệu tham khảo

 1. Chu Hữu Quý, 1995. Overview of highland development in Vietnam: General characteristics, socioeconomic situation, and development challenges. In A.T.Rambo, R.R.Reed, Le Trong Cuc, and M.R.DiGregorio (eds), The Challenges of Highland Developmentin Vietnam. Honolulu: East-West Center:3-19.

2. Chu Hữu Quý, 1999 Mấy điều nhận định và bàn luận về phát triển kinh tế – xã hội miền núi ở nước ta hiện nay. Báo cáo khoa học Hội thảo phát triển bền vững miền núi Việt Nam. Hà Nội,3-5/8/99.

3. Do Dinh Sam, 1994 Shifting Cultivation in Vietnam: its social, economic and environmental values relative to alternative land use. IIED Forestry and Land Use Seres No.3.

4. Greenland, D.J., 1975  Bringing the Green Revolution to the Shifting Cultivatore. Science 190;841-844.

5. Jamieson, Neil L.1991. Culture and Development in Vietnam. Honolulu: East-West Center Indochina Initiative Working Paper No.1.

6. Jamieson, N., 1996. Tư duy hệ thống và nhiệm vụ quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Hội thảo Sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên vào bảo vệ môi trường vùng Bình Trị-Thiên, Huế 25-29/3/1996. Nhà xuất bản Nông nghiệp.

7. Jamieson N., Le Trong Cuc, A.T.Rambo. 1998 Những khó khăn trong công cuộc phát triển miền núi Việt Nam, 1999. Trung tâm Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội.

8. Khổng Diễn. 1995. Dan số và dân số tộc người ở Việt Nam. (Population and ethnic population in Vietnam). Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học xã hội. Maurand P., 1943. L’Indochina Foresteres, Hanoi.

9. Ngô Đức Thịnh. 1993. Văn hoá vùng và phân vùng văn hoá ở Việt Nam (Culture areas and delimitation  of culture areas in Vietnam). Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học xã hội.

10. Nguyễn Quang Hà. 1993. Renovation of Stretagies for Forestry Development until the year  2000. Hnoi, Jhum cultivation – Prospects for Developing Countries. Science Technology and Development, (ICSU-COSTED) 9:1-3.

11. Nguyễn Sinh Cúc. 1995. Nông nghiệp Việt Nam (1945-1995) (Agriculture of Vietnam, 1945-1995). Hà Nội: Nhà xuất bản Thống kê.

12. Remakerishnan, P.S., 1985c Tribe in the Humid Tropics of the Northeast Man nin India 65.

13. Revelle, R., 1976 Energy Use in Rural India. Science 192:969-975.

14. Spenser, J.E. 1966 Shifting Cultivation in Southeastern Asia: Vol.19. Publications in Geography. University of California.

15. Võ Quý, 1999. Để cuộc sống và môi trường của nhân dân miền núi được bền vững. Báo cáo khoa học. Hội thảo phát triển bền vững miền núi Việt Nam. Hà Nội, 3-5/8/99.


(1) Nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội