Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu đề xuất tại dự thảo Nghị định chi tiết Luật Bảo vệ môi trường, trình Bộ Tư pháp ngày 23/9.
Động thái này được Bộ Tài nguyên và Môi trường lý giải để hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Bộ này cũng đề xuất lùi thời gian đối với các doanh nghiệp phải hoàn thành lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục đến hết ngày 31/12/2024.
Đối với các trường hợp đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục thì được miễn thực hiện quan trắc định kỳ cho đến hết năm 2024. Từ năm 2025, cơ sở đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục với các thông số ô nhiễm đặc trưng của nguồn thải thì được miễn thực hiện quan trắc chất thải định kỳ.
Các cơ sở có phát sinh bụi, khí thải với lưu lượng mỗi giờ từ 50.000 m3 đến 100.000 m3 nếu thực hiện lắp đặt hệ thống quan trắc, tự động liên tục thì được miễn thực hiện quan trắc định kỳ.
Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết đã không quy định mức xả thải càng lớn thì phải thực hiện tần suất quan trắc định kỳ càng nhiều (6 hoặc 12 lần mỗi năm). Thay vào đó, quy định tần suất quan trắc thực hiện như quy định hiện hành nhưng chỉ áp dụng đối với nguồn nước thải có lưu lượng xả thải lớn.
“Đối với các dự án thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường trong ba năm liên tiếp với kết quả quan trắc chất thải đạt quy chuẩn và kết quả thanh tra, kiểm tra không vi phạm hành vi xả thải vượt quy chuẩn thì được miễn thực hiện quan trắc định kỳ trong thời hạn của giấy phép môi trường”, Bộ Tài nguyên và Môi trường thông tin.
Ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng việc miễn quan trắc định kỳ mà ưu tiên quan trắc tự động liên tục là dấu hiệu của việc buông lỏng quản lý và gây tốn kém cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo ông Tùng hiện chưa có thiết bị nào quan trắc liên tục có thể đưa ra các kết quả theo quy chuẩn dẫn tới nếu áp dụng việc này khiến cơ quan nhà nước thiếu dữ liệu quản lý, đồng thời các doanh nghiệp phải đầu tư thêm một khoản không nhỏ để lắp đặt máy móc. Các doanh nghiệp có thể dùng thiết bị rẻ tiền, kém chất lượng để lách luật.
“Vẫn nên duy trì việc quan trắc định kỳ để làm cơ sở quản lý, xử phạt những đơn vị vi phạm. Tuy nhiên thay vì quan trắc tất cả thông số thì chỉ nên quan trắc một số thông số mà ngành nghề có nguy cơ thải ra”, ông Tùng nói thêm.
Dự thảo Nghị định Luật Bảo vệ môi trường đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi Bộ Tư pháp thẩm định. Dự kiến, tháng 9/2021 Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ trình Chính phủ thông qua, đến tháng 1/2022 bắt đầu có hiệu lực.