Đề xuất đưa tín chỉ carbon trong nông nghiệp lên sàn giao dịch


Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam, Việt Nam có tiềm năng lớn về tín chỉ carbon từ mô hình trồng lúa giảm phát thải, tuy nhiên, dự thảo Nghị định quy định về sàn giao dịch tín chỉ carbon trong nước chưa có quy định ưu tiên rõ ràng cho các lĩnh vực này.

Bộ Tài chính vừa có văn bản giải trình, tiếp thu các ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định quy định về sàn giao dịch tín chỉ carbon trong nước.

Nhiều hiệp hội doanh nghiệp đề xuất mở rộng các loại hàng hóa được giao dịch, đặc biệt là tín chỉ từ lĩnh vực nông, lâm nghiệp và các tiêu chuẩn quốc tế.

Đề xuất đưa tín chỉ carbon từ nông nghiệp và chuẩn quốc tế lên sàn

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Việt Nam có tiềm năng lớn về tín chỉ carbon từ lĩnh vực lâm nghiệp và nông nghiệp carbon thấp, ví dụ như mô hình trồng lúa giảm phát thải. Tuy nhiên, dự thảo hiện chưa có quy định ưu tiên rõ ràng cho các lĩnh vực này.

Do đó, EuroCham đề nghị bổ sung quy định: “Ưu tiên đưa vào giao dịch các tín chỉ carbon thu được từ các chương trình, dự án trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và phát triển nông thôn”.

Đồng thời, hiệp hội cũng đề xuất ưu tiên các tín chỉ carbon từ dự án thúc đẩy kinh tế tuần hoàn như năng lượng tái tạo, xử lý nước và chất thải bền vững.

Tương tự, Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) và Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cùng đề xuất đưa các loại tín chỉ carbon theo tiêu chuẩn quốc tế phổ biến như REDD+, Verra, Gold Standard, GCC…vào giao dịch trên sàn.

VBMA nhấn mạnh, nhiều nhà phát triển dự án tại Việt Nam đang tuân thủ các tiêu chuẩn này. Nếu các tín chỉ trên không được giao dịch chính thức, VBMA đề nghị làm rõ liệu chúng có được tiếp tục giao dịch trên thị trường phi tập trung (OTC) hay không, nhằm tránh gây đình trệ cho thị trường hiện hữu.

Bên cạnh đó, VBF bày tỏ lo ngại khi dự thảo chưa quy định chi tiết về tiêu chuẩn và quy trình xác nhận tín chỉ carbon, có thể dẫn đến rủi ro về chất lượng và gian lận.

VBF khuyến nghị tín chỉ carbon phải được một bên thứ ba uy tín xác nhận theo tiêu chuẩn quốc tế, và quy trình công nhận cần minh bạch thông qua hệ thống đăng ký quốc gia.

Cùng góp ý, Trường Kinh tế và Quản lý công – Đại học Kinh tế quốc dân đề xuất dự thảo cần quy định rõ về cách phân loại, mã hóa tín chỉ carbon và bổ sung quy trình xử lý khi tín chỉ mất giá trị hoặc bị hủy.

tín chỉ carbon
Cánh đồng lúa vùng Bảy Núi-An Giang. Ảnh: Dương Việt Anh-Thanh Tiến, Báo An Giang online.

Phản hồi của Bộ Tài chính

Trả lời các đề xuất trên, Bộ Tài chính cho biết hàng hóa trên sàn (gồm hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon) đã được quy định tại các Nghị định trước đó của Chính phủ. Do vậy, dự thảo Nghị định này chỉ tham chiếu đến các quy định đã có.

Vì vậy, kiến nghị về việc bổ sung các loại tín chỉ mới như từ nông, lâm nghiệp không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này. Thẩm quyền nghiên cứu và báo cáo về vấn đề này thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Đối với đề xuất đưa các tín chỉ tự nguyện theo chuẩn quốc tế (REDD+, Verra, Gold Standard…) lên sàn, Bộ Tài chính cũng khẳng định nội dung này không thuộc phạm vi của dự thảo. Việc quản lý và cho phép trao đổi các loại tín chỉ carbon này thuộc thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Ngoài ra, Bộ Tài chính thông tin thêm, dự thảo đã quy định Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ thực hiện cấp mã trong nước cho hạn ngạch phát thải và tín chỉ carbon trên hệ thống đăng ký quốc gia.

Danh sách mã này sẽ được gửi cho Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam và Sở Giao dịch Chứng khoán để hoàn tất việc cấp mã, đảm bảo tính thống nhất trong các nghiệp vụ.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường quy định chi tiết hoạt động đăng ký, cấp mã trong nước, hủy đăng ký hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon.