Thị trường carbon: Thương mại và chủ quyền

Việt Nam sẽ chính thức vận hành thị trường carbon từ 2029, theo dự thảo Đề án Thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam.

Việt Nam sẽ chính thức vận hành thị trường carbon từ 2029, theo dự thảo Đề án Thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam (Đề án). Việc hoàn thiện chính sách về phản ứng trong chính sách tài chính công giúp thích ứng với biến đổi khí hậu nói chung và thị trường carbon trong giai đoạn vận hành thí điểm (2025-2028) nói riêng là vô cùng quan trọng.

Kinh nghiệm của các quốc gia

Việt Nam là một trong những quốc gia rất dễ bị tổn thương trên thế giới, đứng thứ 13 trong số 180 quốc gia theo Chỉ số Rủi ro Khí hậu Toàn cầu của Germanwatch (CRI) trong giai đoạn 2000-2019, theo ADB &WB. Ứng phó với thách thức này, TS Lê Thị Thùy Vân – Viện phó Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, Việt Nam đã và đang xây dựng các chính sách tài chính trên nhiều bình diện từ chi NSNN, ưu đãi thuế và phí, phát triển thị trường trái phiếu xanh, bảo hiểm, tín dụng và phát triển thị trường carbon.

Trong đó, phát triển thị trường carbon theo Đề án, sẽ góp phần thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, tạo dòng tài chính mới cho hoạt động cắt giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển công nghệ phát thải thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam ở trong nước và trên thị trường thế giới, phát triển nền kinh tế carbon thấp và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Cũng theo định hướng, thị trường carbon trong nước dự kiến xây dựng là thị trường có 2 loại hàng hóa gồm hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon thu được từ cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế. Các chủ thể tham gia thị trường gồm 03 nhóm đối tượng: (i) Các cơ sở thuộc danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính do Thủ tướng Chính phủ ban hành; (ii) Các Tổ chức tham gia thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước, quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế Việt Nam là thành viên; (iii) Tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon trên thị trường.

Mặc dù dự thảo Đề án đã nêu các lộ trình cụ thể của đề án từ thí điểm thị trường đến phát triển chính thức, và thực tế thị trường cũng đã có sự vận hành mua bán tín chỉ carbon, song theo PGS TS Phạm Khánh Nam – Hiệu trưởng Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước CELG – Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Đề án vẫn mới “Chỉ tập trung vào cơ cấu chung, chưa xác định hướng xây dựng thị trường hiệu quả và bền vững”.

Thực tế, một số quốc gia đã ứng phó để có định hướng xây dựng thị trường với:

Indonesia thực hiện phát triển hệ thống đăng ký quốc gia cho các dự án carbon, đảm bảo tính minh bạch; Thực hiện tuân thủ dự án bằng cách đình chỉ các dự án không đạt tiêu chuẩn; Tập trung vào thị trường nội địa để ngăn chặn xuất khẩu tín chỉ carbon quá mức.

Gabon sử dụng hệ thống REDD+ với kiểm chứng nghiêm ngặt về phát thải; Phân chia doanh thu từ tín chỉ carbon để hỗ trợ cộng đồng địa phương và bảo tồn.

Ấn Độ cấm xuất khẩu tín chỉ carbon nhằm củng cố các mục tiêu khí hậu trong nước; Khuyến khích sử dụng tín chỉ nội địa để hỗ trợ Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC)…

PGS TS Phạm Khánh Nam dẫn cứ liệu và khẳng định: Chủ quyền carbon là hướng tiếp cận chủ đạo để xây dựng thị trường carbon nhằm tối ưu hóa cơ hội kinh tế từ giao dịch carbon, bảo vệ lợi ích quốc gia trong các đàm phán quốc tế, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong dài hạn.

Phát triển thị trường carbon với các tín chỉ carbon được xem như hàng hóa giao dịch là một trong những giải pháp thuộc chính sách tài chính quốc gia nhằm thực hiện mục tiêu Net Zero. (Ảnh minh họa)

Kiến nghị từ thực tế

Chủ quyền carbon được hiểu là quyền của quốc gia trong việc kiểm soát, quản lý và quyết định việc sử dụng, bán hoặc giao dịch tín chỉ carbon từ các dự án giảm phát thải. Quyền được xác lập đảm bảo: Quyền sở hữu quốc gia: Lượng giảm phát thải từ các dự án trong nước được tính vào cam kết quốc gia (NDC); Quyền thương mại: Cho phép giao dịch tín chỉ trên thị trường quốc tế.

Tiếp cận từ góc độ quyền sở hữu quốc gia, theo ông Phạm Khánh Nam, sẽ giúp giảm thiểu các rủi ro gồm có: Tài sản carbon bị sử dụng mà không tính vào NDC của Việt Nam; Ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng đạt mục tiêu giảm phát thải; Giảm giá trị tín chỉ carbon trên thị trường; Đảm bảo tín chỉ carbon mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương và hỗ trợ các mục tiêu phát triển bền vững.

Từ góc độ đó, chuyên gia kiến nghị, đối với chính sách, các nền tảng chính của tiếp cận chủ quyền carbon cần được bổ sung tiếp cận chủ quyền carbon vào Đề án Phát triển thị trường carbon Việt Nam. Trong đó cụ thể với thị trường hạn ngạch bắt buộc: Đảm bảo kiểm soát giảm phát thải; với thị trường tín chỉ tự nguyện có kiểm soát với các nguyên tắc: Tín chỉ carbon được cơ quan có thẩm quyền ghi nhận và đăng ký; Tín chỉ carbon được xác minh và chứng nhận ở mức tiêu chuẩn cao nhất. Tín chỉ carbon được giao dịch xuyên biên giới và tuân thủ cam kết quốc gia trong Hiệp định Paris; Tín chỉ carbon được giao dịch trên các sàn giao dịch kết nối và an toàn.

Song song đó, việc số hóa hệ thống MRV (đo lường, báo cáo, xác minh) quốc gia và tín chỉ carbon sẽ góp phần Nâng cao tính minh bạch và hiệu quả của Đề án trong quá trình thí điểm đến hoàn thiện và chính thức vận hành.

Lê Mỹ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *