Phạm Ngọc Dũng *
Là một huyện vùng cao của tỉnh Hòa Bình, Đà Bắc có diện tích tự nhiên 836,68 km2; phía bắc giáp tỉnh Phú Thọ, phía nam giáp huyện Mai Châu và huyện Tân Lạc, phía đông giáp thị xã Hòa Bình và huyện Kỳ Sơn. Toàn huyện có 21 xã, thị trấn; số dân trên 50 vạn người, với 5 dân tộc cùng sinh sống xen cư với nhau, gồm dân tộc Tày (41,49%), dân tộc Mường (35%), dân tộc Dao (12,44%), dân tộc Kinh (10%) và dân tộc Thái (0,065%).
1 – Dưới tác động của cơ chế và chính sách mới, nhất là việc thực hiện chính sách giao đất, giao rừng cho các hộ tự chủ sản xuất, kinh doanh, khuyến khích phát triển kinh tế hàng hóa đồi rừng theo Chương trình phủ xanh đất trống đồi núi trọc (Chương trình 327), Chương trình định canh định cư, Chương trình phát triển kinh tế – xã hội ở những xã đặc biệt khó khăn miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, Chương trình quốc gia giải quyết việc làm, đặc biệt là Chương trình 135 (năm1999) của Chính phủ, kinh tế – xã hội ở Đà Bắc đã có nhiều chuyển biến tích cực. Sản xuất nông, lâm nghiệp có bước phát triển tốt. Sản lượng lương thực có hạt tăng từ 12 537 tấn (năm 2000) lên đến 19 000 tấn (năm 2003). Chăn nuôi phát triển mạnh, nhất là chăn nuôi trâu, bò đã góp phần giải quyết sức kéo phục vụ sản xuất và cung cấp thực phẩm cho nhân dân. Huyện đã trồng mới 5 207 ha rừng, bình quân hằng năm trồng được 1 376 ha; khoanh nuôi rừng tái sinh bình quân hằng năm là 32 717 ha, tỷ lệ che phủ của rừng đạt 50%. Sản xuất tiểu – thủ công nghiệp bước đầu phát triển. Giá trị tổng sản lượng đạt từ 3,8 tỉ đồng (năm 2000) lên 4,5 tỉ đồng (năm 2002) và 5,2 tỉ đồng (năm 2003). Toàn huyện có 50 cơ sở sản xuất tiểu – thủ công nghiệp, 10 doanh nghiệp, đã giải quyết được một bộ phận đáng kể việc làm cho người lao động.
Kết cấu hạ tầng ở nông thôn tiếp tục được đầu tư phát triển. Riêng 4 năm thực hiện Chương trình 135, Chương trình định canh định cư, huyện đã đầu tư 8 967 687 000 đồng, làm được 58,71 km đường, điển hình là đường Bai – Sưng (xã Cao Sơn), đường Mơ – Ang (xã Hiền Lương), đường Mít – Diều Nọi (xã Tân Minh)…, đầu tư 2 867 596 000 đồng làm 67,6 km mương máng như ở Mỏ Sủi (xã Yên Hòa), Diềm – Ban (xã Tân Dân)…; đầu tư 3 195 395 000 đồng làm các công trình điện ở các xã Đồng Nghê, Tân Pheo, Đoàn Kết, Yên Hòa…; đầu tư 2 061 393 000 đồng làm các công trình nước sinh hoạt cho các xã Mường Tuồng, Trung Thành, Giáp Đắt, các xóm xã Vẩy Nưa… Đặc biệt, huyện đầu tư 7 837 895 000 đồng xây dựng 7 256 m2 phòng học(1). Đến nay, huyện có 20/21 xã, thị trấn có đường ô-tô đến trung tâm xã, 80% số hộ dân đã sử dụng điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt, khai hoang được 95,5 ha đất sản xuất. Số điện thoại tăng từ 46 máy (năm 2000) lên 587 máy (năm 2003), bình quân 1,16 máy/100 dân, có 14 điểm bưu điện – văn hóa xã.
Kinh tế – xã hội phát triển, đặc biệt nhờ triển khai công tác xóa đói giảm nghèo sâu rộng nên Đà Bắc đã thoát khỏi đói, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 39% (năm 2000) xuống 19,86% (năm 2002) và chỉ còn 16% (năm 2003)(2). Thành tựu xóa đói, giảm nghèo của Đà Bắc là rất lớn, không chỉ góp phần phát triển kinh tế, xã hội mà còn giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội, tăng cường quốc phòng an ninh trên địa bàn.
Đạt được những thành tựu trên là do công tác xóa đói giảm nghèo trong những năm gần đây luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, coi đây là vấn đề bức xúc, có ý nghĩa cơ bản, nhất là ở các vùng nông thôn, các tỉnh trung du, miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa với hệ thống chủ trương, chính sách đúng đắn, thiết thực. Mặt khác, Đà Bắc đã triển khai nhiều công việc, thực hiện tốt công tác xoá đói, giảm nghèo ở địa phương:
Một là, từ nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xóa đói giảm nghèo, Huyện ủy, ủy ban Nhân dân huyện Đà Bắc coi đây là một trong những chương trình phát triển kinh tế, xã hội vừa cấp bách, vừa lâu dài. Xuất phát từ đặc điểm của mình, huyện đã tập trung đầu tư để định canh định cư, phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo cho 16/20 xã phải chuyển dân cư ra khỏi lòng hồ thủy điện Hòa Bình và 16/20 xã đặc biệt khó khăn.
Hai là, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền các cấp đã tổ chức thực hiện, các ngành, các đoàn thể cùng vận động đưa công tác xóa đói giảm nghèo ngày càng đi vào chiều sâu, có nề nếp. Chẳng hạn, Mặt trận Tổ quốc phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phân bổ 63 triệu đồng tiền quỹ “Vì người nghèo” cho các hộ nghèo ở 10 xã (xã Đồng Nghê, xã Suối Nánh, xã Tân Pheo…). Hội Nông dân Đà Bắc phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp huyện cho nông dân vay vốn để phát triển sản xuất và chỉ đạo các chi hội ở cơ sở tăng cường hoạt động, vận động nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế và thâm canh tăng năng suất cây trồng vật nuôi. Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Liên đoàn Lao động huyện… vận động nông dân áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, quyên góp ủng hộ vật chất, ngày công giúp đỡ các gia đình khó khăn, tích cực tham gia các phong trào giúp nhau làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo, chăm lo đời sống, bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng cho người lao động.
Ba là, các cấp ủy, chính quyền các cấp đã lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế – xã hội với các chương trình dự án, đặc biệt phát huy nguồn lực tại chỗ, nhờ vậy, đã có tác dụng to lớn nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc, góp phần quan trọng trong xóa đói giảm nghèo.
Bốn là, các cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên điều tra thực trạng đói nghèo, đi sâu tìm hiểu nguyên nhân để đề ra các biện pháp thích hợp. Đối với các hộ có người bị tàn tật, già yếu, không còn sức lao động, chuyển họ sang hình thức cứu trợ thường xuyên; những đối tượng thiếu tư liệu sản xuất sẽ được cấp thêm đất và các công cụ cần thiết; những đối tượng nghiện hút, chây lười, ỷ lại thì vừa giáo dục, vừa áp dụng các biện pháp cứng rắn, kiên quyết.
Năm là, nét mới trong công tác xóa đói, giảm nghèo ở Đà Bắc là chuyển đổi cơ cấu đầu tư theo hướng tập trung cho sản xuất. Điển hình là, năm 2003, huyện đã cấp giống và phân bón cho 584 hộ nghèo ở các xã Trung Thành, Đoàn Kết, Tân Minh, Tân Pheo, Giáp Đắt; hỗ trợ trồng 39,95 ha chè tuyết tại xã Trung Thành và xã Yên Hòa; hỗ trợ khai hoang phục hóa 48,388 ha ruộng nước, ruộng màu với 217 988 000 đồng. Huyện còn tổ chức tập huấn cho các hộ thiếu kiến thức, kinh nghiệm sản xuất (197 người ở các xã Trung Thành, Yên Hòa, Đoàn Kết, Tân Minh)(3);
Sáu là, từ nguồn vốn vay và nguồn vốn của các chương trình dự án, chính quyền các cơ sở đã phối hợp với các ngành chức năng của huyện giúp đồng bào thực hiện nhiều mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình là xã Đồng Nghê, Suối Nánh, Tân Dân, đồng bào đã bỏ lúa nương để trồng ngô lai, thu hoạch bốn mùa quanh năm. Các xã Trung Thành, Tân Pheo, Cao Sơn, Hiền Lương, đồng bào đã trồng giống lúa mới của Trung Quốc, nâng năng suất từ 3 đến 4 tạ/ha lên 80 tạ/ha.
2 – Tuy nhiên, sự phát triển sản xuất, kinh doanh ở các xã vẫn chưa ổn định, tái đói nghèo vẫn còn cao, nhất là ở các vùng sâu, vùng cao; việc làm giàu lại càng khó khăn. Nguyên nhân cơ bản của tình hình đó là:
Thứ nhất: Điều kiện tự nhiên ở Đà Bắc rất không thuận lợi do địa hình hiểm trở, núi cao, vực sâu, thời tiết lại khắc nghiệt, có khi mưa lũ kéo dài hằng tháng nên sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Đồng bào tuy sinh sống bên cạnh hồ thủy điện Hòa Bình nhưng nhiều khi vẫn thiếu nước sinh hoạt và sản xuất. Đất rộng, người thưa, các xóm cách xa nhau và tình trạng thiếu lao động là khá phổ biến.
Thứ hai: Tình trạng thiếu vốn sản xuất, nhưng chỉ có 1/3 hộ nghèo được vay vốn, do họ hoặc không có nhu cầu, không đủ điều kiện vay vốn, hoặc thủ tục vay vốn rườm rà. Song, điều quan trọng hơn ở Đà Bắc hiện nay là, nhiều người không biết vay vốn để làm gì: Vay vốn đầu tư cho chăn nuôi trâu bò, lợn gà… không đem lại lãi, thậm chí lỗ vốn; đầu tư cho trồng trọt lại gặp thời tiết không thuận lợi hoặc sản xuất ra không bán được nên đồng bào cũng không đầu tư. Thiếu vốn là vấn đề cơ bản của các dân tộc ở Đà Bắc, đặc biệt là dân tộc Dao, dân tộc Thái, nhưng, vấn đề không chỉ ở đó mà họ còn thiếu nhận thức, thiếu trình độ. Trình độ văn hoá, chuyên môn của người dân ở đây rất thấp: 6,6% số cán bộ chủ chốt như bí thư, chủ tịch xã vẫn ở trình độ tiểu học và 70,3% số cán bộ chủ chốt ở cơ sở vẫn dừng lại ở trình độ phổ thông cơ sở. Về trình độ chuyên môn, chỉ có 4,4% số cán bộ chủ chốt có trình độ sơ cấp và trung cấp chuyên môn kỹ thuật, 95,4% cán bộ không có trình độ chuyên môn. Điều đó khó có thể làm cho người dân đổi mới trong nhận thức, cách nghĩ, cách làm kinh tế, nên sự bảo thủ, trông chờ, ỷ lại cấp trên là tình trạng phổ biến.
Thứ ba, điểm xuất phát kinh tế của đồng bào Đà Bắc còn đang ở mức rất thấp. Nguồn thu chủ yếu của họ là lâm thổ sản, sản xuất nông nghiệp lại chủ yếu dựa vào tự nhiên. Năm 2003, mức thu nhập bình quân đầu người hằng tháng chỉ đạt khoảng 150 000 đồng. Do vậy, người dân không thể có điều kiện tái sản xuất mở rộng. Bên cạnh đó, phong tục tập quán của đồng bào còn rất lạc hậu, có nhiều gia đình đông con.
Thứ tư, kết cấu hạ tầng yếu kém, không ít nơi trong huyện điện lưới chưa về tới bản làng. Toàn huyện mới chỉ có 6/20 xã có điện thoại đến trung tâm xã, 60% số hộ có phương tiện nghe nhìn. Mạng giao thông rất mỏng, chất lượng thấp, chủ yếu là các đường mòn và đường đất, còn có nơi chưa có đường ô-tô đến trung tâm xã. Điển hình như xã Đồng Nghê, đường đất đá đi qua nhiều ngầm, dốc quanh co hiểm trở đang là những trở ngại lớn trong giao lưu buôn bán hàng hóa và đi lại của đồng bào.
3 – Tuy nhiên Đà Bắc có vị trí địa lý thuận lợi, trung tâm huyện chỉ cách thị xã Hòa Bình 15 km. Đà Bắc còn là vùng có những tài nguyên với tiềm năng khai thác quy mô lớn như 6 000 000 ha diện tích mặt nước hồ thủy điện Hòa Bình có thể phát triển mạnh ngành thủy sản; đất đồi rừng rộng, có thể phát triển sản xuất lâm thổ sản như ngô, luồng, bương, tre, chè,… bằng các mô hình kinh tế trang trại; nhiều khu rừng nguyên sinh có thể trở thành các điểm du lịch sinh thái, điển hình như khu vực Pu Canh và khu vực Núi Biều – Lỗ Làn Hiền Lương. Đà Bắc còn có đủ điều kiện tự nhiên để phát triển kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp chế biến lâm thủy sản, du lịch dịch vụ. Để đánh thức được những tiềm năng trên, phát triển kinh tế – xã hội, đoạn tuyệt với đói nghèo, tiến lên giàu có, Đà Bắc không thể thực hiện những giải pháp nhất thời hoặc thụ động trông chờ cứu trợ, mà phải tìm những bước đi thích hợp với sự nỗ lực của tất cả các cấp lãnh đạo, chính quyền và từng hộ gia đình ở đây. Cụ thể là:
– Đổi mới và nâng cao nhận thức, trình độ cho đồng bào, trước hết cần tìm nguyên nhân, những nhân tố gây nên đói nghèo của từng gia đình, biện pháp khắc phục đói nghèo để nhanh chóng đoạn tuyệt sự tái đói nghèo. Trên cơ sở điều tra thực trạng đói nghèo, đi sâu tìm nguyên nhân từ đó giúp cho từng gia đình xóa đói nghèo thích hợp, có hiệu quả. Để làm được việc đó, điều quan trọng là phải nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn cho đồng bào, trước hết nâng cao trình độ cho cán bộ chủ chốt và các cán bộ ở các ban ngành của xã, các hộ sản xuất kinh doanh giỏi.
– Tạo điều kiện cho đồng bào tiếp cận với thị trường, tiếp cận với kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh mới và giúp họ phát triển kinh tế, đồng thời bảo đảm để họ được hưởng những thành quả lao động. Muốn làm được vấn đề này, Nhà nước cần tăng cường xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, đặc biệt là mạng lưới giao thông, điện sản xuất và sinh hoạt, mạng thông tin liên lạc. Nhà nước cần tập trung xây dựng trục đường quốc lộ nối liền các xã với huyện và các tỉnh khác. Phát triển chợ, các thị tứ cụm gồm vài ba xã như cụm xã Tân Minh, cụm xã Cao Sơn, cụm xã Đồng Nghê và phát triển mạng điện thoại ở 100% số xã.
Thực hiện mục tiêu trong phương hướng nhiệm vụ đến năm 2005: Mường Chiêng gồm 7 xã vùng cao phát triển rừng phòng hộ, thâm canh cây ngô, lúa và chăn nuôi gia súc; các xã vùng Yên Hòa trồng luồng, bương, tre, xoan, cây chè tuyết, khai thác cá vùng hồ; phát triển những mô hình đạt từ 45 đến 50 triệu đồng/ha ở các vùng thấp; phát triển các điểm du lịch sinh thái ở Hiền Lương, tiểu – thủ công nghiệp và công nghiệp chế biến; tỉnh và huyện cần đầu tư vốn hoặc cho vay dài hạn với lãi suất thấp cho các chủ hộ sản xuất kinh doanh giỏi.
* TS, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
(1) Phạm Minh Sơn (2003): Ban QL DA 135 Đà Bắc, Báo cáo tiến độ thực hiện Chương trình 135, Chương trình định canh định cư ngày 20-11-2003
(2) Huyện ủy Đà Bắc (11-2003): Các số liệu được rút từ Báo cáo thực trạng công tác tổ chức cán bộ trong hệ thống chính trị cấp xã nhiệm kỳ 2000 – 2005
(3) Ban QL DA 135 Đà Bắc (11-2003): Báo cáo tiến độ thực hiện Chương trình 135 ngày 20-11-2003, số 62 BC/DA 135
Nguồn: Tạp chí cộng sản số 60-2004