1. GIỚI THIỆU VỀ MÔ HÌNH
Thôn Đức Phú thuộc xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế là một vùng đất cát, quanh năm bốn mùa bị xói mòn theo mưa bão, nắng hạn. Đức Phú có diện tích tự nhiên khoảng 10 km2, cách trung tâm xã Phong Hòa 8 km, phía Tây và phía Nam giáp xã Phong Thu, phía Đông giáp thôn Mè, xã Phong Hòa, phía Bắc giáp xã Phong Bình. Môi trường tự nhiên ở đây bị hủy diệt nặng nề bởi những năm chiến tranh tàn phá. Khí hậu vùng này lại hết sức khốc liệt, mùa nắng khô cháy, mùa mưa ngập úng. Đất cát đã nghèo dinh dưỡng, người dân lại canh tác theo lối cũ kỹ, lạc hậu, chưa biết thâm canh cải tạo đất nên cây trồng, vật nuôi không phát triển được, năng suất rất thấp. Phần lớn nhà ở bà con nông dân là nhà tạm bằng tre nứa lá. Cả thôn không có hộ nào có được ti vi hay xe máy. Hạ tầng cơ sở thôn hầu như chưa có gì. Theo số liệu thống kê, trước năm 1999, gần như 100% là hộ nghèo, trong đó 50% số hộ là thiếu đói. Giao thông chủ yếu là đường đi trên cát. Trường học còn tạm bợ, nhà mẫu giáo không có. Trình độ dân trí rất thấp kém, nhiều người không biết chữ, nhiều cháu trong độ tuổi phải bỏ học. Cả thôn chưa có cháu nào thi đỗ vào trường cao đẳng hay đại học.
Từ năm 1999, Trung tâm Phát triển Nông thôn Miền Trung (CRD) thuộc trường Đại học Nông Lâm Huế đã triển khai thực hiện Dự án: Phát triển cộng đồng thôn Đức Phú do ICCO Hà Lan tài trợ. Dự án đã thực hiện qua 3 giai đoạn: giai đoạn một từ năm 1999 đến năm 2002, giai đoạn hai từ năm 2003 đến năm 2005, giai đoạn ba từ năm 2006 đến năm 2007 Mục tiêu của Dự án nhằm: “Nâng cao chất lượng cuộc sống và cải thiện môi trường, góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương”. Quá trình triển khai dự án, lúc đầu gặp nhiều khó khăn. CRD cùng với lãnh đạo thôn đã tổ chức hội nghị toàn dân để quán triệt mục đích yêu cầu và nội dung hoạt động của Dự án với phương châm: “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân đóng góp, dân hưởng lợi”. Để điều hành tốt các hoạt động của Dự án, Ban Phát triển thôn đã được thành lập.
Lãnh đạo CRD cùng với Ban Phát triển đã nhiều lần họp bàn trăn trở làm thế nào để thực hiện cho được mục tiêu của Dự án và từng bước xây dựng Đức Phú trở thành thôn khuyến nông tự quản. Dự án rất chú trọng đến việc nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ thôn, nhóm nông dân nòng cốt và năng lực sản xuất cho người dân. Dự án đã thực hiện phương pháp: cầm tay chỉ việc, nông dân chuyển giao cho nông dân, đặc biệt phương pháp có sự tham gia của người dân. Kể từ đó, thôn Đức Phú từng bước thay đổi.
Sau 9 năm, được sự hỗ trợ và tư vấn bởi Dự án Phát triển cộng đồng do CRD thực hiện, đến nay Đức Phú đã trở thành mô hình khuyến nông tự quản phát triển và bền vững.
2. CÁC HOẠT ĐỘNG CHÍNH CỦA DỰ ÁN
Để thực hiện mục tiêu của Dự án, chúng tôi đã thực hiện các hoạt động chính sau đây:
2.1. Nâng cao năng lực cho cộng đồng
− Nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ và nông dân nòng cốt
− Nâng cao kỹ năng sản xuất cho người dân.
2.2. Phát triển sản xuất
− Hỗ trợ phát triển sản xuất trồng trọt
− Hỗ trợ phát triển sản xuất chăn nuôi
− Hỗ trợ phát triển lâm nghiệp
− Hỗ trợ hệ thống kênh tưới.
2.3. Cải thiện môi trường và sức khỏe cộng đồng
− Nâng cao nhận thức về môi trường nông thôn
− Nâng cao nhận thức về sức khỏe cộng đồng
− Hỗ trợ xây dựng mô hình Biogas.
2.4. Hoạt động tín dụng
− Nâng cao kiến thức quản lý hệ thống sổ sách tín dụng
− Hỗ trợ vay vốn
− Nâng cao kỹ năng giám sát tài chính.
2.5. Hoạt động của các tổ chức cộng đồng
− Thành lập Ban Phát triển
− Thành lập Ban Giám sát cộng đồng
− Thành lập các tổ chức cộng đồng.
2.6. Hoạt động dịch vụ và thị trường
− Nâng cao kiến thức thị trường
− Mở rộng các dịch vụ thị trường tại địa phương.
3. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
Qua 9 năm, hoạt động dự án đã đạt được những kết quả chính sau đây:
3.1. Nâng cao năng lực cho cộng đồng
Dự án đã tổ chức 23 lớp tập huấn cho cán bộ thôn và nông dân nòng cốt với 650 lượt người tham gia, với nội dung tập huấn là: Phát triển cộng đồng, quản lý dự án, sổ sách tín dụng, tín dụng và tiết kiệm, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, thị trường. Các phương pháp tập huấn là: thuyết trình, hành động có sự tham gia, thảo luận nhóm.
Dự án đã tổ chức 6 đợt tham quan cho cán bộ và người dân với 120 lượt người tham gia. Nội dung và địa phương tham quan là: (i) sản xuất mạ ném tai xã Điền Môn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế; (ii) chia sẻ kinh nghiệm quản lý tổ chức cộng đồng tại SPERI – thị trấn Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình; (iii) chia sẻ tổ chức cộng đồng phát triển và bền vững tại trường Đại học Nông Lâm Huế; (iv) mô hình V.A.C. tại làng sinh thái xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị; (v) mô hình chăn nuôi bò Laisind tại tỉnh Quảng Ngãi; (vi) mô hình sản xuất rau sạch tại xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế…
Dự án đã tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp cho người dân như đã tổ chức được 10 lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất trồng trọt cho 175 lượt người tham gia. Trong đó, nội dung tập huấn là: kỹ thuật trồng lúa, kỹ thuật trồng lạc, kỹ thuật trồng rau sạch, kỹ thuật ủ phân háo khí (kỹ thuật compost), cây lúa và phân bón. Bên cạnh đó, Dự án còn tổ chức được 31 lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi với 803 lượt người tham gia. Trong đó, nội dung tập huấn là: chăn nuôi lợn, chăn nuôi gia cầm, chăn nuôi trâu, bò, thú y, nuôi cá ao. Ngoài ra, Dự án đã tổ chức được 12 hội thảo chia sẻ như: chăn nuôi bò, chăn nuôi cá, chăn nuôi lợn, chăn nuôi gà, trồng lạc xen sắn, trồng lúa.
3.2. Phát triển sản xuất
Trong hoạt động này, kết quả đã đạt được 4 kết quả cụ thể như sau:
3.2.1. Hỗ trợ sản xuất trồng trọt
Dự án đã hỗ trợ khai hoang mở rộng diện tích với 4,3 ha cho 43 hộ sản xuất trồng lạc. Bên cạnh đó, mỗi hộ còn được hỗ trợ 14 kg giống lạc và trong số 43 hộ có 19 hộ được vay vốn từ hoạt động tín dụng. Trung bình mỗi hộ được vay là: 500.000 đồng/chu kỳ vay. Đến nay hoạt động vẫn duy trì và phát triển.
Dự án đã hỗ trợ 25 hộ sản xuất trồng lạc xen sắn và 6 mô hình trồng rau sạch. Bên cạnh đó, Dự án còn hỗ trợ 1.846 kg lúa giống cho 78 hộ hưởng lợi.
3.2.2. Hỗ trợ chăn nuôi
Dự án đã hỗ trợ và xây dựng 39 hộ chăn nuôi lợn. Trong đó, có 10 hộ chăn nuôi lợn nái và 29 hộ chăn nuôi lợn thịt. Cùng với đó, Dự án đã hỗ trợ 5 hộ chăn nuôi bò và hỗ trợ 40 hộ chăn nuôi trâu. Ngoài ra, Dự án đã hỗ trợ 37 hộ chăn nuôi cá và 3 hộ chăn nuôi gà thịt.
3.2.3. Hỗ trợ lâm nghiệp
Dự án đã hỗ trợ khai hóa và trồng rừng được 30 ha. Diện tích rừng này có 30 hộ tham gia quản lý và chăm sóc. Mỗi hộ tham gia được hỗ trợ 1.000 cây giống và 100 kg NPK. Sau 3 năm trồng, tỷ lệ cây sống của rừng đạt 95%.
3.2.4. Hỗ trợ kênh tưới
Dự án đã hỗ trợ xây mới hai kênh tưới phục vụ cho 25 ha diện tích trồng lúa nước. Tổng cộng chiều dài của hai kênh tưới là 1.100 m.
3.3. Cải thiện môi trường và sức khỏe cộng đồng
Hoạt động đã đạt được những kết quả như sau:
3.3.1. Nâng cao nhận thức môi trường nông thôn: Dự án đã tổ chức tập huấn 3 lớp về môi trường với 60 người tham gia. Nội dung tập huấn là: sử dụng nước sạch, vệ sinh nông thôn.
3.3.2. Nâng cao nhận thức về sức khỏe cộng đồng: Dự án đã tổ chức tập huấn và hội thảo 6 đợt về sức khỏe cộng đồng với 120 lượt người tham gia. Nội dung tập huấn là: sinh đẻ có kế hoạch và chăm sóc sức khỏe ban đầu, tình làng nghĩa xóm, sức khỏe sinh sản.
3.3.3. Hỗ trợ xây dựng mô hình Biogas và công trình công cộng: Dự án đã hỗ trợ và xây dựng 6 mô hình Biogas. Cùng với đó, Dự án đã hỗ trợ xây dựng 20 nhà vệ sinh kiên cố. Ngoài ra, Dự án đã hỗ trợ xây mới 1 văn phòng (nhà cộng đồng thôn) với diện tích 74,4 m2 và nhà trẻ với diện tích 52,44 m2.
3.4. Hoạt động tín dụng
Hoạt động này đã được duy trì và phát triển bền vững, kết quả đạt được cụ thể như sau:
− Dự án đã tổ chức được 14 lớp tập huấn với 259 lượt người tham gia. Nội dung tập huấn là: ghi chép sổ sách tín dụng, tín dụng và tiết kiệm.
− Dự án đã hỗ trợ vốn vay ban đầu cho người có nhu cầu sản xuất nông nghiệp với tổng số vốn là 160.400.000 đồng, số vốn vay tối đa cho sản xuất là 5.000.000 đồng/người/chu kỳ vay. Mức vay được quy định bởi mục đích sản xuất của người dân.
− Dự án đã tổ chức 3 lớp tập huấn cho Ban Giám sát cộng đồng với nội dung là: quy trình kiểm tra và phát hiện, cách giải quyết các lỗi trong tài chính.
3.5. Hoạt động tổ chức cộng đồng
Sau 9 năm hoạt động, Ban Phát triển được đánh giá và kiện toàn hàng năm. Sau một năm hoạt động, Ban Phát triển đã thay đổi cơ cấu thành phần nhằm quản lý hoạt động có hiệu quả hơn. Đến cuối năm 2007, thôn đã thành lập Ban Phát triển có 3 thành viên và Ban Giám giám sát cộng đồng có 3 thành viên. Bên canh đó, thôn còn duy trì và hoạt động 2 nhóm tín dụng và 4 nhóm sở thích như: chăn nuôi cá, chăn nuôi lợn, chăn nuôi bò, trồng lạc xen sắn.
3.6. Hoạt động dịch vụ và thị trường
Kết quả hoạt động này cụ thể như sau:
Dự án đã tổ chức 4 lớp tập huấn về thị trường với 80 lượt người tham gia. Nội dung tập huấn là: khái niệm cơ bản về thị trường, tiếp cận thị trường.
Ngoài ra, thôn còn mở rộng được một dịch vụ kinh doanh thức ăn chăn nuôi lợn, cá và một dịch vụ kinh doanh phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.
4. TÁC ĐỘNG CỦA DỰ ÁN
Sau 9 năm thực hiện Dự án Phát triển cộng đồng theo hướng khuyến nông tự quản, Đức Phú đã đổi mới trên nhiều mặt:
4.1. Cải thiện năng lực của cán bộ và người dân
Ngay sau khi Ban Phát triển, Ban Giám sát và các nhóm sở thích được thành lập, Dự án tập trung thực hiện các hoạt động nâng cao năng lực như: tập huấn, tham quan học tập, hội thảo đầu bờ. Sau đó các thành viên trong Ban Phát triển, nhóm sở thích này tổ chức tập huấn lại cho các thành viên khác trong nhóm, gọi là phương pháp “nông dân chuyển giao cho nông dân”. Thông qua phương pháp này, rất nhiều người dân trong cộng đồng, đặc biệt người nghèo được tiếp cận với kiến thức, người dân có cơ hội để áp dụng kiến thức vào thực tiễn. Điều này đã giúp họ dễ dàng hòa nhập với cộng đồng và làm họ tự tin hơn trong cuộc sống. Ban Phát triển và Ban Giám sát tổ chức tự quản các công trình cơ sở hạ tầng được thành lập trước khi khởi công xây dựng các công trình. Họ được tham gia vào quá trình khảo sát thiết kế công trình, giám sát thi công, đồng thời tham gia tích cực vào các hoạt động thi công, quản lý, duy tu và bảo dưỡng. Với sự tham gia giám sát của người dân, các công trình do Dự án đầu tư xây dựng đảm bảo chất lượng, đáp ứng đúng và đủ nhu cầu của người dân. Ngoài ra, nhờ sự quản lý, duy tu và bảo dưỡng công trình của thôn tự quản, tuổi thọ của các công trình cũng cao hơn.
4.2. Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp
Về sản xuất, người dân cơ bản đã biết tiếp thu và ứng dụng được các kỹ thuật tiến bộ vào công việc cụ thể. Cách làm theo lối sản xuất lạc hậu trước đây dần dần đã bị xóa bỏ. Trên từng mảnh đất cụ thể, bây giờ trồng cây gì, nuôi con gì đều kèm theo biện pháp kỹ thuật để nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế. Có những con từ trước đến nay chưa có trên vùng cát như giống bò Laisind, lợn siêu nạc, các loài cá rô phi, trắm cỏ, trê lai, nay về với Đức Phú đã đứng vững và phát triển tốt. Cây lạc, cây ngô, cây cỏ voi, cây sắn nguyên liệu nay đã gắn bó với Đức Phú, đặc biệt cây lạc đối với vùng cát hiệu quả kinh tế cao, cho năng suất bình quân 120 kg/sào. Trước đây, mỗi gia đình chỉ nuôi 1 đến 2 con lợn giống địa phương, thời gian nuôi 1 năm mới xuất chuồng, trọng lượng chỉ đạt 50 kg, không may rủi ro, dịch bệnh mất trắng. Bây giờ mỗi gia đình nuôi ít nhất 6 con lợn, chủ yếu là lợn lai hướng nạc, thời gian 5-6 tháng xuất chuồng, trọng lượng trung bình mỗi con đạt 70 kg đến 80 kg. Điều quan trọng đối với nông dân Đức Phú là không có ngày nông nhàn, lúc nào cũng có việc làm và có thu nhập.
4.3. Cải thiện môi trường và sức khỏe cồng đồng
Sức khỏe nhân dân Đức Phú cũng thường xuyên chăm lo. Nhờ được tập huấn mà người dân biết cách làm vệ sinh môi trường và phòng trừ dịch bệnh. Đời sống của nhân dân Đức Phú đã được cải thiện một bước đáng kể, có điều kiện chăm lo đời sống học hành cho con em, 100% cháu trong độ tuổi đi học được cắp sách tới trường, kể cả lớp mẫu giáo không có cháu nào bỏ học, thi năm sau đỗ đạt cao hơn năm trước. Đời sống tinh thần được nâng cao. Thôn đã có hệ thống truyền thanh phát tin vào buổi tối hàng ngày, có một đội văn nghệ định kỳ tập luyện và biểu diễn vào những ngày lễ. Người dân trong thôn phát huy tốt tinh thần tình làng nghĩa xóm, sống thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Chưa bao giờ Đức Phú có cuộc sống đoàn kết đầm ấm, yên vui, hạnh phúc như hôm nay. Các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan từng bước được loại bỏ. Con người luôn luôn hướng về truyền thống, hướng về cội nguồn, nơi mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc.
4.4. Duy trì và phát triển nguồn vốn sản xuất nông nghiệp
Ban Phát triển, Ban Giám sát và các nhóm tín dụng được thành lập để quản lý, giám sát và hoạt động tín dụng đã đem lại hiệu quả cho phát triển sản xuất. Dự án đã hỗ trợ vốn ban đầu được thôn chỉ đạo duy trì và phát triển. Đến nay, số vốn phát triển được thôn sử dụng nhằm hỗ trợ cho hoạt động trong sản xuất. Với quy trình vay vốn, mức vay phù với sản xuất, cho vay đúng mục đích, đúng đối tượng, số vốn được tăng lên 200.000.000 đồng (tính đến tháng 12/2007) so với số vốn Dự án hỗ trợ ban đầu 160.400.000 đồng. Với mục tiêu: tín dụng cộng đồng, nên người dân đều được vay vốn vì mục đích sản xuất của từng hộ. Đến nay, nguồn vốn phát triển đã được thôn xây dựng phương án để hỗ trợ các công trình trong thôn và duy trì tài chính hỗ trợ sản xuất. Đặc biệt, Ban Phát triển và Ban Giám sát thực hiện đúng nguyên tắc công khai, minh bạch, rõ ràng, cho nên khẳng định rằng thôn khuyến nông tự quản duy trì và phát triển bền vững.
Tóm lại: Thôn khuyến nông tự quản đã tác động tới nhiều mặt trong xã hội. Không những ảnh hưởng ngay tại địa phương, mà còn được coi là một mô hình tiêu biểu được nhiều địa phương, tổ chức ở các địa phương khác tới tham quan và học tập như: xã Hương Thọ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế, Tổ chức RDSC – Quảng Ngãi, Dự án RDViệt – Đại học Nông Lâm Huế…
5. BÀI HỌC KINH NGHIỆM
Từ quá trình xây dựng nông thôn khuyến nông tự quản Đức Phú có thể rút ra những bài học kinh nghiệm như sau:
5.1. Chọn địa bàn dân cư để xây dựng thôn khuyên nông phải là thôn nghèo, đại diện cho vùng, chuyên sản xuất nông, lâm nghiệp. Ở đó người dân có tinh thần đoàn kết, lao động cần cù, đang khao khát vươn lên, mong muốn sớm xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống.
5.2. Phải đánh giá đúng, đầy đủ tình hình thực trạng của thôn, những tiềm năng chưa được khai thác, những thuận lợi và khó khăn trở ngại, những nhu cầu bức xúc của người dân cần giải quyết. Từ đó, xây dựng Dự án Phát triển thôn theo hướng thôn khuyến nông tự quản. Điều quan trọng nhất là người dân phải tham gia một cách chủ động, tích cực vào mọi mặt hoạt động của Dự án.
5.3. Phải tuyên truyền làm cho người dân thông hiểu đầy đủ về mục đích và nội dung của dự án. Phải làm cho người dân ý thức được: dự án thực sự là của dân, do dân và vì dân, mọi người phải đồng tình và cùng nhau thực hiện. Phải thức dậy được lòng tự trọng, tính tự lực tự cường của người dân, để họ vươn lên tự quyết định lấy mọi việc, từ xây dựng kế hoạch hoạt động, tổ chức kiểm tra thực hiện và giám sát đến việc đánh giá tổng kết quả dự án.
5.4. Cán bộ là khâu rất quan trọng. Mỗi thôn thường có nhiều đối tượng cán bộ, như cán bộ Đảng, cán bộ chính quyền và cán bộ các đoàn thể quần chúng. Vì vậy, việc thành lập Ban Phát triển của thôn có đại diện của các tổ chức tham gia là điều rất quan trọng, nhằm phát huy sức mạnh của cộng đồng. Các thành viên trong Ban Phát triển phải là người có uy tín trong thôn, có kinh nghiêm trong sản xuất nông lâm nghiệp, nhiệt tình tâm huyết, có năng lực tổ chức và vận động quần chúng đặc biệt là tự nguyện tham gia. Trưởng Ban Phát triển nếu được trưởng thôn kiêm đảm nhiệm là tốt nhất. Các thành viên khác nên là các ông, bà đứng đầu các tổ chức đoàn thể quần chúng trong thôn như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân và một vài nông dân nòng cốt. Ban Phát triển phải có quy chế hoạt động cụ thể và định kỳ có xem xét điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.
5.5. Phải biết thành lập các nhóm hộ cùng sở thích trên cơ sở mục tiêu và các hoạt động phát triển của thôn. Trong một thôn có thể nhiều nhóm hộ sở thích theo từng chủ đề kỹ thuật cụ thể được lồng ghép trong toàn bộ kế hoạch phát triển của thôn. Mỗi nhóm có trưởng nhóm do các thành viên bầu lên để liên hệ với Ban Phát triển của thôn và theo dõi, giám sát các hoạt động. Các nhóm hộ sở thích cần xây dựng quy chế hoạt động riêng của nhóm mình.
5.6. Dự án nên có một phần kinh phí đầu tư ban đầu để xây dựng cơ sở vật chất cho thôn, nhưng phải kết hợp huy động được sự đóng góp của người dân. Phần quản lý vốn tín dụng cho người dân vay để phát triển sản xuất nên giao cho Chi hội Phụ nữ thôn đảm trách là tốt nhất. Phải kết hợp vừa cho vay vốn sản xuất, vừa tổ chức tập huấn cách thức làm ăn. Có như vậy, khoa học kỹ thuật mới được áp dụng, đồng vốn vay mới phát huy được hiệu quả thiết thực, năng suất lao động, năng suất cây trồng, vật nuôi mới được tăng cao, đời sống mới được cải thiện.
5.7. Việc tổ chức tập huấn cho cán bộ và người dân là nội dung hoạt động hết sức cần thiết. Nhưng cần đánh giá nhu cầu trước khi tập huấn để xác định những chủ đề cần thiết. Đối tượng tham gia tập huấn phải thích hợp, là những người thực sự quan tâm và tự nguyện, đặc biệt chú ý tới chị em phụ nữ. Cán bộ tập huấn phải chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, phương tiện cần thiết và phải có kỹ năng tập huấn cho người lớn tuổi. Thời gian tập huấn không nên kéo dài và phải thông báo trước. Không tổ chức tập huấn vào lúc thời vụ căng thẳng, mà phải tổ chức vào lúc nông nhàn.
5.8. Việc tổ chức tham quan những mô hình tiên tiến nhằm giúp cho nông dân học tập, chia sẻ kinh nghiệm với nhau, qua đó thuyết phục họ làm theo cái mới cũng là một hoạt động cần được quan tâm trong quá trình xây dựng thôn khuyến nông tự quản. nhưng phải chú ý là chọn nơi tham quan có những điều kiện, hoàn cảnh tương tự với địa phương. Để đảm bảo chuyến tham quan có hiệu quả thì phải chuẩn bị chu đáo trước về nội dung cần trao đổi học tập. Sau những chuyến tham quan cần tổ chức rút kinh nghiệm và xây dựng chương trình hành động cụ thể nhằm triển khai những điều đã học tập được.
5.9. Một phương pháp hỗ trợ nông dân về kỹ thuật thành công đó là tổ chức hội thảo đầu bờ. Mục đích của hội thảo đầu bờ là phổ biến cách làm ăn mới có kết quả của một mô hình trình diễn cho nhiều nông dân biết, nhằm thuyết phục họ áp dụng. Hội thảo loại này có đặc điểm là tổ chức ngay tại các điểm trình diễn như: ruộng, vườn, chuồng trại… của nông dân và phải do chính người dân báo cáo. Để tổ chức hội thảo dầu bờ thành công, phải chuẩn bị chu đáo về mục đích, nội dung cuộc hội thảo, đối tượng tham gia, thời gian tiến hành và những điều kiện cần thiết khác.
5.10. Trong việc tổ chức sản xuất, đổi mới cơ cấu cây trồng và vật nuôi, áp dụng các kỹ thuật tiến bộ để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm là rất cần thiết, song phải hết sức chú ý tới thị trường tiêu thụ của sản phẩm. Tránh tình trạng khi một hộ làm có lãi, nhưng khi nhiều hộ cùng làm thì lỗ. Xu hướng hiện nay là chuyển dần từ kiến thức thúc đẩy sản xuất bằng kỹ thuật công nghệ sang lôi kéo bằng thị trường.
5.11. Trong tất cả các hoạt động của Dự án, thì hoạt động nâng cao năng lực cho các thành viên trong Ban Phát triển là quan trọng nhất, quyết định tính bền vững của Dự án. Muốn làm được điều đó, phải tập huấn cho họ phương pháp như: xây dựng kế hoạch, điều hành các hoạt động, viết báo cáo, phổ biến thông tin, v.v… Có điều kiện cho họ đi tham quan các nơi khác để học tập, trao đổi kinh nghiệm. Theo tiến độ thực hiện Dự án, cán bộ khuyến nông rút dần vai trò của mình, bàn giao công việc điều hành cho Ban phát triển, nhưng phải tư vấn, kiểm tra, hỗ trợ cần thiết.
Mặc dù chưa hết khó khăn, nhiều vấn đề chưa hài lòng, còn phải băn khoăn trăn trở, nhưng cũng phải khẳng định rằng, Đức Phú đã qua rồi những năm tháng thiếu đói triền miên. Nhờ chọn hướng đi đúng đắn, đoàn kết toàn dân, khơi dậy được lòng tự trọng, ý thức tự lực, tự cường, khao khát vươn lên của người dân, biết cách khai thác có hiệu quả tiềm năng sẵn có của địa phương, đồng thời được sự quan tâm, giúp đỡ của CRD thuộc Đại học Nông Lâm Huế, đã giúp xây dựng và phát triển cộng đồng theo hướng khuyến nông tự quản mà Đức Phú đã từng bước phát triển và có được bộ mặt như hôm nay. Phía trước còn nhiều việc phải làm, nhưng tin tưởng chắc chắn rằng Đức Phú sẽ vượt lên khó khăn, thử thách để tiếp tục phát triển và ngày càng giàu đẹp.
PHẠM ĐÌNH HIỆN
Trung tâm Phát triển Nông thôn Miền Trung
Trường Đại học Nông Lâm Huế