PGS.Ts. Nguyễn Văn Nam
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại, Bộ thương mại
Mở đầu
Việt Nam có 42 tỉnh thuộc diện miền núi, trong đó có 19 tỉnh là miền núi và vùng cao, đây là một địa bàn rộng lớn. Trên địa bàn đó có địa hình phức tạp, núi non hiểm trở, đi lại khó khăn và dân cư thưa thớt. Trong kinh tế của miền núi và vùng cao thì tình trạng tự cung tự cấp còn khá phổ biến. Nền sản xuất chủ yếu dựa vào nông nghiệp với trình độ sản xuất thấp, quy mô phần lớn là manh mún. Các yếu tố đó đã ảnh hưởng rất lớn đến các vấn đề như giáo dục, y tế, đời sống văn hoá và các mặt khác của đời sống xã hội miền núi và vùng cao.
Bước vào giai đoạn chuyển đổi nền kinh tế theo cơ chế thị trường, mọi nguồn lực kinh tế chủ yếu được tập trung vào đầu tư và kinh doanh tại các đô thị lớn và với mục tiêu chủ yếu là tìm kiếm lợi nhuận. Sự chênh lệch về đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cách xa giữa thành thị, nông thôn và đặc biệt là vùng sâu, vùng xa.
Miền núi và vùng cao nước ta lại là nơi có những tiềm năng để phát triển kinh tế nhất định như du lịch, chăn nuôi và trồng trọt. Trên địa bàn có một quỹ đất tương đối lớn so với miền xuôi, chất đất rất thích hợp để trồng các loại cây công nghiệp, cung cấp nguồn nguyên liệu cho chế biến trong nước và có giá trị xuất khẩu cao.
Miền núi và vùng cao nước ta có vị trí quan trọng đối với an ninh và quốc phòng, do đó phát triển kinh tế trên địa bàn này còn đáp ứng yêu cầu của việc kết hợp phát triển kinh tế với an ninh quốc phòng, đây là một trong những nguyên tắc rất quan trọng đối với bất kỳ một quốc gia nào.
Miền núi và vùng cao nước ta còn có vai trò quan trọng đối với việc bảo vệ môi trường. Đó là nơi chứa nguồn tài nguyên rừng của cả nước, hiện nay nguồn tài nguyên này đã gần như cạn kiệt, độ che phủ thấp, tốc độ mất rừng hiện nay không những không giảm xuống mà còn tăng lên do người dân đốt rừng làm rẫy. Vì vậy, nếu không có các biện pháp thích hợp để bảo tồn và phát triển quỹ rừng thì có thể gây ra những thảm họa lớn về môi trường trong tương lai.
Trong thời gian qua Đảng và Nhà nước ta đã dành ngày càng nhiều sự quan tâm, chú ý đối với đồng bào các dân tộc miền núi và vùng cao. Một số Chủ trương lớn đã được ban hành nhằm phát triển đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc miền núi và vùng cao. Đó là Nghị quyết 22/NQ-Tw của Bộ Chính trị, Quyết định số 72/HĐBT của Hội đồng bộ trưởng (nay là Chính phủ) và gần đây nhất là Nghị định số 20/1998/NĐ-CP của Chính phủ. Các chủ trương trên đây đã được triển khai thông qua các chương trình lớn như định canh định cư, xoá đói giảm nghèo, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, trợ cước, trợ giá…
Vấn đề nâng cao đời sống kinh tế và văn hoá cho đồng bào các dân tộc miền núi và vùng cao là sự nghiệp chung của cả nước. Tuy nhiên, đây là một vấn đề hết sức nan giải và lớn lao, không thể giải quyết trong một thời gian ngắn, vì vậy cần phải được tiến hành một cách đồng bộ, liên tục và toàn diện trên tất cả mọi lĩnh vực khác nhau như đầu tư, tài chính, văn hoá, y tế, giáo dục… và một trong những lĩnh vực quan trọng cần phải được chú ý là lĩnh vực thương mại.
Nhiệm vụ quan trọng nhất của thương mại đối với miền núi là từng bước hoàn thiện và phát triển khâu tổ chức thị trường, hình thành mạng lưới rộng khắp để đảm bảo việc cung ứng các vật tư thiết bị cho sản xuất và sinh hoạt đối với đồng bào các dân tộc miền núi và vùng cao. Đồng thời tổ chức tốt việc thu mua sản phẩm do miền núi sản xuất ra.
Để giải quyết nhiệm vụ trên, báo cáo chuyên đề này sẽ đề cập đến các nội dung cụ thể như: Thực trạng thương mại và thị trường miền núi thời kỳ 1991 – 2000; Một số chính sách đã ban hành liên quan đến thương mại miền núi trong thời gian qua; Cuối cùng là những vấn đề đặt ra đối với thương mại miền núi và những định hướng, giải pháp khắc phục.
Cũng xin nhấn mạnh rằng; miền núi nước ta bao gồm 42 tỉnh, nhưng trong khuôn khổ của tham luận này chúng tôi tập trung đánh giá thực trạng thương mại và thị trường thuộc địa bàn19 tỉnh miền núi và vùng cao. Tuy nhiên, những đánh giá, kết luận rút ra, những đề xuất về định hướng và giải pháp lại có thể áp dụng cho những huyện miền núi của các tỉnh khác. Tất cả nhằm đi tới mục tiêu cuối cùng là phát triển kinh tế xã hội nói chung, thương mại và thị trường nói riêng của toàn bộ địa bàn miền núi Việt Nam trong thời gian tới.