Mười năm phát triển miền núi Việt Nam các vấn đề kinh tế – xã hội, văn hoá và môi trường

GS.TS. Lê Trọng Cúc
Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường

Đại học Quốc gia Hà Nội

I. Đặt vấn đề

Theo phân loại của Uỷ ban Dân tộc và Miền núi (UBDTMN), Việt Nam có 10 tỉnh vùng cao (Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Bắc Cạn, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk và Lâm Đồng), 9 tỉnh miền núi (Lạng Sơn, Quảng Ninh, Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hoà Bình, Bắc Giang và Bình Phước), và 23 tỉnh có miền núi. Thực sự, đất đai miền núi có diện tích khoảng 23 triệu ha, chiếm 3/4 diện tích đất đai trong cả nước.

Vùng núi có địa hình phức tạp, ở phía Bắc núi cao, suối sâu, độ dốc lớn, đất feralit đỏ vàng, nghèo chất dinh dưỡng. ở Tây Nguyên địa hình bằng phẳng hơn. Lớp phủ ba zan đã bị phong hoá thành đất ba zan màu mỡ, thuận lợi cho việc trồng các cây công nghiệp, nông nghiệp và cây ăn quả. Nằm trong điều kiện nhiệt đới gió mùa, lượng mưa lớn với 1.800 mm/năm trung bình ở phía Bắc; 2500 đến 3000 mm ở Tây Nguyên; 3000 mm đến 3500 mm ở A Lưới Thừa Thiên – Huế, Bảo Lộc, Lâm Đồng. Mưa tập trung trong một thời gian ngắn thường gây ra lũ lụt, sụt lở và xói mòn đất, nhiều trận lũ quét tàn phá các công trình công cộng, thuỷ lợi, đường sá gây tổn thất nặng nề người và của.

Vùng núi Việt Nam có số dân khoảng 25 triệu người, trong đó có hơn 10 triệu người dân tộc thiểu số, còn lại là người Kinh chuyển từ vùng đồng bằng lên miền núi để tăng cường cán bộ và phát triển các vùng kinh tế mới qua nhiều giai đoạn và hình thức khác nhau. Trên các điều kiện sinh thái và dân cư đa dạng đó có thể sản xuất ra các sản phẩm phong phú về chủng loại có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, điều kiện địa hình phức tạp cũng là trở ngại lớn cho việc phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng đường sá, tiếp nhận thông tin, mở mang thị trường và thực hiện các chính sách chủ trương của Đảng và Chính phủ.

Bài viết này trình bày một cách chung cho miền núi và chủ yếu tập trung cho 10 tỉnh vùng cao và 9 tỉnh miền núi như UBDTMN đã xác định. Các dẫn liệu đưa ra để phân tích ở đây vừa  mang tính đại diện cho cả toàn vùng kết hợp với những dẫn liệu của các trường hợp nghiên cứu riêng lẻ trong khoảng thời gian từ năm 1990 trở lại để minh hoạ. Các kết quả nghiên cứu chuyên ngành, một số đã được công bố trên các sách, báo, tạp chí, một số chưa công bố, đang trong thời kỳ xử lý số liệu, biên tập ở dạng bản thảo. Đồng thời, nghiên cứu các chính sách dưới dạng văn bản pháp quy được xây dựng trên cơ sở đường lối, chủ trương chung mang tính định hướng thể hiện trong các nghị quyết, chỉ thị, chính sách và thông tri của Đảng và chính sách của Nhà nước trong bối cảnh toàn cầu hoá, hội nhập khu vực, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Để có thể hiểu được toàn cảnh phát triển của vùng núi trong 10 năm qua, chúng tôi vận dụng lý thuyết tư duy hệ thống, phân tích sự tương tác giữa các yếu tố thành phần trong toàn bộ hệ thống hơn là tập trung vào những thay đổi cụ thể bên trong từng yếu tố. Những hiếu biết về các mối tác động qua lại giữa các yếu tố trong hệ thống cũng cho thấy tốc độ và xu hướng phát triển của vùng núi.

Một số yếu tố chính tác động mạnh mẽ lên phát triển kinh tế xã hội, văn hoá và môi trường ở vùng núi có thể đề cập đến như: Các chủ trương, đường lối và chính sách của Đảng và Chính phủ, áp lực của dân số lên nguồn tài nguyên cạn kiệt và môi trường đang ngày càng suy thoái, văn hoá truyền thống đang ngày càng bị xói mòn, các dịch vụ xã hội về cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế, thông tin đang ngày càng được cải thiện. Đây là những yếu tố tương tác với nhau và được khuyếch đại trong hệ thống thông tin phản hồi, trong đó bất cứ một thay đổi tốt hay xấu nào của yếu tố này cũng kéo theo những thay đổi tốt hay xấu của các yếu tố kia. Một hệ thống như vậy sẽ vận hành theo đường phát triển xoắn ốc. Đường xoắn ốc có thể thay đổi đi lên (tốt) hoặc đi xuống (xấu), phụ thuộc vào sự cân bằng giữa mức độ tích cực và tiêu cực của bản thân các yếu tố và tác động qua lại giữa các yếu tố với nhau.

II. Những vấn đề về chính sách

Một trong những vấn đề quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội cả nước nói chung và miền núi nói riêng trước hết là hệ thống chính sách liên quan đến đất đai. Đảng và Nhà nước chú ý đặc biệt đến vấn đề này. Nghị định số 64/CP ngày 27/9/1993 quy định việc giao đất nông nghiệp và nghị định số 02/CP ngày 15/1/1994 quy định việc giao đất lâm nghiệp. Nội dung các văn bản mang tính pháp quy về chính sách đất đai khẳng định: Đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân, Nhà nước thống nhất quản lý, Nhà nước giao đất, cho thuê đất để các tổ chức, các hộ gia đình, các cá nhân sử dụng ổn định lâu dài, có quyền thừa kế, trao đổi, chuyển nhượng, thế chấp, và được đền bù khi Nhà nước thu hồi. Đối với miền núi mỗi nông hộ được giao từ 1 đến 2 ha đất canh tác, trong vòng 20 năm và 5 đến 10 ha rừng để quản lý với thời hạn 50 năm. Sau thời hạn đó nếu có nhu cầu vẫn được tiếp tục sử dụng. Chính sách đất đai thực sự là sơ sở pháp lý đảm bảo cho mọi người dân quyền làm chủ mảnh đất của mình, thúc đẩy sản xuất, nâng cao năng suất trong sản xuất nông, lâm nghiệp, sử dụng và bảo vệ hợp lý tài nguyên thiên nhiên và môi trường theo hướng một nền nông lâm nghiệp bền vững.

Phân tích số liệu ở một số điểm nghiên cứu của Trung tâm Tài nguyên và Môi trường, Đại học quốc gia Hà Nội về thực trạng sở hữu đất đai ở các hộ gia đình vùng sâu, vùng xa như ở Khe Nóng (dân tộc Đan Lai), huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An cho thấy con số về ruộng đất chủ yếu có nguồn gốc từ cha ông để lại hay tự khai phá mà có. Rừng chưa được giao, toàn bộ rừng nằm dưới sự quán lý của Nhà nước mà đại diện là Lâm trường Con Cuông và giám sát của kiểm lâm khu bảo tồn thiên nhiên Pù Mát. Hiện nay dân bả Khe Nóng không có sở hữu đất rừng mà chỉ khai thác lén lút gỗ và các sản phẩm phi gỗ để sử dụng và bán ra ngoài. Vì vậy, khi hỏi đến thu nhập họ không nói đến tiền bán gỗ trái phép.

ở Thài Phìn Tủng (dân tộc H’Mông trắng), huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, nói là ruộng đất nhưng thực chất là các hốc đá. Việc đo đạc để xác định chính xác là rất khó khăn. Cán bộ nông nghiệp huyện Đồng Văn đã dùng phương pháp quy đổi, dựa trên số lượng hạt giống để tính ra diện tích gieo trồng. Theo số liệu điều tra trong số 40 hộ ở Thài Phìn Tủng thì có đến 28 hộ có sổ đỏ và 33 hộ có sổ xanh. Qua thực tế điều tra thì thực chất sở hữu đất đai ở đây chủ yếu vẫn giao theo nguồn gốc “cha ông”, “tổ tiên” hay chiếm đoạt mà có, vì thế có hộ nhiều đất, có hộ thì quá ít đất.

ở Bản Tát (dân tộc Tày), huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình, có thời gian các hộ gia đình đã có sổ xanh, sổ đỏ, ruộng nước, đất khô và rừng đã được chia. Nhưng việc phân chia đất rừng trong sổ sách không khớp với trên thực tế nên sổ lại bị thu lại, hiện nay cũng chưa phân định rõ ràng. ở Bản Tát canh tác nương rẫy đang còn duy trì một cách phổ biến. Thực chất diện tích nương vẫn là hình thức khai phá, chiếm đoạt. Hàng năm xã xác định cho một khu rừng nào đó rồi dân đến khai phá, phát đốt làm nương rẫy, không xác định về diện tích, ai đến sớm chiếm nhiều, ai đến sau, hết đất chiếm ít, và dân tự thương lượng với nhau, nhường nhịn nhau để có đất làm nương. Vì vậy, có hộ có nhiều nương, có hộ thì ít nương.

Nhìn chung ở các vùng sâu, vùng xa việc thực hiện chính sách Nhà nước về giao đất, giao rừng vẫn gặp nhiều khó khăn. Một mặt là kỹ thuật xác định ranh giới sở hữu và kinh phí cho việc đo đếm, xác lập bản đồ ở những vùng sâu, vùng xa như ở Khe Nóng, Thài Phìn Tủng, Tát là rất tốn kém. Mặt khác, một số trong những khó khăn nói trên phải kế đến là tính đặc thù dân tộc, phong tục tập quán mà thường các chính sách ít đề cập đến. Ví dụ, các cư dân canh tác nương rẫy như người Đan Lai ở Khe Nóng, người Tày ở Bản Tát và một số dân tộc thiểu số khác có truyền thống sở hữu ruộng đất cộng đồng, trong họ chưa hình thành sở hữu cá nhân. ở đây có lẽ vấn đề sở hữu đất đai, luật pháp và chính sách cần phải chú ý hơn khía cạnh văn hoá, truyền thống của từng nhóm dân tộc. Có những nhóm dân tộc từ trước đến nay chỉ có sở hữu cộng đồng. Các thành viên trong buôn làng vừa có quyền khai thác, sử dụng với sự đồng ý của cộng đồng thông qua già làng, trưởng bản, vừa có trách nhiệm bảo vệ, nhất là các khu vực rừng đầu nguồn, rừng thiêng và nguồn nước. Cũng như ở Bản Tát, xã chỉ cho một mảnh rừng ót (rừng thứ sinh) nào đó rồi bà con đưa nhau đến khai phá làm nương rẫy. Vì vậy, việc kết hợp được phong tục, tập quán và luật pháp hiện hành là rất cần thiết và có như vậy thì việc giao đất, giao rừng, quán lý đất đai, sở hữu đất đai ở các vùng dân tộc mới đi vào thực tế.

Một vấn đề khác là chính sách đất đai chỉ tập trung vào diện tích mà ít quan tâm đến chất lượng đất sử dụng trong sản xuất. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều nước trên thế giới, thể hiện qua các nghiên cứu về sở hữu đất đai thường đề cập đến sự công bằng trên cơ sở diện tích. Ví dụ, chênh lệch diện tích sở hữu đất đai giữa người nhiều đất nhất và ít đất nhất (không tính người không có đất) ở Châu Mỹ La tinh như ở Brasil hệ số Gini là 0,85 và ở Pê Ru là 0,95. ở các nước Nam á như ấn Độ, Pakistan khoảng 0,61 (Terry McKinley and Keith Griffin, 1993). ở Việt Nam theo nghiên cứu trên 5 điểm ở vùng núi của chúng tôi, hệ số Gini diện tích trung bình khẩu là: Khe Nóng – 0,38; Thài Phìn Tủng – 0,35; Tát – 0,49; Ngọc Tân – 0,34; Làng Thao – 0,45. Như vậy mức độ chênh lệch về diện tích đất ở đây là không lớn. Tuy nhiên, chênh lệch về giá trị sử dụng trong sản xuất có thể lớn do chất lượng đất khác nhau.

Chính sách đất đai còn liên quan đến tính công bằng xã hội. Hiện nay ở nhiều nơi, nhất là vùng trung du, miền núi đang phát triển mạnh mẽ mô hình kinh tế trang trại, kinh tế đồi rừng. Luật đất đai cho phép chuyển nhượng đất, nên một số gia đình có tiền, tích tụ ruộng đất để hình thành mô hình trang trại và đang được Nhà nước khuyến khích. Nếu những nơi đất chưa sử dụng còn nhiều thì việc tích tụ đất cho trang trại không thành vấn đề. Nhưng thực tế trên các điểm nghiên cứu nói riêng và miền núi Việt Nam nói chung, đất đang là tài nguyên hạn hẹp, không có đất hoang trống. Việc thành lập trang trại chỉ có thể thực hiện được bằng cách tích tụ đất, mua đất từ các hộ gia đình. Thực tế một số hộ nghèo, thiếu lao động đã nhượng đất để đi làm thuê. Như vậy, vô hình trung một số gia đình khá giả trở thành ông chủ đất mới và một số người lại trở thành người làm thuê, không miếng đất cắm dùi. ở một số địa phương miền núi đã có tình hình 10-15% số hộ nông dân nghèo không có ruộng đất canh tác (Nguyễn Thị Hằng, 1998).

III. Dân cư, dân số

Theo số liệu điều tra dân số năm 1999 thì Việt Nam có 76.323.173 người thuộc 54 dân tộc, trong đó người Kinh có tới 65.795.718 người chiếm 86,2%. Các dân tộc thiểu số chủ yếu sống ở vùng trung du, miền núi chiếm 13,8%. Mặc dù sống trong điều kiện địa hình phức tạp, môi trường đa dạng nhưng cũng có thể nhận biết một cách tương đối dễ dàng địa bàn cư trú của mỗi nhóm dân tộc. ở vùng núi phía Bắc các dân tộc Thái, Mường, Tày, Nùng cư trú ở các vùng thấp, trong các thung lũng. Các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khơme, Ca đai, Dao cư trú ở rẻo giữa, ở trên cao là dân tộc H’Mông. Theo dãy Trường Sơn từ Bắc vào Nam, dọc biên giới Việt – Lào là các dân tộc thuộc nhóm Môn – Khơme Bắc Trưòng Sơn và nhóm ngôn ngữ Môn – Khơme trung Trường Sơn rồi nhóm ngôn ngữ Nam Đảo và cuối cùng là nhóm ngôn ngữ Nam Trường Sơn hoặc gọi là Nam Tây Nguyên. Người Kinh là dân tộc đa số chủ yếu sống ở vùng đồng bằng, nhưng qua quá trình di cư, chuyển cư lên miền núi để tăng cường lực lượng cán bộ và phát triển các cùng kinh tế mới, hiện nay số người Kinh ở miền núi đã chiếm hơn một nửa.

Nhìn lại mười năm, thời gian giữa hai cuộc Tổng điều tra dân số (1989 – 1999) cho thấy công tác dân số kế hoạch hoá gia đình đã thu được những kết quả khả quan. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên trong cả nước ở giai đoạn này là 1,7% bình quân/năm (mười năm trước đó bình quân tăng mỗi năm là 2,1%). Tuy nhiên, các dân tộc vùng cao con số này còn rất lớn như Hà Nhì, H’Mông là 3,4%, SiLa 3,5%, Chơ Ro, Pa Thẻn 4,1%, Rmăm 4,4% v.v.. Một số dân tộc khác như Xinh Mun lên tới 5,0%, Pu Péo 6,1%, Kháng 9,6%. Chênh lệch về tỷ lệ sinh thô ở vùng đồng bằng và miền núi đang là một khoảng cách lớn. So sánh các tỉnh miền Bắc trung bình ở 3 tỉnh Hà Nội, Hải Phòng và Thái Bình, tỷ lệ sinh thô ở năm 1999 là 15%o, trong lúc đó trung bình 3 tỉnh miền núi: Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu là 33,03%o. Như vậy chênh lệch đến hơn 2,2 lần. So sánh các tỉnh Vĩnh Long, Thành phố Hồ Chí Minh ở Đồng bằng sông Cửu Long với Gia Lai, Kon Tum, Tây Nguyên thì con số chênh lệch này cũng tương tự.

Nhìn về tỷ suất sinh thô, so sánh giữa hai vùng đồng bằng và miền núi tính trên 1.000 dân ở năm 1999 cho thấy các tỉnh vùng đồng bằng đều chỉ ở mức đơn vị là 4, còn ở các tỉnh miền núi ở mức đơn vị là 8, thậm chí ở Hà Giang là 10, Kon Tum là 11. Tuy nhiên, tỷ lệ chết trẻ sơ sinh ở các tỉnh đồng bằng và thành phố chỉ 10%o đến 20%o. Trong lúc đó ở miền núi phần lớn là 60%o, có tỉnh như Kon Tum lên đến 82,64%o. Những con số trên đây cho thấy ở các tỉnh miền núi, hệ thống y tế, chăm sóc sức khoẻ người dân nói chung, sức khoẻ sinh sản nói riêng đang gặp rất nhiều khó khăn. Nếu như số phường, xã ở vùng đồng bằng số bác sĩ chiếm tỷ lệ khá cao từ 70 đến gần 100% thì các phường xã vùng miền núi chưa đến 2%, có nơi như Lai Châu, Sơn La là 0%. Số phường xã ở các tỉnh vùng đồng bằng chưa có trạm y tế chỉ từ 1-2 đến 5-7 xã thì vùng miền núi là 45-50 xã đến 90 xã, ở Lạng Sơn có đến 94 xã. (Khổng Diễn, 2001).

Nhìn về cấu trúc tuổi dân số cho thấy số dân dưới tuổi lao động (0-14 tuổi) trong cả nước năm 1999 là 33,1%. Trong lúc đó ở miền núi có tới 18 dân tộc, con số đó là trên 45%, thậm chí có dân tộc như H’Mông là 50,29%. Nếu cộng cả số người dưới tuổi lao động và số người già trên tuổi lao động thì có khá nhiều dân tộc, một người lao động phải nuôi trên một người ăn theo. Với tỷ lệ dân số trẻ ở miền núi như hiện nay và hiện tượng kết hôn sớm đang rất phổ biến, báo động cho một xu hướng tăng dân số trong vài thập niên tới là không thể tránh khỏi.

Mặc dù chúng ta đã có một chương trình Dân số và Kế hoạch hoá gia đình, Đảng và Nhà nước đã đề ra cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch từ đầu những năm 60, đã có hàng trăm văn bản, hàng chục nghị quyết về dân số nhưng mới chỉ có 2 văn bản đề cập đến dân tộc thiểu số và miền núi, nhưng lại là để “ưu tiên” hoặc khuyến khích phát triển dân số, đó là Quyết định 94-CP năm 1970: ” Đối với các dân tộc thiểu số vùng núi, rẻo cao cần khuyến khích phát triển dân số”, hoặc Quyết định 162-HĐBT năm 1988 “Tuổi sinh đẻ là 22 tuổi đối với phụ nữ, 24 tuổi đối với nam ở khu vực đô thị, các nơi khác là 19 và 22 tuổi. Số con được sinh tối đa nói chung là 2 con, ở các vùng núi phía Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ là 3”. Để khắc phục vấn đề dân số cần phải thực hiện chính sách dân số – kế hoạch hoá gia đình một cách khắt khe ngay từ bây giờ thì may ra sau một vài thế hệ mới cải thiện được vấn đề dân số ở miền núi.

Xét về chất lượng lao động, trước hết nói đến trình độ học vấn, xét tỷ lệ số người từ 5 tuổi trở lên chưa bao giờ đi học ở một số nhóm dân tộc (1999) cho thấy: Các nhóm dân tộc sống ở vùng đồng bằng như Kinh, số người chưa bao giờ đi học là 7,41%. Các dân tộc sống trong các vùng thấp, trong các thung lũng như Mường, Tày, Nùng, Thái, Hoa chiếm từ 8 đến 16%. Trong lúc đó các dân tộc sống ở vùng cao, sâu, xa con số đó hầu hết trên 50%, đa số là trên 56%, có dân tộc xấp xỉ hoặc trên 70% (H’Mông 69%, Mảng 71,64%, La Hủ 90,52%). ở đây không những có sự chênh lệch giữa các nhóm dân tộc mà còn có khoảng cách lớn về giới. Có đến 10 dân tộc có tỷ lệ phụ nữ chưa bao giờ đến trường, chiếm từ 70% trở lên. Với trình độ học vấn như vậy, rõ ràng việc tiếp thu khoa học kỹ thuật tiên tiến, tổ chức, quy hoạch sản xuất hợp lý là rất hạn chế. Lao động ở vùng nông thôn miền núi vẫn là trong tình trạng lạc hậu, năng suất rất thấp.

Cùng với việc tăng dân số tại chỗ, miền núi đã và đang tiếp nhận một bộ phận dân cư, hàng triệu người chuyển từ vùng đồng bằng đông đúc lên miền núi để phát triển kinh tế, cùng với phong trào di dân tự do những năm gần đây đã đưa tốc độ tăng dân số lên hơn 300%. ở ba tỉnh Tây Nguyên: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, theo niên giám thống kê 1999 thì tổng số dân năm 1991 là 1.981.011 người, đến năm 1999 con số đó đã lên đến 3.072.891 người, gấp 1,55 lần. Riêng tỉnh Đắk Lắk dân số tăng lên gấp 5 lần kể từ năm 1979 đến năm 1999. Trong 10 năm cả nước tăng 17,67%, trong lúc đó Tây Nguyên tăng 58,41%, Tây Bắc 21,35%. Tỷ lệ dân tộc Kinh ở miền núi tăng 35-45% ở những năm cuối 80 đầu 90 và hiện nay là 45-75%. Mật độ trung bình dân số miền núi đã tăng lên từ 70 đến 100 người/km2. Việc di dân tự do ồ ạt làm cho các chính quyền địa phương nơi nhập cư đã không kiểm soát được. Cùng với sự gia tăng dân số, thêm vào đó sự áp đặt kinh nghiệm canh tác từ vùng đồng bằng vào vùng đất dốc đã làm cho nhiều vấn đề môi trường trở nên trầm trọng hơn. Việc di cư tự do đã tạo nên cạnh tranh về đất đai và đẩy một bộ phận dân cư lùi sâu vào rừng, do vậy rừng lại tiếp tục bị tàn phá.

IV. Định canh định cư

Vấn đề dân số và quyền sở hữu đất đai, sử dụng đất đai liên quan đến Chương trình định canh định cư (ĐCĐC). Nghị quyết số 38-CP ngày 12/3/1968 nêu toàn diện công tác định canh định cư, một trong những nhiệm vụ chiến lược quan trọng của đất nước nhằm ổn định làm ăn cho hơn 3 triệu người thuộc 52 dân tộc trong diện du canh du cư trên cả nước.

Năm 1992 công tác định canh định cư đưa vào chương trình 327. Nghị quyết 556 năm 1995 tách ĐCĐC ra khỏi 327. Hiện nay cả hai chương trình đều do bộ NN va PTNT thực hiện nên công tác ĐCĐC vẫn thực hiện theo cơ chế của 327. Cho đến năm 1995 đối tượng vận động định canh định cư là 503.444 hộ (3.063.912 nhân khẩu), trong đó diện du canh du cư có 191.881 hộ (1.240.225 nhân khẩu). Diện định cư du canh gồm 311.563 hộ (1.823.225 nhân khẩu). Sau hơn 30 năm thực hiện công tác định canh định cư, đến nay đã có 167 ngàn hộ (trong số 503.444 hộ, 1995) đã hoàn thành và hoàn thành cơ bản ĐCĐC (Đỗ Văn Hoà, 2002).

Công tác định canh, định cư thực hiện mấy chục năm vừa qua đã có một số kết quả nhất định, nhưng cũng bộc lộ nhiều khiếm khuyết. Chẳng hạn, trong định canh, định cư chỉ chú trọng nhiều đến việc xây dựng cơ bản trước mắt, nhà cửa, đường sá mà ít chú ý đến điều kiện làm ăn, sinh sống lâu dài. ít chú ý đến sự tham gia của nhân dân địa phương, là những chủ thể đáng ra phải được tự đề xuất, bàn bạc và trực tiếp quyết định các vấn đề phát triển kinh tế – xã hội của mình, cho phù hợp với điều kiện từng vùng, văn hoá của từng dân tộc thì công tác ĐCĐC lại ít chú ý đến đặc điểm đặc thù đó mà thường áp đặt các mô hình văn hoá từ ngoài vào. Cần phải duy trì và phát triển các giá trị văn hoá truyền thống của các tộc người. Mặt khác, mấy năm vừa qua bộ máy quản lý ĐCĐC liên tục thay đổi: Lúc đầu (1968) trực thuộc chính phủ, 1971 thuộc Bộ Nông Nghiệp, 1978 thuộc bộ Lâm Nghiệp, 1992 sang Uỷ Ban Dân tộc và Miền núi (UBDTMN), 1996 sang Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Mỗi một lần ở trung ương thay đổi như vậy thì địa phương cũng thay đổi theo làm cho công tác quản lý luôn luôn bị xáo trộn. Những năm qua đầu tư cho ĐCĐC nhiều nhưng dàn trải, ít hiệu quả, nội dung, đối tượng và phương pháp thực hiện chưa rõ ràng. ý kiến của một số cán bộ định canh định cư cho rằng: Nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều thủ trưởng có liên quan còn thờ ơ, xem nhẹ công tác ĐCĐC. Không ít cán bộ lúng túng trong công tác này, bởi cả nước cũng chẳng có trường nào, cấp học nào đào tạo nghề ĐCĐC. Cái yếu cộng thêm tiêu cực, dẫn đến một số người, số nơi coi tổ chức định canh định cư là “phòng đợi”, “túi đựng” cán bộ thừa… (Quyết Thắng, Báo Nhân Dân, ngày 10/12/1997).

V. Môi trường suy thoái

Dân số là một nhân tố vô cùng quan trọng, đứng hàng đầu trong mối quan hệ với tài nguyên và môi trường. Đây là mối quan hệ hữu cơ, tăng giảm đối ngược nhau. Nếu không kiểm soát được dân số thì môi trường sẽ bị suy giảm trước áp lực của dân số. Một ví dụ về mối quan hệ giữa mật độ dân số và hiện trạng sinh thái, trường hợp nghiên cứu của chúng tôi trên 5 cộng đồng mẫu cho thấy mật độ dân số cao thường là nguyên nhân chính gây nên sự suy thoái môi trường. Tuy nhiên, trong mối quan hệ gia tăng dân số với phát triển và đói nghèo hiển nhiên là mối quan hệ phức tạp và là động lực gây ra suy thoái môi trường.

Đối với môi trường miền núi thì rừng là nguồn tài nguyên sinh vật quý giá nhất, đóng vai trò quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. Với địa hình cao dốc, cắt xẻ mạnh ở miền núi, rừng ở miền núi hạn chế lũ lụt, chống xói mòn đất, điều hoà khí hậu, bảo tồn nguồn nước mặt và nước ngầm, giảm nhẹ ô nhiễm môi trường và sức tàn phá của thiên tai. Do điều kiện địa lý kéo dài trên nhiều vĩ tuyến và cao độ, từ vùng khí hậu nhiệt đới phía Nam đến vùng khí hậu ôn hoà ở các vùng núi phía Bắc đã tạo nên sự đa dạng về các hệ sinh thái rừng, với nguồn tài nguyên rừng phong phú và đa dạng. Năm 1943 nước ta có khoảng 14.325.000 ha rừng, chiếm 43,70% diện tích rừng che phủ trong cả nước. Đến năm 1990 chỉ còn lại khoảng 9.175.600 ha chiếm 28%.

Bảng 1.1. Sự thay đổi độ che phủ rừng giữa 1943 và năm 2000

Năm      Diện tích (ha) Độ che phủ(%)
Rừng tự nhiên Rừng trồng Tổng số
1943

14.325.000

000

14.325.000

43,70

  1975 (6)

11.076.700

92.600

11.169.000

34,00

1980

10.186.000

422.300

10.608.000

32,40

1985

9.308.300

583.600

  9.891.900

30,10

1990

8.430.700

744.900

  9.175.600

28,00

1995

8.252.500

1.049.700

  9.302.200

28,50

2000

9,444,198

1,471,394

10.915.592

33,20

Nguồn:   FIPI 1995,  Ban chỉ đạo kiểm kê rừng Trung ương, 2001.

Đến nay, nhờ những nỗ lực to lớn trong công tác phục hồi rừng và trồng rừng, độ che phủ rừng đã lên tới 33,20% với tổng diện tích 10.915.592 ha trong đó diện tích rừng tự nhiên là 9.444.198 ha, bao gồm rừng gỗ 7.779.647 ha, rừng tre nứa 789.221 ha, rừng hỗn giao giữa rừng lá rộng và tre nứa, rừng lá rộng và lá kim 702.871 ha, rừng ngập mặn 71.020 ha và rừng trồng là 1.471.394 ha (Bảng1.1).

Thực hiện chính sách giao rừng, hiện nay trong cả nước, có 7.956 ha đã được Nhà nước giao và công nhận quyền sử dụng đất hợp pháp cho các “chủ rừng”:

– Doanh nghiệp Nhà nước được giao                                     3.578.394 ha

– Ban quản lý rừng phòng hộ được giao                               1.025.204 ha

– Ban quản lý rừng đặc dụng được giao                                 1.126.979 ha

– Xí nghiệp liên doanh được giao                                            15.116 ha

– Các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang được giao               204.764 ha

– Hộ gia đình và đơn vị tập thể được giao                             2.006.464 ha

Ngoài việc giao rừng còn thực hiện hình thức “nhận khoán bảo vệ rừng”. Tới nay đã có 918.326 ha rừng đã được nhận khoán quản lý bảo vệ và 214.000 ha rừng đã được các cộng đồng địa phương quản lý theo hình thức truyền thống (Hà Công Tuấn, 2001). Nhờ công tác giao khoán bảo vệ rừng mà tốc độ phá rừng ngày càng giảm đi rõ rệt; năm 1991 có 20.257 ha rừng bị phá, năm 1995 giảm xuống còn 18.914 ha và năm 2000 chỉ còn là 3.542 ha.

Mặc dù diện tích che phủ rừng có tăng nhưng chất lượng rừng vẫn ngày càng giảm sút; rừng giầu và trung bình chỉ còn 1,4 triệu ha (13%); rừng gỗ nghèo kiệt, rừng non 6 triệu ha (55%) (Vũ Văn Dũng, 2001). Trong giai đoạn từ năm 1990 đến nay, chiều hướng biến chuyến về rừng tự nhiên toàn quốc cơ bản vẫn trong tình trạng suy thoái, còn xa mức ổn định và chưa đạt hiệu quả bảo vệ môi trường. Một số diện tích rừng thứ sinh tự nhiên đang phục hồi, nhưng phần lớn rừng phục hồi và rừng trồng chưa đến tuổi thành thục đã bị xâm hại, chặt đốn, khai hoang. Rừng phòng hộ đầu nguồn trên các lưu vực sông vẫn đang bị xâm hại, độ che phủ trung bình chỉ còn khoảng dưới 20%, mà mức báo động là 30% (Võ Quý, 2002).

Diễn biến về sự thay đổi diện tích rừng do nhiều nguyên nhân. Trước hết về mặt quán lý Nhà nước trong nhiều thập niên đã có những chủ trương chưa phù hợp. Từ những năm 50 song song với việc thành lập các hợp tác xã nông nghiệp, hầu hết rừng và đất rừng nằm dưới sự quản lý của hợp tác xã và các lâm trường nhà  nước. Chính sách lâm nghiệp lúc bấy giờ chủ yếu tập trung vào khai thác gỗ và các sản phẩm phi gỗ để bán và mở mang diện tích đất nông nghiệp theo kế hoạch mà không dựa vào khả năng của rừng. ở Tây Nguyên  Nhà nước lấy đất cho các lâm trường tính ra cũng đến 90%. Đắk Lắk chỉ tiêu khai thác có năm lên đến 500.000m3 và  trong vòng 10 năm đã tàn phá 32.000 ha mà chỉ trồng mới được có 9.000 ha. Mặt khác, du canh vẫn tồn tại ở một số nhóm dân tộc cho đến tận ngày nay. Theo Đỗ Đình Sâm (1994) thì có khoảng 24 triệu người sống trong rừng và xung quanh các vùng rừng. Trong đó có khoảng 9 triệu người dân tộc thiểu số thì có 2.879.685 người thuộc 482.512 hộ sống bằng nghề nương rẫy. Vì vậy, rừng bị khai thác quá mức, suy thoái trầm trọng. Đến năm 1968 chính phủ mới đề ra chương trình định canh định cư, nhưng thực hiện không mấy thành công.

VI. Canh tác nương rẫy

Từ xưa, nương rẫy vẫn là nguồn sống quan trọng của các dân tộc vùng núi. Một trong những tác động mạnh mẽ nhất giữa con người và sinh quyển trong nông nghiệp là canh tác nương rẫy. Canh tác nương rẫy là một hình thái nông nghiệp cổ sơ nhất, tàn phá tài nguyên rừng mạnh mẽ nhất. Đó là phương thức phát và đốt, khởi đầu của nền trồng trọt. Nông nghiệp phát đốt  đã được áp dụng từ kỷ nguyên Neolithic, không những ở các vùng nhiệt đới châu Phi, châu Mỹ, châu á – Thái Bình Dương mà cả châu Âu, bao gồm nhiều dân tộc có nguồn gốc khác nhau (Spenser, 1966). Người nguyên thuỷ, khởi đầu dựa vào các đám cháy rừng tự nhiên rồi về sau mới biết phát đốt để gieo trồng. ở vùng nhiệt đới, á nhiệt đới, nền nông nghiệp cổ sơ ấy tồn tại dai dẳng cho đến ngày nay với nhiều tên gọi khác nhau: La đang, Hu ma (Indonesia), Jhum (án Độ), chena (Sri Lanca), kai gan (Philippin), ray (Thái Lan, Đông Dương). Trong tiếng Anh cũng dùng nhiều tên gọi khác nhau: slash and burn, shifting cultivation, swidden agriculture. Trong tiếng Việt chúng tôi gọi là “canh tác nương rẫy”.

Có thể định nghĩa Canh tác nương rẫy là một hệ thống nông nghiệp phát đốt mà thời kỳ gieo trồng thường ngắn hơn thời kỳ bỏ hoá. Đặc điểm chung của loại hình trồng trọt này là phát đốt các khu rừng nguyên sinh hay thứ sinh, chọc lỗ, tra hạt, không bón phân, canh tác khoảng hai, ba vụ, đất bị kiệt mầu, bỏ hoá cho rừng tái sinh trở lại. Nhiều nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng, muốn đảm bảo tối thiểu cho cư dân nương rẫy thì chỉ có thể giới hạn từ 5 đến 10 người trên 1 km2 rừng. Có như thế rừng mới tái sinh kịp. ở Việt Nam, một hộ gia đình đồng bào dân tộc vùng cao (6-7 người) muốn đủ lương thực ăn phải gieo trồng trên diện tích 2-3 ha (lúa, ngô) hàng năm và cần có diện tích nương rẫy du canh 10 -15 ha. Có nghĩa là sau 2-3 năm canh tác rồi bỏ hoang và đi nơi  khác để phát đốt. Sau 10-15 năm khi rừng đã tái sinh, người nông dân lại trở lại khai phá mảnh rẫy cũ của mình. Trong trường hợp này có thể nói phương thức sản xuất nương rẫy quay vòng là hợp lý. Tuy  nhiên, ngày nay do áp lực của dân số, tỷ lệ đất và người đã thay đổi, chu kỳ bỏ hoá ngày càng ngắn, năng suất lúa nương chỉ đạt 600-700kg/ha. Nông nghiệp nương  rẫy vùng núi nhiều nơi đã chuyển từ canh tác nương rẫy cổ truyền du canh du cư sang du canh định cư. Có nhiều bản làng đã định cư hàng trăm năm. Bên cạnh phương thức canh tác nương rẫy du canh là phương thức sản xuất chính, người nông dân vẫn thực hiện phương thức thu hái, săn bắt nhiều sản phẩm trong các hệ sinh thái rừng tự nhiên để tiêu dùng hoặc trao đổi, bán chác trên thị trường. Mặt khác họ cũng phát triển đồng thời một hệ thống nông nghiệp định canh trên nhiều thể loại khác nhau, nương cuốc, nương cầy, tìm kiếm, cải tiến, tận dụng tài nguyên đất, nhằm tìm ra phương thức canh tác hợp lý hơn, sản xuất ra nhiều của cải duy trì sản xuất lâu dài, nâng cao thu nhập ổn định cuộc sống. Mặc dù thế, theo tính toán vào những năm 1970-1990 ở khu vực miền núi, mỗi năm mất hàng trăm nghìn ha rừng tự nhiên, trong đó phá rừng khai hoang làm nương rẫy khoảng 50.000 ha/năm (Đỗ Văn Hoà, 2002). Du canh cũng đã dẫn đến di dân tự do, khi đất ngày càng khan hiếm buộc người dân phải di chuyển xa hơn để tìm đất trồng trọt.

Ngoài việc khai hoang mở mang đất nông nghiệp còn các công trình đường điện, thuỷ điện, làm đường, cháy rừng, chiến tranh chất độc hoá học đã làm cho rừng ngày càng suy thoái trầm trọng. Vì vậy, trong thời kỳ trước năm 1990 rừng liên tục bị tàn phá, hàng năm trung bình mất đi từ 200 đến 300 nghìn ha. Trong 10 năm trở lại đây, thực hiện chủ trương chuyển đổi từ nền lâm nghiệp Nhà nước tập trung sang nền lâm nghiệp xã hội. Chính phủ đã giao quyền sử dụng đất lâm nghiệp chưa có rừng một cách ổn định lâu dài trên 2 triệu ha cho các tổ chức và hộ nông dân, trong đó có 1,4 triệu ha đã giao cho hộ gia đình để trồng rừng, trồng cây ăn quả lâu năm, cây công nghiệp sở hữu tư nhân, hình thành các loại chủ rừng thuộc nhiều thành phần kinh tế khác nhau (Nguyễn Ngọc Lung, 2002). Vì vậy, rừng được bảo vệ, mức độ suy thoái ngày càng giảm đi rõ rệt.

Mặc dù chúng ta đã có rất nhiều cố gắng và đã đạt được những kết quả nhất định trong việc phục hồi và phát triển vốn rừng. Tuy nhiên, chính sách giao rừng và cơ chế thực hiện chưa đủ để đảm bảo cuộc sống cho người dân, chưa khuyến khích nông dân các dân tộc trồng rừng, đầu tư để kinh doanh rừng. Rừng chưa phải là nguồn sống chính của người làm rừng. Mức khoán 50.000 đồng trên 1 ha nhưng thực tế người dân chỉ nhận được 30.000 – 40.000đ là mức quá thấp, không tương xứng với công sức bỏ ra để bảo vệ rừng. Và bảo vệ như vậy rồi họ được hưởng lợi nhuận gì cũng chưa rõ. Có nơi  khi nhận rừng để bảo vệ lại còn phải trả tiền. Một hộ nông dân nhận 10 ha rừng để bảo vệ phải nộp 500.000đ để làm giấy tờ, thủ tục. Mặt khác, chưa có chính sách phát triển nguồn nhân lực thực sự ở người dân để đưa họ trở thành người làm nghề rừng thực thụ. Vì vậy, phải có chính sách dạy nghề, tạo ra nguồn nhân lực, phổ cập, bồi dưỡng kiến thức thực tiễn về nghề rừng cho quảng đại nhân dân làm lâm nghiệp.

VII. Rừng trồng và chương trình 5 triệu ha rừng

Về rừng trồng, năm 1975 pháp lệnh bảo vệ rừng đã được ban hành. Pháp lệnh này bao gồm các quy định về quản lý rừng, trồng rừng, chống sâu bệnh và cháy rừng. Thực chất thì từ năm 1965 Nhà nước đã chú ý đến công tác trồng rừng. Và năm 1975 chúng ta đã có một diện tích rừng trồng là 92.600 ha. Con số này đến nay (1999), sau gần 30 năm đã lên đến 1.471.394 ha. Để có được diện tích rừng trồng như vậy, chúng ta đã phải trải qua bao nhiêu thách thức, có nơi trồng đi, trồng lại nhiều lần, tính trung bình mỗi năm chúng ta cũng chỉ trồng được khoảng gần 50.000 ha.

Về chương trình trồng 5 triệu ha rừng trong thời gian 10 năm, tức là đến năm 2010 có thể nâng tỷ lệ che phủ của rừng lên 45%. Kể ra, trong 10 năm mà đạt được con số như vậy rõ ràng  là một thách thức lớn. Trong suốt 30 năm qua, bình quân mỗi năm chỉ trồng thành rừng khoảng gần 50.000 ha. Hiện nay ta đã có gần 1.500.000ha. Để đạt được con số 5 triệu ha rừng trồng trong 10 năm thì có nghĩa hàng năm phải trồng thành rừng  350.000 ha,  gấp 7 lần trước đây. Mặt khác đất đang là nguồn tài nguyên rất hạn chế. Mặc dù ta đang có một diện tích rộng lớn đất không có rừng, nhưng không phải đất nào cũng có thể trồng rừng, một phần đất còn để làm nương rẫy, đất làm bãi chăn thả, và các công trình khác, v.v. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất ở đây là đặt ra một tốc độ trồng rừng nhanh như vậy sẽ không thể thực hiện được. Các địa phương chạy theo diện tích, trồng rừng mà không thành rừng, trồng đi, trồng lại, diện tích trồng rừng thì nhiều mà diện tích thành rừng thì chẳng bao nhiêu như trước đây. Trong tổng kết 2 năm trồng rừng của chương trình 5 triệu ha; chỉ lấy một con số 10.000 ha gieo bay cũng khó khẳng định được nó có thành rừng hay không. ở Thái Lan trước đây cũng đã có một chương trình tương tự  như vậy. Năm 1994 để ứng phó với tình trạng mất rừng nghiêm trọng chính phủ đã đề ra “Cuộc vận động trồng rừng để kỷ niệm 50 năm lên ngôi của Đức vua”, trong thời gian 3 năm dự định trồng 800.000 ha với các loài cây bản địa. Nhưng thực tế sau 3 năm thực hiện, kiểm kê lại thì chỉ trồng được 204.800 ha. đạt 25,5% kế hoạch. (Colin McQuistan, 1999). [ ITTI Tropical Forest Update 1999/1]. Chúng ta ủng hộ chủ trương này nhưng phải quy hoạch hợp lý, không nên thuần tuý xem đây là một cơ hội mà bất chấp thời gian. Đây chưa nói đến trường hợp vì không có kiến thức về lâm nghiệp, về trồng và bảo vệ rừng hay vì phong trào, lợi nhuận từ đề tài nhận được, hay vì thành tích mà có trường hợp như trong chương trình 327, trồng rừng cây bản địa ở Bãi ổi huyện Con Cuông, Nghệ An hay ở Thái Nguyên gần đây người ta chặt rừng tự nhiên đang phục hồi để trồng lại rừng cây vườn ươm.

VIII. Đa dạng sinh học

Về hiện trạng đa dạng sinh học, chúng tôi chỉ đề cập đến hai mức độ: Đa dạng loài và đa dạng hệ sinh thái. Đa dạng hệ sinh thái được tập trung vào các khu rừng đặc dụng (theo ngôn ngữ của bộ Lâm nghiệp) hay nói đúng hơn là hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên. Hiện nay, chúng ta đã có trên 100 khu rừng đặc dụng với diện tích trên 2 triệu ha. ở vùng núi có khoảng 80 khu rừng đặc dụng với diện tích gần 2 triệu hecta đã được thành lập. Mục đích xây dựng các hệ sinh thái rừng đặc dụng là để bảo tồn các sinh cảnh rừng khác nhau, bảo tồn nguồn gen động vật và thực vật rừng, bảo tồn các khu rừng có giá trị về cảnh quan, văn hoá, lịch sử và bảo vệ sức khoẻ con người, phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, giáo dục và đào tạo. Trong các văn bản trước năm 2001 rừng đặc dụng được chia làm 3 hạng: Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên và rừng văn hoá, lịch sử và môi trường.  Gần đây trong Quy chế quản lý rừng đặc dụng mới ban hành theo Quyết định số 08-2001/QĐ-TTg ngày 11/1/2001 của Thủ tướng chính phủ, rừng đặc dụng được chia thành 3 hạng như cũ, riêng Khu bảo tồn thiên nhiên được chia thành 2 phân hạng: Khu dự trữ thiên nhiên và Khu bảo tồn loài/ sinh cảnh. Hiện nay nhiều khu bảo tồn mới đã được hình thành, hầu hết các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên đã được phê duyệt “Luận chúng kinh tế kỹ thuật” hay “Dự án đầu tư” và hình thành ban quản lý. Cũng trong giai đoạn này sự hỗ trợ quốc tế  cho công tác bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam đang được đẩy mạnh, Nhiều dự án đầu tư lớn đang được thực thi ở nhiều khu bảo tồn có tính đa dạng sinh học cao trong cả nước.

Ngoài các khu bảo tồn thiên nhiên, Việt Nam cũng đã tham gia vào hệ thống các khu Dự Trữ Sinh quyển  (Biosphere Reserve). Hiện nay, UNESCO quốc tế đã công nhận 2 khu dự trữ Sinh quyển Việt Nam: Khu Dự trữ Sinh quyển Cần Giờ và khu Dự trữ Sinh quyển Cát Tiên. Mạng lưới quốc tế các khu Dự trữ Sinh Quyển đại diện cho các hệ sinh thái toàn cầu đã được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc năm 1972 về Môi trường Con người ở Stockholm đề xuất xem như các mô hình trình diễn về chất lượng môi trường, giúp cho việc bảo tồn nguồn gen và cung cấp một mạng lưới hợp tác khoa học quốc tế. Đề xuất này chính là để quảng bá cho sự phát triển các khu Dự trữ Sinh quyển. Năm 1995, UNESCO đã tài trợ một cuộc hội nghị cho các nhà khoa học chia sẻ các kinh nghiêm về Khu Dự trữ Sinh quyển và phát triển, đề xuất một chiến lược cho việc phát triển hiệu quả các khu Dự trữ Sinh quyển. Uỷ ban Quốc gia Con Người và Sinh quyển Việt Nam đang tiếp tục đề xuất một số khu Dự trữ Sinh quyển khác dọc theo dãy Trường sơn, thậm chí cả các khu Dự trữ Sinh quyển liên biên giới (Transboundary Biosphere Reserves). Hiện nay trên thế giới đã có đến 411 khu Dự trữ Sinh quyển. Khu Dự trữ Sinh quyển thực sự là cơ sở cho việc bảo tồn văn hoá và thiên nhiên, là mô hình cho việc quản lý đất đai và phát triển bền vững. Nó cũng là cơ sở cho công tác nghiên cứu, giáo dục, đào tạo và quan trắc. Các khu Dự trữ Sinh quyển Việt Nam đang bắt đầu phát huy vai trò bảo tồn và phát triển bền vững.

IX. Bảo tồn loài

Diện tích rừng vùng núi chiếm khoảng 90% diện tích rừng trong cả nước, trong đó có trên 70% tổng số loài động thực vật và trên 90% các loài động thực vật quý hiếm. Cho đến nay Danh lục các loài thực vật Việt Nam (2001) đã thống kê được 368 loài Vi khuẩn lam (tiền nhân-Procaryota), 2.200 loài Nấm (Fungi), 2.176 loài Tảo (Algae), 481 loài Rêu (Bryophyta), 1 loài Quyết lá thông (Psilotophyta), 53 loài thông đất (Lycopodiophyta), 2 loài cỏ Tháp bút (Equisetophyta), 691 loài Dương xỉ (Polypodiophyta), 69 loài Hạt trần (Gymnospermae) và khoảng 13.000 loài thực vật hạt kín (Angiospermae) đưa tổng số loài thực vật Việt Nam lên đến hơn 20.000 loài. Trong các loài thực vật này có hơn 2.300 loài được nhân dân đưa vào sử dụng; làm đồ gỗ, xây dựng, làm thuốc, làm thực phẩm, làm thức ăn gia súc, làm cảnh, v.v..

Hệ động vật Việt Nam cũng rất phong phú. Đến nay đã thống kê được 225 loài thú, 828 loài chim, 259 loài Bò sát, 84 loài ếch nhái. Trong 10 năm trở lại đây đã phát hiện nhiều loài thú lớn ở miền núi vùng Bắc Trường Sơn như: Sao La – Pseudoryx nghetinhensis (1992), Mang Lớn – Megamuntiacus vuquangensis (1994), Bò sừng xoắn – Pseudonovibos spiralis (1994), Mang Trường Sơn – Canimuntiacus truongsonensis (1997). Và gần đây ba loài chim mới được phát hiện ở Tây Nguyên: loài  khướu Ngọc Linh (Garrulax ngoclinhensis), Khướu vằn mào đen (Actinodura sodangorum) và loài khướu Kong Ka Kinh (Garrulax konkakingensis) (Võ Quý, 2002). Nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú này đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế của đất nước.

Cũng cần phải thấy rằng mặc dù số lượng các loài động vật, thực vật Việt Nam rất phong phú và đa dạng, nhưng số lượng cá thể của mỗi loài không nhiều nên khi khai thác không hợp lý rất dễ bị nguy cơ tuyệt chủng. Trong sách đỏ Việt Nam (1996) phần thực vật đã thống kê được 356 loài đang có nguy cơ bị tuyệt diệt. Nhiều loài cây gỗ, cây thuốc quý đang trở nên rất hiếm như: cẩm lai, mun, trầm hương, lát hoa, sâm Ngọc Linh, vàng đắng, ba kích, v.v. Phần động vật (1992) cũng đã thống kê được 366 loài  đang có nguy cơ bị tuyệt diệt.

Những nguyên nhân làm suy giảm đa dạng sinh học là do sức ép của gia tăng dân số. Những người dân sống trong rừng và xung quanh các vùng rừng vẫn phải dựa vào việc thu hái lâm sản hoặc săn bắt động vật hoang dã để sống, đưa đến việc khai thác quá mức. Trình độ dân trí của người dân địa phương còn thấp, chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo vệ thiên nhiên đối với tương lai của con người. Chưa thực sự kết hợp giữa bảo tồn và phát triển, không những trong hoạt động của nhân dân mà cả trong các văn bản pháp luật của Nhà nước. Các cộng đồng địa phương còn ít được tham gia công tác quản lý bảo tồn thiên nhiên. Mặt khác, do nhu cầu gỗ quý và các loài động vật hoang dã, các sản phẩm phi gỗ ở thị trường trong và ngoài nước ngày càng tăng, nạn buôn bán gỗ và động vật hoang dã trái phép vẫn còn phổ biến là nguyên nhân chính của sự mất mát tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học. Chính phủ đã ra hàng loạt các văn bản pháp luật và chính sách liên quan đến công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, nhưng vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu nào để kiểm soát việc buôn bán này. Hàng loạt các hiện tượng suy thoái môi trường khác cũng đang diễn ra. Các hoạt động khai thác khoáng sản ở mức độ nhỏ đang làm ô nhiễm bằng các chất thuỷ ngân và arsenic.

Để khắc phục những khó khăn nói trên điều quan trọng trước tiên là sớm ổn định dân số, giảm nhẹ áp lực của dân số lên tài nguyên và môi trường. Phải biết kết hợp chặt chẽ giữa bảo tồn và phát triển, nâng cao mức sống cho nhân dân địa phương, phân phối công bằng lợi nhuận trong các cộng đồng. Cần phải có chính sách hợp lý đối với công tác bảo tồn, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong công tác quản lý và bảo tồn, kết hợp chặt chẽ giữa ban quản lý khu bảo tồn và chính quyền địa phương, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục cho quảng đại quần chúng, nhận thức đúng đắn công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tạo mô hình tốt cho mọi người noi theo. Tìm hiểu phong tục tập quán, luật tục, học hỏi các kiến thức địa phương vận dụng sáng tạo vào công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Đầu tư hơn nữa cho công tác bảo tồn thiên nhiên miền núi.

X. Phát triển nông nghiệp

Đối với  miền núi Việt Nam cư dân sống bằng nông nghiệp chiếm tỷ lệ trên 90%. Vì vậy, phát triển nông nghiệp đóng vị trí hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội vùng núi. Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách thể hiện những chủ trương đường lối cũng như những biện pháp cụ thể để phát triển nông nghiệp trong cả nước nói chung và miền núi, dân tộc thiểu số nói riêng. Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 5 tháng 4 năm 1988 của bộ Chính trị về đổi mới quản lý nông nghiệp, thường gọi là Khoán 10 đã làm xoay chuyển tình thế nông nghiệp trong cả nước. Sản xuất nông nghiệp những năm gần đây đã có những bước tiến nhảy vọt. Các loại cây trồng, vật nuôi đều được cải tiến, tăng cường áp dụng kỹ thuật mới, phân bón, đẩy mạnh tăng năng suất.

Trong 10 năm (1990 – 1999) giá trị sản xuất nông nghiệp 3 vùng miền núi tăng bình quân 7,1% năm, trong đó vùng có tốc độ tăng nhanh nhất là Tây Nguyên (19,4% năm). Mặc dù có tốc độ tăng trưởng sản xuất nông nghiệp khá lớn nhưng tỷ trọng của 3 vùng miền núi còn rất thấp, chỉ đạt 20% trong tổng giá trị nông nhiệp năm 1999, giảm 5% so với năm 1990. Tốc độ tăng lương thực ở miền núi không đuổi kịp tốc độ tăng dân số. Rừng bị tàn phá nặng nề, đất đai suy thoái mạnh do xói mòn, thực tế là thiếu tài nguyên đất để sản xuất nông nghiệp, năng suất lúa nương chỉ đạt được 500 đến 600 kg/ha. Ngoài ra, cơ cấu sản xuất, thị trường tiêu thụ đang còn nhiều bất cập. Vấn đề thể chế ở miền núi còn nhiều tồn tại, chưa thích hợp với các vùng, các đặc điểm truyền thống và dân tộc khác nhau. Các thể chế và hành động tập thể hiện nay còn chưa được xác định cho thích hợp với điều kiện tổ chức xã hội của vùng. Mặc dù trong thời gian qua công tác khuyến nông đã có nhiều cố gắng. Tuy nhiên, qua các điểm điều tra cho thấy nhiều nơi khuyến nông chưa đến được với dân, hoặc đến cũng chỉ phổ biến những kỹ thuật tiên tiến, chung chung chưa có những kỹ thuật thích hợp với điều kiện từng vùng, chưa kết hợp được kỹ thuật tiên tiến với truyền thống, chưa coi trọng tri thức địa phương. Có nơi gọi là làm khuyến nông nhưng thực chất chỉ làm công tác dịch vụ đơn thuần, chạy theo cơ chế kinh tế thị trường vận hành theo cơ chế lợi nhuận.

Trong nông nghiệp hiện nay ở miền núi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đang được đặc biệt quan tâm. Trong 10 năm qua những vùng trồng vải thiều như Lục Ngạn, cam quýt Tuyên Quang, Hà Giang, Na Đồng Hỷ nằm trên các trục đường giao thông thuận tiện đã thu được lợi nhuận không nhỏ. Tuy nhiên, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng là một vấn đề đòi hỏi nghiên cứu thận trọng và nghiêm túc về các khía cạnh sinh học, sinh thái, đất đai, khí hậu, thị trường, văn hoá truyền thống, mới có thể đưa đến những kết quả chắc chắn và phát triển một cách bền vững. Trong đợt nghiên cứu ở Ngọc Tân, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ nhân dân cho biết, chương trình phát triển nông thôn miền núi Việt Nam – Thụy Điển đã hỗ trợ kỹ thuật và cây giống cho bà con thay đổi cơ cấu cây trồng trong vườn nhà. Bà con đã rất nhiệt tình hưởng ứng và loại bỏ tất cả các cây ăn quả cũ, cho là không năng suất và ít có giá trị, thay vào đó là các giống cam, mơ mới, năng suất cao, chất lượng tốt.  Sau 4-5 năm khi cam, mơ đã ra hoa kết trái, năng suất rất cao, hình thức rất đẹp. Nhưng cam thì chua “tàn bạo” như lời bà con nói, mơ thì mơ lai không hợp thị trường, cả hai thứ đều không ai mua! hàng có thừa mà không bán được. Như vậy, chuyển đổi cơ cấu cây trồng có liên quan rất chặt chẽ đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế và vai trò của các cơ quan khuyến nông.

Một đối tượng khác- cây cà phê. Trong những năm qua ngành cà phê Việt Nam đã có những thành tựu to lớn. Nếu tính từ năm 1975 với diện tích 13.400 ha và sản lương là 6.100 tấn, thì hiện nay diện tích đã tăng lên 450.000 ha và sản lượng đạt trên 400.000 tấn, đã từng đứng vào hàng thứ 3 xuất khẩu cà phê trên thế giới. Trong thành tựu quan trọng ấy, Tây Nguyên đóng một vai trò không nhỏ. Theo Niên giám thống kê 1999 thì Tây Nguyên có 305.332 ha cà phê với sản lượng 327.163 tấn, chiếm 80% diện tích và 85% sản lượng cà phê trong cả nước. Với một địa hình tương đối bằng phẳng, đất đỏ bazan mầu mỡ, nền nhiệt phù hợp, lượng mưa dồi dào, không có sương muối, không có bão tố, Tây Nguyên đã trở thành một trong những vùng sản xuất cà phê hiệu quả nhất. Năng suất cà phê đạt được trên 3 tấn/ ha, với quy mô hàng ngàn ha. Có những hộ gia đình trên quy mô nhỏ 1 – 2 ha có khi đạt tới 5-7 tấn/ ha (năng suất bình quân trên thế giới biến động từ 600-650 kg/ha). Tuy nhiên, vì diện tích trồng cà phê tăng mạnh, tăng một cách tự phát, không quy hoạch, không thăm dò nguồn nước, trong điều kiện mùa khô kéo dài như ở Tây Nguyên, không đủ nước tưới đang là một thách thức lớn. Một thách thức nghiêm trọng nữa là sâu bệnh. Do tình trạng độc canh cây cà phê cùng với việc phá rừng để mở mang diện tích đất nông nghiệp làm cho nhiều loại sâu bệnh phát triển mạnh. Bệnh rệp sáp đã  phá hoại hàng ngàn ha cà phê ở Đắk Lắk (1994). Bệnh thối cổ rễ đã huỷ diệt trên 2.000 ha cho đến nay chưa có biện pháp phòng trừ. Bệnh nhiễm rỉ sắt đang ngày càng gia tăng (Nguyễn Ngọc Báu, 2000). Giá cả cà phê trong những năm gần đây lại đang giảm mạnh. Cà phê Việt Nam chất lượng chưa cao, sức cạnh tranh thấp là bế tắc lớn hiện nay. Nhiều hộ gia đình đã bắt đầu chặt phá cà phê để trồng cây lương thực khác cứu đói.

Đối với miền núi hiện nay, an toàn lương thực vẫn được quan tâm hàng đầu. Qua các điểm nghiên cứu cho thấy tình hình an toàn lương thực đang là một vấn đề có nhiều bức xúc. Điểm sâu xa nhất là Khe Nóng thì không hộ nào có đủ lương thực ăn trong 12 tháng mà trong 20 hộ điều tra chỉ có 1 hộ là đảm bảo được 10 tháng, một hộ được 8 tháng, 4 hộ được 6 tháng còn nữa chỉ đảm bảo được 3, 4, 5 tháng. ở Thài Phìn Tủng ăn ngô thay gạo cũng chỉ có 13 hộ trong số 40 hộ (33%) có đủ ngô ăn trong 12 tháng, còn phần lớn các hộ khác cũng chỉ đủ ăn trong 8 đến 11 tháng.

Khi điều tra ở thôn Yang Roong, Kon Tum thì tất cả các hộ đều có nhu cầu phát triển lúa nước. Người dân đã tận dụng phần đất thấp ở ven suối Đắk Cấm và các hố bom ở vùng đất cao hơn để trồng lúa nước, nhằm đảm bảo nhu cầu về gạo, giảm sự lễ thuộc vào việc làm sắn, mía và lấy tiền cho thuê đất, bán đất và làm thuê để mua gạo. Họ đang tìm mọi cách để mở thêm đất trồng lúa. ở thôn Klau Klảh, Kon Tum cũng thế, đất lúa nước đang đóng vai trò rất quan trọng. Ngoài diện tích đất đã được sở hữu trong số đỏ, nhiều hộ còn khai hoang thêm, và đất trồng lúa nước đã trở thành đất hàng hoá, mua bán, trao đổi cho thuê cũng tương tự như đất cà phê vậy. Mặc dù chúng ta vẫn nói chúng ta đã giải quyết xong cơ bản về vấn đề lương thực, nhưng thực chất vẫn là đại thể, còn các vùng sâu, vùng xa vấn đề lương thục vẫn đang rất khó khăn. Việc tìm kiếm, khai khẩn đất có khả năng trồng lúa nước vẫn được ưu tiên hàng đầu.

Nói như vậy không có nghĩa là không nên thay đổi cơ cấu cây trồng. Tuy nhiên, thay đổi cơ cấu cây trồng là một vấn đề khoa học kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực tiễn, hiện đại và truyền thống. Mặt khác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng liên quan tới nhiều điều kiện như cơ sở hạ tầng, đường, điện, kỹ thuật, vốn, thị trường, v.v. Những điều kiện đó ở miền núi đang rất yếu kém, thiếu thốn, còn nhiều khó khăn và rất khác nhau, có nơi thay đổi thì tốt, có nơi thì chưa thể thay đổi ngay được. Nhà nước cần có những đầu tư thích đáng cả về nghiên cứu khoa học và áp dụng thực tiễn mới giải quyết được vấn đề này.

XI. Phát triển kinh tế hàng hoá

Định hướng phát triển kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước đã được thực hiện từ năm 1986 và trong chính sách đã có nhiều điểm mới quan trọng như: phát triển kinh tế hàng hoá trên cơ sở lợi thế so sánh của từng vùng, từng địa phương, từng dân tộc, dùng các sản phẩm hàng hoá trao đổi để giải quyết vấn đề lương thực, có chế độ khuyến khích đặc biệt như trợ giá cước vận chuyển, bao tiêu sản phẩm, v.v., cho một số vùng khó khăn. Kết quả thu được rất đáng khích lệ và có ý nghĩa lớn. Tuy nhiên, đối với miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số từ lâu mang nặng tính kinh tế tự cung tự cấp nay chuyển sang nền kinh tế hàng hoá theo cơ chế thị trường còn là một khoảng cách lớn.

Nhìn vào nguồn thu nhập từ hàng hoá trên 5 điểm nghiên cứu của Trung tâm Tài nguyên và Môi trường cho thấy ở Khe Nóng chủ yếu khai thác gỗ và các sản phẩm phi gỗ trong rừng tự nhiên bán cho bọn buôn lậu để lấy tiền, chiếm đến 58%, ở Bản Tát xẻ gỗ, đan gùi, lấy giang, lấy chít là 27%, ở Ngọc Tân, Làng Thao làm đủ các loại nghề: nấu rượu, làm thợ xây, làm mộc, xay xát, làm bánh đa, v.v. nhưng tỷ lệ thu nhập cũng chỉ chiếm trên dưới 22%. Sản xuất ra hàng hoá ở đây có thể nói đến là chăn nuôi lợn. Thu nhập hàng năm từ chăn nuôi lợn ở Thài Phìn Tủng chiếm 52,7% , Ngọc Tân là 41,4%, Bản Tát 20,7% và Khe Nóng thấp nhất 16% tổng thu.

Trường hợp chăn nuôi lợn của người H’Mông trắng ở Thài Phìn Tủng thật là đặc biệt. Mỗi hộ gia đình cũng chỉ nuôi vài ba con. Giống lợn địa phương, to, nhiều nạc, ít mỡ, có con nặng đến 150kg, đã từng nổi tiếng khắp cả nước. Người H’Mông ở đây nuôi lợn không thả rông như một số dân tộc thiểu số khác mà họ đóng chuồng trại rất cẩn thần, sàn chuồng lát ván, mái chuồng lợp ngói. Người ta thường nói vay tiền để chữa chuồng lợn chứ không vay tiền để chữa nhà. Ngoài thu nhập bằng tiền bán rượu người ta còn nấu rượu với mục đích chính là để kết hợp với chăn nuôi lợn. Tiền thu từ bán rượu chiếm trên dưới 25% thu nhập, nhưng phần lớn số tiền này lại mua ngô trở lại, quay vòng trong chu trình nấu rượu. Nấu rượu để lấy bã nuôi lợn. Nuôi lợn để bán và lấy phân cho ngô trên hốc đá. Đây là một phương thức rất phù hợp cho phát triển kinh tế vùng này.

Nhìn chung, các ngành nghề ở đây gọi là nghề nhưng vẫn chưa thực sự có hàng hoá, chỉ mới bắt đầu vào nghề nhằm khai thác có hiệu quả các lợi thế về tự nhiên, phát huy tiềm năng con người sẵn có, tận dụng thời gian nông nhàn, dần dần đi vào kinh tế hàng hoá theo cơ chế thị trường. Qua các điểm nghiên cứu cho thấy hiện nay miền núi và các dân tộc thiểu số đang biểu lộ rõ nét về nguồn lao động chất lượng thấp. Các nghề truyền thống chưa phát triển, chưa tiếp thu được khoa học kỹ thuật tiên tiến, để dần dần đổi mới, nâng cao chất lượng lao động trong nghề. Các ngành nghề phi nông nghiệp đang phát triển một cách khó khăn, mà không có hoạt động này thì không thể  tạo công ăn việc làm cho người lao động, không thể rút lao động ra khỏi nông nghiệp, giảm bớt áp lực dân số trong các hệ nông nghiệp. Vì vậy, sự phát triển bền vững đòi hỏi phải vừa sản xuất lương thực, vừa sản xuất nông sản hàng hoá cho thị trường, vừa phát triển ngành nghề phi nông nghiệp để tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho các nông hộ, vừa bảo vệ môi trường. Muốn giải quyết vấn đề này cần phải có chương trình phát triển nông thôn tổng hợp, trong đó các thành phần kỹ thuật, các ngành nghề khác nhau và thể chế như tín dụng, khuyến nông, thị trường, tổ chức nông dân, v.v, cần có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực mới để phát triển các ngành nghề mới cho phù hợp với yêu cầu thay đổi hiện tại.

XII. Xoá đói giảm nghèo

 Chương trình xoá đói giảm nghèo thực sự trở thành chương trình quốc gia từ năm 1998, theo quyết định của Thủ tướng chính phủ (Quyết định số 133/1998/QĐ-TTg). ở miền núi vấn đề này được đề cập khá đầy đủ trong Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ, “Chương trình phát triển kinh tế – xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu, vùng xa hay gọi là chương trình 135”. Mục tiêu tổng quát của chương trình 135 là: Nâng cao nhanh đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc ở các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa; tạo điều kiện để đưa nông thôn các vùng này thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, chậm phát triển, hoà nhập vào sự phát triển chung của cả nước góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc phòng. Xoá đói giảm nghèo là một chương trình lớn đang được quan tâm mọi lúc, mọi nơi, là một chương trình liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau bao gồm: Cơ chế chính sách và giải pháp về đất đai, tư liệu sản xuất, cơ sở hạ tầng, tín dụng, chuyển giao công nghệ, tạo công ăn việc làm và hướng dẫn cách làm ăn cho người nghèo. Chương trình đã huy động nguồn đầu tư ngân sách lớn từ trung ương đến địa phương (tỉnh), và đóng góp ngày công tại chỗ của nhân dân địa phương. Ngoài ra các ngành, các bộ đã chỉ đạo lồng ghép các chương trình, dự án khác ưu tiên đầu tư vào các xã thuộc Chương trình 135. Trong giai đoạn I (1998-2000) đã có 1.383 cán bộ được phân công xuống các xã giúp cơ sở phát triển KT-XH, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và trực tiếp tham gia chỉ đạo chương trình. Năm 1999, trung ương đã đầu tư 508 tỷ đồng và năm 2000 là 700 tỷ đồng. Ngân sách địa phương các tỉnh trong hai năm qua đã đầu tư 168 tỷ đồng. Nguồn lực huy động tại chỗ bằng ngày công ước tính 150 tỷ đồng. Chương trình đã thực hiện các nhiệm vụ trọng yếu như: xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông, thuỷ lợi nhỏ, cấp nước sinh hoạt, điện, phòng học, trạm xá, chợ, trung tâm cụm xã, quy hoạch lại dân cư một số nơi cần thiết, phát triển sản xuất và đào tạo cán bộ. Kết quả chung nhất trong hai năm thực hiện chương trình về cơ bản không còn hộ đói kinh niên, mỗi năm giảm được 4-5% hộ nghèo (Hoàng Công Dung, 2001).

Trong chương trình xoá đói giảm nghèo thì hệ thống dịch vụ tín dụng hỗ trợ người nghèo, tiếp cận và vay vốn cho sản xuất là chú ý hơn cả. Liên quan đến dịch vụ này là các vấn đề lãi suất, thời hạn vay, mức vay tín dụng, thủ tục và trả vốn đối với người nghèo. ở Ngọc Tân đã thành lập quỹ tín dụng nông dân, là một hình thức tốt. Tuy nhiên, qua điều tra ở các điểm nghiên cứu khác thì việc vay vốn đối với người nghèo đang áp dụng hiện nay chưa thống nhất giữa các nguồn cung cấp tín dụng, nhiều nơi người dân chưa thực sự tiếp cận được một cách đầy đủ với hệ thống tín dụng. Có nơi thời hạn cho vay còn quá ngắn, người dân chưa kịp xoay xở thì nợ đã đến rồi. Miền núi không như miền xuôi, kinh doanh gì cũng mang tính dài ngày; trồng rừng, trồng cây ăn quả, nuôi trâu, nuôi bò đều đòi hỏi thời gian 4-5-7 năm. Vì vậy, tín dụng ở miền núi phải có những thay đổi cho phù hợp. (Lê Trọng Cúc, 2001)

Tuy nhiên, nguyên nhân của sự nghèo đói có khi không chỉ không có vốn mà còn nhiều nguyên nhân khác nhau bao gồm sự biệt lập về mặt địa lý, ngôn ngữ, không có lợi thế tiếp nhận thông tin, khoa học kỹ thuật, thiếu vốn, bệnh tật bẩm sinh, có quá nhiều con cái, không có lao động, thiếu sự tham gia năng động, không có khả năng quy hoạch phát triển, sử dụng không hợp lý tài nguyên thiên nhiên. Đối với một số hộ nghèo như vậy được vay tín dụng không phải là cơ may, vì họ chẳng biết làm gì với số tiền vay được. Khi đánh giá nghèo người ta thường nghĩ đến mức thu nhập. Nhưng thực tế nghèo không chỉ đơn giản là mức thu nhập thấp mà còn là sự thiếu thốn trong việc tiếp cận dịch vụ như giáo dục, thuốc men. Không chỉ thiếu tiền mặt, thiếu những điều kiện tốt hơn cho cuộc sống, mà còn trong tình trạng đe doạ bị mất những phẩm chất quý giá, đó là lòng tin và lòng tự trọng.

Để thực hiện tốt chương trình xoá đói giảm nghèo cần kết hợp với các chương trình quốc gia khác như chương trình phát triển kinh tế – xã hội miền núi, chương trình tạo việc làm, chương trình y tế, giáo dục, nước sạch, phát triển nông thôn, v.v., vì các chương trình này cũng đều có cùng một mục đích cuối cùng là xoá đói giảm nghèo. Giải quyết được vấn đề này thì sẽ khắc phục được đầu tư dàn trải và chồng chéo. Mặt khác, để thực hiện tốt chương trình xoá đói giảm nghèo cũng như các dự án khác ở nông thôn miền núi, cần có cơ chế, chính sách hợp lý trong việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đồng thời cần có chính sách thu hút lực lượng lao động có chất lượng cao, tham gia các dự án và chương trình phát triển. Sự tham gia có tính quyết định trong việc xây dựng, thiết kế các dự án này không thể thiếu sự đóng góp của người dân địa phương. Nếu được xây dựng, thiết kế có sự đóng góp của người dân địa phương sẽ làm cho các biện pháp can thiệp phù hợp hơn với hoàn cảnh, đến những yếu tố kinh tế – văn hoá – xã hội truyền thống cũng như các nhu cầu, lợi ích thực tế của địa phương và các nhóm dân cư. Những vấn đề này chưa thấy được thể hiện ở nhiều điểm nghiên cứu.

XIII. Y tế, sức khoẻ cộng đồng

Xem xét tình hình chăm sóc sức khoẻ và chữa trị thì hầu hết các xã đều có trạm xá, và có cán bộ y tế. Mạng lưới y tế cơ sở  (xã, thôn bản) đã được hình thành. Vấn đề khó khăn nhất là đội ngũ cán bộ thì đã dần dần được khắc phục bằng nhiều hình thức đào tạo 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng. Đội ngũ cán bộ y tế thôn bản dần dần được củng cố và phát triển, đã phát huy được nhiều hiệu quả trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân, loại bỏ nhiều loại dịch bệnh và những căn bệnh hiểm nghèo trước đây phổ biến ở miền núi và các dân tộc thiểu số, giảm thiểu tỷ lệ tử vong, nhất là tỷ lệ chết yểu của trẻ sơ sinh. Ngoài việc chữa trị Nhà nước cũng đang rất chú ý đến công tác phòng bệnh.

Phong trào toàn dân sử dụng muối iốt, thiết lập hệ thống cung cấp nước sạch cho nhân dân miền núi để trước mắt có được 60% dân số có nước sạch dùng hàng ngày, các đợt tiêm phòng các bệnh khác nhau đã thường xuyên đưa về thôn bản, vùng sâu, vùng xa. Điều này được thể hiện rõ ở các điểm nghiên cứu. Mặc dù thế, nếu so với miền xuôi thì hệ thống y tế, chăm sóc sức khoẻ người dân nói chung, sức khoẻ sinh sản nói riêng, cũng như đời sống của đồng bào miền núi  đang gặp rất nhiều khó khăn. Nếu như số phường, xã ở vùng đồng bằng có bác sĩ chiếm tỷ lệ khá cao từ 70 đến gần 100% thì các phường xã vùng miền núi chưa đến 2%, có nơi như Lai Châu, Sơn La là 0,00% (Khổng Diễn, 2002). Số phường xã ở các tỉnh vùng đồng bằng chưa có trạm y tế chỉ từ 1-2 đến 5-7 xã thì vùng miền núi là 45-50 đến 90 xã (Lạng Sơn 94 xã). Những con số trên đây cho thấy ở các tỉnh miền núi, hệ thống y tế, chăm sóc sức khoẻ người dân nói chung, sức khoẻ sinh sản nói riêng đang gặp rất nhiều khó khăn.

Khó khăn nhất hiện nay là việc duy trì và phát triển y tế thôn bản. ở nhiều địa phương do không có nguồn nuôi dưỡng, nên y tế thôn bản không thể duy trì được lâu dài, các cơ sở y tế ở tuyến trên thì quá xa, đi lại tốn kém, dân thì còn nghèo nên họ thường chữa trị tại nhà, theo kinh nghiệm dân gian, nên một số dịch bệnh lại có chiều hướng gia tăng, như bệnh sốt rét ở Khe Nóng chẳng hạn. Muốn làm được việc này lại liên quan đến chế độ, chính sách đối với cán bộ y tế ở thôn bản. Mặc dù vấn đề này đã đề cập trong thông báo số 176/TB-VPCP ngày 14-10-1998 nhưng chưa được cụ thể hoá bằng văn bản pháp quy nên trên thực tế thực hiện còn nhiều khó khăn. Mặc dù chưa đáp ứng một cách đầy đủ do địa bàn dân cư phân bố phân tán, đi lại có nhiều khó khăn, nhưng đang ngày càng được cải thiện.

XIV. Về giáo dục, đào tạo

Về giáo dục, đến năm 2000 tất cả các vùng dân tộc và miền núi đã thu hút được phần lớn con em các đồng bào dân tộc đến trường. Đến nay đã có 180 trường phổ thông nội trú cấp huyện, 45 trường cấp tỉnh và 7 trường cấp trung ương xây dựng trong đó có 3 trường dự bị đại học là nơi đào tạo nguồn cán bộ dân tộc thiểu số phục vụ sự nghiệp kinh tế xã hội vùng miền núi (Hà Duy Thành, 2002).

Kết quả khảo sát tỷ lệ phần trăm người đi học từ bảy tuổi trở lên cho thấy ở vùng sâu, vùng xa như Khe Nóng, dân tộc Đan Lai ở Nghệ An, Thài Phìn Tủng người H’Mông trắng Hà Giang là rất ít (12,5% và 34,9%). Bản Tát dân tộc Tày Hoà Bình có tỷ lệ người đi học cao hơn nhưng cũng chỉ đạt được ở mức độ trên trung bình – 76,6%. Như vậy, giáo dục, đào tạo ở vùng sâu, vùng xa vẫn là những khó khăn lớn. Qua điều tra của chúng tôi thì ở đây còn nhiều vấn đề. Trước hết là ý thức về học tập của người dân, thứ hai là điều kiện để người đi học có thể thực hiện được và sau đó mới là điều kiện học tập, trường sở, v.v. ở vùng sâu, vùng xa, người dân tộc, thậm chí cả người Kinh ở nông thôn khi hỏi về nhu cầu học tập thì nhiều người cho rằng học chẳng để làm gì, mà tốn kém, mất việc, học về rồi cũng đi cày, đi nương, chẳng đi làm cán bộ được, vì vậy họ nhớ ngày đi nương hơn là ngày đi học. Điều kiện đối với người đi học quá ngặt nghèo, nhà ở xa trường, mặc dù không phải đóng học phí, nhưng đi lại vất vả, tốn nhiều thời gian, mất lao động. Về điều kiện học tập, hiện nay các huyện, các tỉnh đều có trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) cho học sinh các dân tộc, có đủ điều kiện thuận lợi cho học sinh học tập. Tuy nhiên, trường học trong các thôn bản ở bậc tiểu học thì đang quá nghèo nàn và thiếu thốn.

ở đây cũng cần phải bàn đến các chủ trương, chính sách đối với công tác đào tạo, giáo dục ở các trường học ở miền núi về chế độ ưu tiên. Cùng một bậc học thì miền núi được ưu tiên hơn là chương trình học nhẹ hơn, thời gian ít hơn. Điều này gây ra chênh lệch trình độ giữa các dân tộc thiểu số và người Kinh nên phần nào không mang ý nghĩa tích cực. Về tiêu chuẩn đánh giá biết chữ và phổ cập giáo dục tiểu học cũng cần sử dụng một tiêu chuẩn thống nhất cho tất cả các vùng, vì đây là vấn đề đòi hỏi chất lượng chứ không phải là số lượng. Tuy nhiên, mỗi một vùng, mỗi một nhóm dân tộc có những đặc thù riêng nên ngoài chương trình chính thống cần bổ sung hoặc thay đổi cho phù hợp với môi trường trong các môn học như địa lý, sinh học, lịch sử, văn hoá dân gian.

Về đào tạo cán bộ đã có nhiều văn bản chính sách thể hiện những chủ trương đường lối cũng như biện pháp thực hiện nhằm tăng cường việc đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số ở các cấp. Trong công tác đào tạo thể hiện rõ sự ưu tiên đối với học sinh dân tộc thiểu số như thành lập các trường nội trú, các trường dự bị đại học, tạo mọi điều kiện tốt nhất để học sinh có thể học tập tốt, chất lượng cao, đủ điều kiện theo học các chương trình chung, thống nhất trong cả nước. Gần đây, để tạo nguồn cán bộ lâu dài, Nhà nước đã tạo điều kiện cho các địa phương miền núi, vùng dân tộc thiểu số nhất là vùng sâu, vùng xa thực hiện chế độ cử, tuyển, thậm chí còn mở các lớp đào tạo riêng tại nhiều trường đại học, cao đẳng là những chủ trương tích cực và thực tế. Tuy nhiên, chủ trương cộng thêm điểm vào kết quả thi tuyển cho học sinh dân tộc, miền núi, biên giới ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Vấn đề đãi ngộ giáo viên ở miền núi đã có chế độ ưu đãi. Tuy nhiên, bên cạnh chính sách khuyến khích về tiền lương, cần có những chính sách động viên tinh thần, có những quy định cụ thể về thời gian công tác và đáp ứng yêu cầu công tác sau khi hoàn thành chế độ được giao. Đối với học sinh, sinh viên miền núi, các dân tộc thiểu số là những đối tượng ưu tiên cần trợ cấp tài chính và học bổng là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, vấn đề này cần được thường xuyên xem xét, cân nhắc, điều chỉnh cho phù hợp với từng vùng (vùng sâu, vùng cao, vùng xa… ), từng nhóm dân tộc. Sau khi trợ cấp tài chính và học bổng thì cũng nên để họ đóng học phí như các đối tượng khác, từ đó tạo ra sự bình đẳng và tinh thần trách nhiệm trong học tập đối với sinh viên, học sinh.

XV. Xây dựng cơ sở hạ tầng, thông tin

Chính phủ đã thiết lập một hệ thống đường chính cho các vùng núi; đường từ các tỉnh lỵ xuống các huyện lỵ đi được cả 4 mùa; đường cho xe máy từ các huyện xuống các trung tâm kinh tế và các xã; đường từ các xã xuống các thôn bản Nhà nước cung cấp nguyên vật liệu, nhân dân cùng làm. Chương trình này đã được thực hiện một cách tích cực và có hiệu quả. Tuy nhiên, đường vào các thôn bản đối với miền núi, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa địa hình cao dốc, cắt xẻ mạnh đang là thách thức lớn. ở Thài Phìn Tủng, Khe Nóng đường vào thôn, xóm vẫn là đường mòn đi bộ và có lẽ còn phải lâu dài vì điều kiện địa hình quá khó khăn..

Chính phủ đầu tư để xây dựng đường điện 35KV, hỗ trợ máy phát điện và thuỷ điện nhỏ cho các vùng sâu, xa. Xây dựng hệ thống thuỷ lợi nhỏ kết hợp với thuỷ điện trong điều kiện có thể.  Đang tích cực thiết lập đường dây điện thoại đến các xã. Tuy nhiên, cho đến nay ở các điểm nghiên cứu như Khe Nóng, Thài Phìn Tủng vẫn chưa có điện lưới quốc gia, chưa có thuỷ lợi nhỏ.

Các cơ sở hạ tầng về thông tin, mặc dù còn thô sơ nhưng đã được mở rộng trong những năm gần đây. Việc xây dựng các trạm tiếp sóng vô tuyến truyền hình và tiếp âm đài phát thanh ở các huyện là rất có ý nghĩa, nó phục vụ cho các vùng hẻo lánh trước đây nằm ngoài phạm vi truyền phát của các trạm nằm ở trung tâm các tỉnh lỵ. Một số nơi khi chưa có điện lưới quốc gia người ta đã sử dụng các máy phát điện nhỏ rẻ tiền dùng sức nước mua từ Trung Quốc để nạp ắc quy, cho phép sử dụng đài và TV ở cả những vùng xa xôi. Việc thiếu những cán bộ khuyến nông giỏi và thiếu phương tiện chuyên chở họ đến vùng dân cư xa xôi có thể khắc phục được phần nào bởi xây dựng chương trình truyền hình khuyến nông, khuyến lâm thích hợp.

XVI. Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá

Từ lâu Đảng và Nhà nước ta đã chú ý và coi trọng công tác văn hoá trên phạm vi toàn cả nước nói chung và miền núi, các dân tộc thiểu số nói riêng. Tư tưởng chỉ đạo chung cho các chính sách đó là bảo tồn và phát huy các vốn văn hoá cổ truyền, nâng cao và làm phong phú hơn đời sống văn hoá các dân tộc. Tư tưởng bình đẳng trong việc nhìn nhận, đánh giá và phát triển văn hoá giữa các dân tộc là tư tưởng có tính nhất quán. Trong Nghị quyết trung ương V (khoá VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, vấn đề văn hoá truyền thống và đa dạng văn hoá đã được nêu ra một cách hệ thống và rõ ràng. Tuy nhiên, nghị quyết này thông qua năm 1998 nhưng cho đến nay vẫn chưa được triển khai cụ thể.

Đặc điểm văn hoá cổ truyền của các dân tộc Việt Nam là rất đa dạng và phong phú được thể hiện qua các hệ thống gia đình, huyết thống và dòng họ, hệ thống các cộng đồng thôn, bản, buôn, làng, và cao hơn nữa là các cảnh quan – văn hoá cảnh quan, v.v… Qua đời sống vật chất và tinh thần, tiếng nói, chữ viết, tri thức truyền thống, các thiết chế xã hội, chuẩn mực đạo đức. ứng xử, lối sống, tín ngưỡng, v.v… Đa dạng văn hoá còn được thể hiện không chỉ trong 54 nhóm dân tộc mà còn thể hiện rất phong phú qua các nhóm nhỏ hơn như trong các tộc người H’Mông, Dzao, Thái: H’Mông trắng, H’Mông đỏ, H’Mông hoa, H’Mông xanh…, Dzao tiền, Dzao quần chẹt, Dzao đỏ…, Thái trắng, Thái đen, v.v.,  mỗi nhóm lại cũng có những đặc thù văn hoá riêng.

Từ hàng ngàn năm nay các tộc người đã chung sống với nhau và càng ngày hình thái cư trú xen cài giữa các tộc người càng trở nên rõ rệt. Ngày nay sự giao lưu văn hoá không chỉ giữa các nhóm dân tộc trong vùng với nhau mà cả với người Kinh, thậm chí cả giao lưu quốc tế. Ngôn ngữ của các dân tộc ngày nay không còn thuần khiết nữa mà mang những dấu vết rõ rệt của quá trình tiếp xúc ngôn ngữ. Người kinh sống xen cài hay bao quanh các bản làng người dân tộc và trong hệ thống giáo dục, đào tạo ở miền núi, các thầy giáo, cô giáo phần lớn là người kinh. Vì vậy, muốn hay không muốn thì kinh hoá trong sinh hoạt, ăn mặc và các ảnh hưởng khác có xu hướng ngày càng tăng lên. Các em học ở các trường nội trú không thích mặc đồ dân tộc. Thanh niên, thanh nữ trong thôn bản, đăc biệt là nam đều ăn mặc theo kiểu người Kinh. Hoạ may chỉ những ngày hội, ngày tết hay có yêu cầu khi đoàn tham quan đến họ mới mặc đồ dân tộc. Ăn mặc không phải là cốt lõi của văn hoá, tuy nhiên nó cũng phản ảnh được phần nào sự thay đổi đang hiện diện mà có thể nhận biết được. Ngược lại, trong thực trạng này sự thay đổi không chỉ đối với người dân tộc thiểu số mà cả người kinh sống ở đây họ cũng đang bị nghèo dần đi những gì của dân tộc mình và cái gì của người dân tộc thiểu số thì chưa được chấp nhận. Cái khập khiễng giữa cái mất và cái còn, giữa cái mới và cái cũ chưa hoà hợp được vào nhau. Cần phải bảo tồn sự đa dạng, bản sắc văn hoá dân tộc, nhưng bảo tồn như thế nào, bảo tồn và phát triển cái gì thì cũng chưa được làm rõ về phạm vi và cả nội dung.

ở đây cũng cần thống nhất quan niệm về bản chất của văn hoá. Văn hoá là sở hữu cộng đồng của một nhóm người. Các thành viên của nhóm văn hoá ít nhiều phải được hoà nhập, các bộ phận phải cùng thích nghi để làm thành một chính thể hoà nhập. Mọi nền văn hoá đều phải học mới có; học từ thiên nhiên, học từ bố mẹ, họ hàng, làng xóm, thầy giáo, sách vở, rồi duy trì và không ngừng sáng tạo thông qua quá trình tương tác xã hội. Có thể nói văn hoá là sản phẩm của tương tác xã hội. Như vậy, điều rất quan trọng ở đây, văn hoá là cái học được, văn hoá được chia sẻ, văn hoá luôn luôn thay đổi hướng tới sự thích nghi, thay đổi cho phù hợp với sự thay đổi của môi trường và hoàn cảnh. Sự thay đổi đó có lúc nhanh, lúc chậm, lúc vay mượn, lúc sáng tạo. Đó chính là động lực cho một nền văn hoá phát triển. Tuy nhiên, không thể so sánh văn hoá của cộng đồng người này tiến bộ hay lạc hậu hơn văn hoá của nhóm dân tộc kia. Văn hoá của một tập đoàn người nào đó chính là sự thích ứng với điều kiện xã hội và sinh thái đặc thù. Cái là tốt đối với tập đoàn người này ở một thời điểm và một địa điểm đặc thù nào đó có thể lại không tốt với một tập đoàn người khác ở một địa điểm khác vào thời gian khác. Vì vậy, không thể cho rằng dân tộc này có nền văn hoá tiến bộ hơn dân tộc kia hay ngược lại. Nói như thế là làm lu mờ bản chất thích ứng của văn hoá.

Hiện nay Nhà nước đang xây dựng các “làng văn hoá” nhằm khôi phục những bản sắc văn hoá của các nhóm dân tộc đó là những cố gắng lớn. Viện Văn hoá dân gian đã sưu tầm và xuất bản các luật tục Êđê, luật tục Mnông, Gia Rai, Raglai, Srê, Mạ, v.v. là những hoạt động bước đầu trong việc tìm hiểu văn hoá truyền thống và kiến thức bản địa. Văn hoá truyền thống và kiến thức bản địa chính là sức mạnh nội lực của nhân dân ta, của đất nước ta cần được trân trọng và phát huy và là cơ sở của sự thành công trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

XVII. Kết luận và kiến nghị

Qua việc phân tích, so sánh các điểm nghiên cứu kết hợp với việc tìm hiểu các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước có thể khẳng định rằng Đảng và Nhà nước ta đã dành rất nhiều ưu đãi cho công cuộc phát triển miền núi, luôn luôn chăm lo đến lợi ích của đồng bào các dân tộc. Điều đó được thể hiện trong nhiều văn bản chính sách mang tính pháp quy. Có những chính sách mang tính định hướng phát triển, có những chính sách giải quyết cụ thể từng vấn đề, từng vùng cũng như từng dân tộc, đảm bảo nguyên tắc đoàn kết, bình đẳng, tương trợ giữa các dân tộc. Kết quả đạt được về chính trị là đã tạo nên khối đoàn kết toàn dân, sự cố kết dân tộc bền vững làm nền tảng cho mọi thắng lợi. Những thành tựu kinh tế – xã hội đều hiện diện ở mọi vùng, mọi nơi với mức độ khác nhau, ảnh hưởng khác nhau.

Tuy nhiên, qua các điểm nghiên cứu cũng cho thấy tính phù hợp của các chính sách và tính hiệu quả trong việc thực hiện chính sách rất khác nhau. ở những vùng sâu, vùng xa, mặc dù chính sách đã có rất nhiều ưu đãi nhưng nhiều nơi vẫn chưa tiếp cận được, việc thực hiện rất ít thành công.

Về kinh tế vẫn thuần nông, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, ngành nghề phi nông nghiệp kém phát triển, kết cấu hạ tầng tuy đã được cải thiện nhưng đang nghèo nàn, thu nhập đầu người quá thấp là thách thức lớn đối với miền núi.

Về văn hoá-xã hội, tỷ lệ đói nghèo cao, phân hoá xã hội, khoảng cách giữa người nghèo và người giàu lớn. Dân số tăng nhanh,  dân trí thấp, chất lượng lao động không cao, văn hoá hụt hẫng, khi cái cũ bị xoá bỏ nhưng cái mới lại chưa hình thành là những trở ngại lớn trên con đường phát triển miền núi.

Tình trạng trì trệ trên đây của miền núi do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân thuộc về xây dựng chính sách và thực hiện chính sách. Việc hoạch định chính sách phát triển và tiếp cận thực hiện các chương trình phát triển chưa chú ý đúng mức  đến các đặc điểm đa dạng, cũng như khó khăn của miền núi, chưa nhận thức một cách đầy đủ  về miền núi và con người miền núi, đặc biệt là những vùng sâu, vùng xa. Đầu tư dàn trải, những gì thu được chưa tương xứng với những gì bỏ ra.

Thay đổi cơ cấu nhận thức là vấn đề cốt yếu. Để giải quyết vấn đề này cần phải thiết lập  viện nghiên cứu về miền núi. Cho đến nay chúng ta chưa có một viện hay một cơ quan nghiên cứu tương ứng về miền núi. Các chủ trương, chính sách có nhiều, các dự án phát triển miền núi có nhiều, các chương trình hỗ trợ miền núi có nhiều, nhưng hầu như không có một viện nghiên cứu chính thống nào cho miền núi, không có một chương trình nghiên cứu khoa học cơ bản cho miền núi có tính hệ thống, khâu nối các vấn đề lại với nhau để đề ra chiến lược phát triển miền núi đồng bộ. Bởi vì các nghiên cứu chuyên ngành chỉ mới thấy được triệu chứng của vấn đề, mà nghiên cứu các mối tương tác giữa các yếu tố mới thấy được xu hướng và tốc độ phát triển của toàn bộ hệ thống. Vì vậy, cần một cơ sở nghiên cứu có tính hệ thống cho miền núi, không có các nghiên cứu này thì sẽ phát triển một cách mò mẫm, đơn lẻ, áp dụng một cách mơ hồ, ít có cơ sở khoa học.

Cần các chương trình nghiên cứu khoa học chính thống về miền núi, một chương trình dài hạn và tập trung vào các lĩnh vực nghiên cứu, giáo dục, đào tạo và phổ biến thông tin, khoa học kỹ thuật là rất cần thiết trong việc giải quyết các khó khăn. Nguồn lực con người miền núi phải được phát triển, vì bất cứ sự biến đổi thành công nào cũng phải phụ thuộc vào các nguồn lực con người. Có như thế mới đề ra được những chính sách đúng đắn và phù hợp với miền núi, và mới thực hiện được các chính sách một cách linh hoạt, mềm dẻo và có hiệu quả.

Nhận thực về miền núi cần được thông tin và thảo luận giữa các nhà khoa học, tới các nhà hoạch định chính sách phát triển và tới công chúng, đặc biệt là đối với người dân ở miền núi. Các cuộc đối thoại phải được thực hiện cởi mở, chống lại những định kiến và khuôn mẫu, đưa ra những vấn đề mới để nghiên cứu phục vụ cho sự phát triển bền vững miền núi Việt Nam.

 Tài liệu tham khảo

Quyết định số 72/HĐBT ngày 13.3.1990 Về một số chủ trương, chính sách cụ thể phát triển Kinh tế – Xã hội miền núi.

Chỉ thị số 525 TTg ngày 2.11.1993 Về một số chủ trương, biện pháp tiếp tục Phát triển Kinh tế- Xã hội miền núi.

Luật đất đai 1988 và 1993.

Quyết định số 712. 1997 của Thủ tướng chính phủ Về việc phê duyệt Chương trình Phát triển Kinh tế – Xã hội vùng Tây Bắc.

Nghị định số 20/1998/NĐ-CP Về kinh tế hàng hoá miền núi và vùng dân tộc thiểu số.

Quyết định số 133/1998/QĐ-TTg. Chương trình mục tiêu Quốc gia Xoá đói giảm nghèo trong giai đoạn 1998-2000.

Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg.  Chương trình Phát triển Kinh tế – Xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa.

Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 5.4.1988. Về đổi mới quản lý nông nghiệp.

Nghị định số 13-CP ngày 2.3.1993. Quy định về công tác khuyến nông.

Luật bảo vệ và phát triển rừng, ngày 12.8.1991.

Nghị định 38/CP, 1968  Về Định canh định cư.

Nghị định số 37/CP ngày 20.6.1996. Về định hướng chiến lược công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân trong thời gian 1996-2000 và Chính sách Quốc gia về thuốc của Việt Nam.

Chỉ thị 16/BYT/CT ngày 16.11.93. Về việc điều động cán bộ y tế tuyến trên tăng cường xuống công tác tại các xã không có cán bộ y tế và thiếu cán bộ y tế.

Quyết đinh số 48/BYT/QĐ. Về việc thành lập Tiểu ban chỉ đạo công tác y tế miền núi.

Quyết định số 173-HĐBT ngày 2.1.1990 Thành lập Uỷ ban Quốc gia chống nạn mù chữ năm 1990-2000.

Đào Thế Tuấn, 1999. Sự phát triển của Hệ thống nông nghiệp miền núi phía Bắc. Hội thảo quốc gia Nghiên cứu phát triển bền vững miền núi Việt Nam, Hà Nội, ngày 3-5/8/1999. Nhà xuất bản Nông Nghiệp. 103-110pp.

Ngô Đức Thịnh, 1999. Luật tục và việc quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Hội thảo quốc gia Nghiên cứu phát triển bền vững miền núi Việt Nam, Hà Nội, ngày 3-5/8/1999. Nhà xuất bản Nông Nghiệp. 40-49pp.

Terry McKinley and Keith Griffin, 1993. The Distribution of Land in Rural China. The Journal of Peasant Studies, Vol.21, No 1, 71-84pp.

Hoàng Công Dung, Trịnh Công Khanh, 2002. Thực hiện Chương trình 135 ở miền núi: Thành tựu và các vấn đề quan tâm. Uỷ ban Dân tộc và Miền núi.

Đỗ Văn Hoà, 2002. 10 năm thực hiện Định canh Định cư, Di dân và Xây dựng các vùng kinh tế mới ở miền núi. Cục Định canh Định cư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Võ Quí, 2002. Tổng quan Môi trường miền núi Việt Nam trong 10 năm qua: Thực trạng và những vấn đề đặt ra. Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường,Đại học Quốc gia Hà Nội.

Khổng Diễn, 2002. Vấn đề Dân số với Phát triển các dân tộc thiểu số và miền núi Việt Nam. Viện Dân tộc học, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia.

Nguyễn Ngọc Lung, 2002. 10 năm phát triển Lâm nghiệp miền núi Việt Nam. Hội khoa học Lâm nghiệp Việt Nam.

Lê Trọng Cúc và Terry Rambo (biên tập), 2001. Miền núi phía Bắc Việt Nam: Một số vấn đề Môi trường và Kinh tế – Xã hội. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia.

Neil Jamieson, Lê Trọng Cúc, A. Terry Rambo, 1999.  Những khó khăn trong công cuộc phát triển miền núi ở Việt Nam. Đại học quốc gia Hà Nội, Trung tâm Tài nguyên và Môi trường.

Nguyễn Thị Hằng, 1998. Chương trình Quốc gia xoá đói giảm nghèo. Đặc san Tuần báo quốc tế Xoá đói giảm nghèo thời kỳ toàn cầu hoá. Tr. 20-23

Vũ Văn Dũng, 2002. Công tác bảo vệ Thiên nhiên ở miền núi 10 năm qua: Những thuận lợi và khó khăn. Trung tâm Sinh thái và Tài nguyên rừng, Viện Điều tra Qui hoạch rừng.

Hà Huy Thành, 2002. Tổng quan 10 năm thực hiện các Chính sách phát triển Kinh tế – Xã hội đối với các vùng dân tộc và miền núi. Viện Kinh tế học, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia.

Sách đỏ Việt Nam